Ngưỡng cửa vào đời

(Dân trí) - Ai đã từng một lần thi đại học thì sẽ biết cái mùi vị này, đó là một thứ cảm xúc lâng lâng khó tả mà cho đến bây giờ tôi không sao quên được. Dù con đường phấn đấu của tôi khá gian truân nhưng đã đạt tới mục tiêu mong muốn.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy gió Lào và cát trắng Quảng Trị, tôi cảm nhận rõ về sự nghèo khó của quê mình nhưng lại tự hào về truyền thống hiếu học. Tốt nghiệp phổ thông năm 2006, tôi làm hồ sơ thi vào ngành sư phạm của trường đại học Quy Nhơn, ước mơ làm thầy giáo tuy giản dị nhưng sao khó thực hiện đến vậy. Tuy buồn vì chỉ đạt trên 10 điểm nhưng tôi đã tự động viên mình phải phấn đấu hơn nữa cho kì thi năm sau.

 

Nhưng dự định đó đã thay đổi khi chú tôi bảo tôi làm hồ sơ vào trường Đường Sắt Đà Nẵng vì có người quen ở trong ấy. Đường Sắt là một nghề đòi hỏi con người ta phải có thể lực, sức khoẻ tốt mới đem lại hiệu quả và an toàn cho công việc. Tôi đã vượt qua đợt khám sức khoẻ và kiểm tra kiến thức hai môn Lý, Hoá để trở thành một trong 47 thành viên lớp Gác ghi k39 của trường.

 

Những ngày tháng ở Đà Nẵng đã cho tôi biết thế nào là cuộc sống của một học sinh xa nhà .Biết được mùi của cơm bụi thế nào, màu khói xe Lam ra sao. Nhưng điều không thể ngờ đã đến. Trong quá trình thực tập, một phần do mắt yếu, một phần lại không biết giữ gìn nên mắt tôi đã mờ hẳn. Ngày mồng 2 tháng 5 là ngày mà tôi chẳng bao giờ quên.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đến thăm chú tôi tận nhà, tôi kể lại câu chuyện buồn đó cho chú nghe, nhưng với chỉ dẫn của chú, tôi biết mình đã bị cận. Tuy không có gì nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn phải từ bỏ nguyện vọng làm người gác ghi đưa đón các đoàn tầu ra vào ga. Tôi thất vọng và buồn biết bao.

 

Hai tháng sau, tôi và thằng em con gì lại ngược ra Hà Nội để học nghề Kim Hoàn khi được ông ngoại xin cho; người cậu bà con xa là chủ của một công ty kim hoàn. Nhưng anh em tôi đã gặp phải người bà con thiếu tấm lòng bao dung .Ở chốn đô thành xa xôi ấy, anh em tôi phải nhịn nhục, phục tùng làm bất cứ điều gì để được học nghề. Nhưng có cho mà không có nhận. Ngày khai trương tiệm vàng mới cũng là ngày mà hai đứa phải khăn gói ra về.

 

Ba ngày sau, tôi lại được bố đưa vào Sài Gòn để làm công nhân, tôi nghĩ rồi đời mình không biết sẽ trôi về đâu. Gần một năm trời gắn liền với cái kéo, với máy cắt. Gần 12 tháng trời không được cầm cây bút, hay xem một cuốn sách. Là thợ cắt ở một công ty may mặc nên suốt ngày chỉ có cắt, cắt và…cắt. Tối tối lại làm tăng ca đến khuya. Chuỗi ngày dài của bao tháng làm công nhân cứ trôi qua chậm rãi.

 

Mãi đến Tết, tôi mới có dịp về quê, được gặp lại ba mẹ, anh em. Niềm vui mừng khó tả sau những ngày tháng xa nhà. Cũng vào dịp đó, tôi đi dự họp lớp mà thấy buồn vì ai cũng đi học, ai cũng là sinh viên, chỉ mình tôi đi làm nghề cắt may công nghiệp, cứ phải lặp lại mãi một công việc nhàm chán. Và có lẽ điều đó làm tôi thay đổi suy nghỉ và quyết tâm ôn thi lại một lần nữa để thi đỗ vào đại học.

 

Và 15 điểm 25 là kết quả của hơn 4 tháng ôn thi miệt mài, những ngày khó nhọc ấy đã đưa tôi đến với niềm hy vọng mới. Được cộng thêm 0,5 điểm vùng, tôi vừa đủ số điểm để đậu vào ngành Báo chí của trường đại học Khoa học Huế.

 

Ai đã từng một lần thi đại học thì sẽ biết cái mùi vị này, đó là một thứ cảm xúc lâng lâng khó tả mà cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được. Dù phải thi lại lần thứ hai, tôi vẫn sung sướng vì đã quyết tâm phấn đấu đạt bằng được mục tiêu của mình.

 

Có những cánh cửa mở ra thật dễ đối với những học sinh có hoàn cảnh thuận lợi, nhưng đối với tôi và không ít những bạn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì để tìm được lối đi và mở được cánh cửa tương lai cho mình thì thật là khó. Đó chính là cánh cửa bước vào đại học, cũng là cánh cửa ước mơ của không ít người.

 

Giờ đây khi ngồi nhìn lại những gì mà bản thân đã trải nghiệm, tôi thấy thật hối tiếc, sao không tận dụng hết thời gian với nỗ lực cao hơn,  kiên định hơn con đường mà mình đã lựa chọn để mở bằng được cánh cửa cần thiết để bước vào đời.

 

Lại một kì thi đại học nữa sắp đến, giờ tôi đang mang trên mình chiếc áo xanh. Đó là màu áo của những sinh viên tình nguyện, cũng là màu xanh của hy vọng. Hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những ai biết phấn đấu và biết sẻ chia những khó khăn trong mùa hè tình nguyện.

 

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tôi luôn mong các bạn hãy tự tin với những gì mà mình có được. Sự tự tin cùng với quyết tâm là sức mạnh diệu kỳ để mở ra những cánh cửa của cuộc đời mà các bạn đã lựa chọn.

 

Cuộc sống này trao cho ta rất nhiều cơ hội. Và những người biết tận dụng, nắm bắt cơ hội sẽ là người chiến thắng.

                                                                          
  Lê Anh Khoa

                               Khoa Ngữ Văn,Trường Đại Học Khoa Học Huế,TP Huế

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây là lời tâm sự chân thành của một bạn sinh viên về quá trình phấn đấu không thuận lợi của mình để đạt bằng được nguyện vọng vào đại học.

 

Có nhiều cánh cửa để bước vào đời, không riêng gì “cánh cửa đại học”, nhưng khi đã có định hướng phấn đấu rõ ràng thì phải kiên định và quyết tâm phấn đấu theo hướng đó để đạt tới đích cuối cùng. Phải chăng đó là điều tác giả bài viết trên đây muốn sẻ chia cùng các bạn trẻ.