Người dân xã Thụy Phương mong chờ bản án công tâm của Tòa án Hà Nội

(Dân trí) - Có đủ tài liệu chứng minh đã sử dụng ổn định diện tích đất ở và đất vườn ao liền kề tại xã Thụy Phương từ năm 1986, nhưng ông Nguyễn Văn Nhàn vẫn bị TAND huyện Từ Liêm “bác” đơn khởi kiện các quyết định trái pháp luật của UBND huyện Từ Liêm.

Đơn tố cáo và kêu cứu của ông Nguyễn Văn Nhàn gửi đến báo Dân trí
Đơn tố cáo và kêu cứu của ông Nguyễn Văn Nhàn gửi đến báo Dân trí
 
Trong đơn kêu cứu gửi đến tòa soạn báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Nhàn, trú tại thôn Tân Phong, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội, là người khởi kiện vụ án hành chính “Yêu cầu huỷ quyết định số 15826; 18410, 3495 của UBND huyện Từ Liêm và khởi kiện hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện Từ Liêm” phản ánh: Bản án sơ thẩm số 03/2013/HC-ST ngày 27/5/2013 của TAND huyện Từ Liêm có dấu hiệu vi phạm tố tụng, Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra nhiều nhận định thiếu căn cứ nhằm bao che cho sai phạm của UBND huyện Từ Liêm và cán bộ xã Thụy Phương.

Về nguồn gốc nhà và đất, theo tài liệu lưu ở xã Thụy Phương, và trong giấy xác nhận xã Thụy Phương đều công nhận:Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn được Nhà nước giao 360m2 đất ở theo Giấy sử dụng đất số 1946/UBXDC5 ngày 30/4/1986 của TP. Hà Nội theo chính sách đối với các hộ đi xây dựng điểm kinh tế mới Tân Phương, xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội”.

Nội dung Giấy sử dụng đất 1946 là thu hồi 20.000m2 đất đất tại xã Thụy Phương để xây dựng nhà ở dãn dân xã Thượng Cát, ngoài ra không có mục đích sử dụng nào. Thực tế toàn bộ diện tích nêu trên được cán bộ thực hiện dự án di dân giao hết cho 36 hộ sử dụng, vì vậy danh sách 76 hộ lập năm 1996 và danh sách 80 hộ lập sau này không đúng với hiện trạng sử dụng đất theo Giấy sử dụng đất 1946, và toàn bộ 36 hộ này được thể hiện tại tờ bản đồ số 27, 34 bản đồ thổ cư 1994 HTX Tân Phương xã Thượng Cát.
 
Ông Nhàn và nhiều hộ dân thuộc diện kinh tế mới đã sử dụng đất ổn định từ năm 1986
Ông Nhàn và nhiều hộ dân thuộc diện kinh tế mới đã sử dụng đất ổn định từ năm 1986

Hồ sơ huyện Từ Liêm và xã Thụy Phương lưu giữ (bản đồ năm 1994; Sổ mục kê, bản vẽ phác họa sơ đồ thửa đất, kèm danh sách các hộ dân được chia đất thổ cư năm 1986) đều thể hiện hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông Nhàn gồm 405m2 đất ở và 605m2 đất vườn ao liền kề ông Nhàn đã khai hoang. Tuy nhiên, khi lên phương án thu hồi đất của ông Nhàn, UBND huyện Từ Liêm lại áp giá đền bù quá thấp, không bố trí tái định cư theo quy định pháp luật.

Tất cả hồ sơ và giấy tờ có liên quan đều thể hiện ông Nguyễn Văn Nhàn là chủ sở hữu hợp pháp phần diện tích nói trên. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/5/2013, TAND huyện Từ Liêm lại đưa ra những nhận định sai lầm, không phản ánh đúng bản chất vụ việc, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi công dân.

Bản án sơ thẩm số 03/2013/HC-ST nhận định: “Căn cứ bản tự kê khai ngày 19/1/2010 về đất đai, tài sản và cây trồng vật nuôi gắn liền với đất nằm trong chỉ giới thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng”. Nhưng thực tế bản tự kê khai này không tồn tại, bởi gia đình ông Nhàn chưa bao giờ được phát bản tự kê. Theo lời ông Nhàn, nhận định HĐXX đưa ra đều không có căn cứ, HĐXX không đưa ra được tài liệu chứng minh.

HĐXX sơ thẩm nhận định: “Theo bản đồ 1994…loại đất ao chủ sử dụng UBND xã quản lý” mang tính chủ quan, không dựa trên cơ sở tài liệu và căn cứ pháp luật, có dấu hiệu bao biện cho những việc làm trái của UBND huyện Từ Liêm. Bản án sơ thẩm cho rằng phần diện tích đất ao do UBND xã quản lý, trong khi bản đồ 1994 và xác nhận của các cơ quan, tổ chức cá nhân đều xác định gia đình ông Nhàn đã sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay, đất không tranh chấp.
 
Ông Nhàn cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm vi phạm tố tụng
Ông Nhàn cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm vi phạm tố tụng

Bên cạnh đó, bản án số 03/2013/HC-ST lại áp dụng những văn bản đã hết hiệu lực pháp luật, hoặc không liên quan đến việc giao đất của gia đình ông Nhàn. Cụ thể, “Mức giao đất ở cho các hộ dân là phù hợp với Quyết định số 272-CP ngày 03/10/1977 của Hội đồng Chính phủ… và cũng phù hợp với khoản 1 Điều 27 và điểm a Điều 35 Luật Đất đai năm 1987”. Tuy nhiên, trên thực tế Quyết định 272 đã hết hiệu lực và được thay bằng Quyết định số 95/QĐ-CP ngày 27/3/1980 của Chính phủ.

Trong quá trình xét xử, TAND huyện Từ Liêm không xem xét thực trạng sử dụng đất, việc giao đất thực tế mà lại đồng ý với giải thích của UBND huyện Từ Liêm khi vận dụng các văn bản không có giá trị pháp lý được lập sau hàng chục năm như: Danh sách các hộ có mặt tại điểm kinh tế mới lập năm 1996 (sau 10 năm kể từ thời điểm giao đất); sổ theo dõi các hộ gia đình do Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện lập năm 1993 … để khẳng định trong 360m2 đất được giao chỉ có 200m2 đất ở và 160m2 đất 5% mà không đưa ra được căn cứ pháp lý chứng minh nhận định của mình là đúng.
 
Người dân xã Thụy Phương chờ đợi TAND TP. Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm công minh
Người dân xã Thụy Phương chờ đợi TAND TP. Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm công minh

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Nhàn cho rằng những nhận định không khách quan, thiếu cơ sở pháp lý của TAND huyện Từ Liêm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng danh dự và tài sản hợp pháp của công dân nhiều năm qua.

Để giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, gia đình ông Nhàn đề nghị Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của UBND huyện Từ Liêm và những cán bộ liên quan. Có biện pháp giám sát, chỉ đạo TAND TP. Hà Nội giải quyết vụ việc, đưa ra bản án phúc thẩm đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương