Báo động tình trạng "hà bá" ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng!

(Dân trí) - “Người dân chúng tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp sớm giúp dân có chỗ ở ổn định, chứ sạt lở riết rồi mất luôn nhà, bây giờ không biết dời đi đâu nữa”, một người dân ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) mong mỏi.

Ông Đặng Văn Như (ngụ ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, trước đây, sông Thạnh Mỹ rộng khoảng 40m, nhưng những năm qua đã bị sạt lở nhiều nên bây giờ sông rộng có nơi trên 70m, cũng đồng nghĩa với việc đã sát bên nhà dân.

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 1.

Bờ sông trước đây cách nhà ông Đặng Văn Như đến 50m, nay chỉ còn chừng 3m.

Ông Như kể, hồi trước, nhà của gia đình ông cách bờ sông khoảng 50m, nhưng bây giờ bờ sông đã sạt lở vào cách nhà còn khoảng 3m. Khu vực này đã có 4 căn nhà bị sụp xuống sông khiến cho mấy gia đình đó phải dời đi nơi khác, có người bỏ xứ lên tận TPHCM sinh sống bằng làm thuê vì đất lở hết nên mất luôn nhà cửa.

"Bà con chúng tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp giúp bà con có chỗ ở chứ sạt lở riết mất luôn nhà. Riêng nhà của tôi đã phải dời hết 2 lần, bây giờ không biết dời đi đâu nữa”, ông Như mong mỏi.

Theo ông Như, trên đoạn sông thuộc xã Ngọc Tố có hàng chục điểm sạt lở, riêng đoạn sông từ ngã ba sông Dù Tho đến cầu Hòa Lý (đi qua ấp Hòa Lý) dài khoảng 500m bị sạt lở nhiều nhất. Khu vực đất 2 bên bờ sông bị sụp xuống sông, làm mất hết đường đi của trên 40 hộ dân đang sinh sống.

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 2.
Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 3.

Nhiều cầu, cống trên tuyến đường vào nhà dân đã bị sụp, sạt lở gần hết.

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 4.

Sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Ghi nhận của chúng tôi, tại cầu Hòa Lý bắc qua sông Thạnh Mỹ trên đường tỉnh 936, cách đây mấy năm mố cầu và đường dẫn nằm trên đất liền cách bờ sông hàng chục mét nhưng đã bị sạt lở hết toàn bộ, hiện phải gia cố bằng lưới thép rọ đá để tránh trôi mố cầu cũng như đường dẫn lên xuống cầu.

Trong khi đó, dọc bờ sông Thạnh Mỹ, có một số đoạn được người dân dùng cây tràm cắm xuống đất rồi dùng bạt nhựa nilong kéo giăng bên ngoài để chống sạt lở. Tuy nhiên, cách chống sạt lở này rất mong manh vì nước lên cao, mỗi khi có tàu thuyền chạy qua lại thì sóng nước dập vào bờ rất mạnh nên rất dễ bị hư hại.

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 5.
Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 6.

Mố cầu và nhiều đoạn dọc bờ sông bị sạt lở chỉ được gia cố rất sơ sài.

Gặp chúng tôi, chỉ tay ra ngoài sông, bà Nguyễn Thị Kiên (63 tuổi, ngụ ấp Hòa Lý) thẫn thờ: “Hồi trước, nhà tôi ở mãi ngoài xa nhưng sông lở riết phải dời nhà vào trong này. Bây giờ, bờ sông cũng đã sạt lở sát sau lưng nhà rồi. Không biết mai này sẽ phải ở nơi nào nữa.

Ở đây có con đường đi vào khu dân cư rộng mấy mét, dù chưa được tráng xi măng nhưng đi lại rất thuận tiện. Bây giờ sông lở “ăn” hết con đường đó nên người dân chúng tôi chỉ có thể đi bộ men bờ sông, chứ không thể chạy xe gắn máy như trước”.

Bà Kiên còn cho biết, trên con đường này trước đây cũng có cây cầu bê tông trị giá hàng trăm triệu đồng, nhưng bây giờ sông “nuốt” hết đường, “nuốt” luôn 2 đầu mố cầu khiến cho cây cầu bị hư, không còn sử dụng được.

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 7.

Bà Kiên cho biết trước đấy bờ sông nằm tận bên ngoài...

Báo động tình trạng hà bá ăn sông, nuốt nhà dân tại Sóc Trăng! - Ảnh 8.

... nhưng nay đã sát bên sau lưng nhà, khiến người dân "mất ăn mất ngủ" vì không biết tới đây sẽ dời đi đâu nữa.

Theo ông Bùi Tấn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, trước tình hình sạt lở, chính quyền địa phương đã khảo sát và đề nghị các ngành chức năng xem xét, có biện pháp gia cố lại các điểm sạt lở, nhất là khu vực sạt lở ở cầu Hòa Lý để bảo đảm an toàn cho cây cầy trên con đường hết mạch từ huyện Mỹ Xuyên về các xã. Còn với các hộ dân, địa phương vận động bà con di dời ra khỏi vị trí nguy hiểm hoặc làm bờ kè để chống sạt lở.

Sạt lở bờ sông đang từng ngày “tấn công” vào nhiều tuyến đường, áp sát khu vực nhà dân khiến họ cứ thấp thỏm, lo âu, mất ăn mất ngủ. Người dân địa phương rất mong chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng sớm có những giải pháp kịp thời khắc phục, để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm