1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sữa bột trẻ em: Quảng cáo tùy tiện, không niêm yết giá

(Dân trí) - Theo kết quả thanh tra mới nhất của Bộ Tài chính, cả hai doanh nghiệp sữa nhập khẩu được kiểm tra đều mạnh tay chi quảng cáo vượt mức quy định. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa lại không thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Sữa bột trẻ em: Quảng cáo tùy tiện, không niêm yết giá - 1
Nhiều doanh nghiệp vượt chi quảng cáo tiếp thị tới hàng trăm tỷ đồng (ảnh minh họa)
 
Kết quả thanh tra cho thấy, từ hồi đầu năm đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ em dưới 6 tuổi đã điều chỉnh tăng giá 1 lần trung bình từ 8% dến 11,5%.

Nguyên nhân tăng giá bán chủ yếu do tăng tỷ giá ngoại tệ làm ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, tăng chi phí tài chính. Trong khi đó, những điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu lại ảnh hưởng không lớn đến việc tăng chi phí kinh doanh. Đáng chú ý, chi phí quảng cáo, tiếp thị là một trong những yếu tố chính dẫn đến giá bán sữa bột cho trẻ em vẫn ở mức cao.

Cụ thể, năm 2010, hai doanh nghiệp kinh doanh sữa bị thanh tra là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã chi quảng cáo tiếp thị vượt mức cho phép đến hàng trăm tỷ đồng mỗi đơn vị.

Trong đó, Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam đã chi vượt hơn 114 tỉ đồng. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vượt 181,4 tỉ đồng (trong đó quảng cáo sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi là 8,6 tỉ đồng).

Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, nếu các doanh nghiệp này cắt giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị thì chắc chắn giá sữa sẽ không tăng như thời gian qua. Trong khi đó, bản thân ngành tài chính cũng phải thừa nhận chưa có chế tài đủ mạnh để xử doanh nghiệp vi phạm định mức chi quảng cáo.

Cùng với việc mạnh tay chi quảng cáo diễn ra ở phần lớn các thương hiệu sữa ngoại hiện nay có mặt trên thị trường Việt Nam, một hiện tượng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có thể áp giá sữa một cách tùy tiện đó là các công ty kinh doanh mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi đều chưa thực hiện việc kê khai, niêm yết giá.

Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, việc này là do các công ty nhập khẩu sữa vào Việt Nam chỉ thực hiện bán hàng cho nhà phân phối, không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

“Việc bán hàng và giá bán trên thị trường đến người tiêu dùng hoàn toàn do nhà phân phối độc lập thực hiện, công ty chỉ đưa ra giá khuyến nghị cho nhà phân phối bán ra tại các cửa hàng bán lẻ” – báo cáo thanh tra nêu rõ.

Như vậy, có thể thấy, sữa là mặt hàng duy nhất trong số 7 mặt hàng thiết yếu (như thép, xi măng, phân bón, khí hóa lỏng…) được thanh tra lần này chưa thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá theo niêm yết. Trong khi đó, đây lại là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn và bị nhập nhèm về giá từ nhiều năm nay.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc các công ty kinh doanh sữa nhập khẩu cứ tùy tiện vung tiền quảng cáo, tiếp thị rồi lại không phải công bố giá niêm yết còn tiếp diễn ngày nào thì giá sữa ngoại khó có thể kiểm soát được. Và nếu không có những biện pháp quản lý và giám sát đồng bộ, người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế.

Lan Hương