Người dân vẫn phản ứng với "ý tưởng chẵn - lẻ"

(Dân trí) - Đề xuất hạn chế xe ô tô lưu thông ở trung tâm thành phố theo biển số chẵn-lẻ do Sở Giao thông Công chính TP Hồ Chí Minh đưa ra, lại một lần nữa vấp phải phản ứng của đa số người dân. Phần lớn ý kiến khẳng định: không có tính khả thi!

 
Người dân vẫn phản ứng với "ý tưởng chẵn - lẻ" - 1
Kiểm soát biển số ôtô chẵn - lẻ xem ra không dễ
(ảnh: thanhtravietnam.vn)
 

Lợi ích cho số đông

 

Vâng, vấn nạn ách tắc và tai nạn giao thông ở nước ta quả là đã tới mức phải nâng cấp báo động lên cao nhất rồi. Ai cũng cảm thấy quá đỗi bức xúc, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng có hạn, trong khi tốc độ phát triển phương tiện giao thông cũng như con người thì vẫn ngày một gia tăng nhanh chóng hơn.

 

Mỗi lần có dịp chạy xe ra các vùng ven thành phố Hà Nội, ngắm nhìn những khu vực mới xây dựng với lô xô  những tòa nhà cao tầng,  chắc chẳng ai trong chúng ta không có lúc tự hỏi: số người sống trong các tòa nhà đó mà đổ hết ra đường cùng lúc thì sẽ ra sao? Trong khi đường xá vẫn chỉ có vậy, quỹ đất hầu như chỉ dành cho xây chung cư, nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn, nhà hàng... đâu có còn dư cho làm đường, mở phố?

  

Cũng về chuyện này, bạn đọc Minh:  minh2008duc@gmail.com than thở:

 

Vấn đề lớn như vậy, mọi người đều biết rõ các nguyên nhân mà: dân số đô thị tăng, ô tô, xe máy tăng vọt, lòng đường tăng không đáng kể. Liên tiếp cho xây dựng chung cư trong nội đô. Ai cũng biết,  mà sao hình như cơ quan chức năng lại không biết để mà vẫn thỏa hiệp cho xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô, rồi lại nói người dân nên hy sinh quyền lợi của mình (?!)

 

Cuộc sống đẹp mà mà phải hy sinh cả việc đi lại nữa sao... Mấy năm vừa rồi, chung cư bùng phát chính là nguyên nhân. Bất động sản chỉ làm giàu cho nhà đầu tư thôi, chính phủ có bán được thêm đất đâu. Sao không phát triển ngoại đô, cấm xây dựng nội đô, vừa bán được đất, vừa phát triển đô thị, giảm được ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm và bệnh tật…”
 

Cơ sở  hạ tầng là vậy, ý thức tham gia giao thông của đại đa số người dân ta cũng chưa biết bao giờ mới thay đổi được. Thế nên với đề xuất chẵn - lẻ trên, có tới 99,99% ý kiến bạn đọc gửi tới Dân trí đã “nói không” với câu hỏi: Liệu có khả thi?

 

Cũng có người ủng hộ, nhưng số này xem ra rất ít, như - Đinh Khắc Bình:  hb_coltd07@yahoo.com nhận xét:

 

Tôi cho là rất bình thường, có khác gì cắt giảm điện 1 khu phố: Hôm nay cắt bên số chẵn, mai cắt bên số lẻ. Ai cũng thấy hợp lý và phải chấp nhận.Với biển số xe càng phải thế: thành phố chắc chắn giảm được 50% số xe vào nội thành. Cứ đợi đồng thuận thì chẳng làm được gì, cũng như việc đội mũ bảo hiểm ngày nào.

 

Tuy nhiên, đa số vẫn là những ý kiến trái chiều với những phân tích khá thấu đáo trên cơ sở lập luận chính: Cần làm sao để đem lại lợi ích thực sự cho số đông, chứ không phải là đẩy cái khó sang cho dân!

 

Đây là một phương án không có chiều sâu. Nếu thành phố thật sự cần một giải pháp về chống ùn tắc đường khả thi và giá rẻ, thì nên tổ chức một cuộc thi về giải pháp chống ùn tắc giao thông với phần thưởng lớn, sẽ thu hút được rất nhiều cá nhân và tổ chức tham gia.

 

Tôi thấy rất nhiều phương án đã đưa ra, có những phương án đã đi vào hoạt động nhưng không mấy hiệu quả. Những phương án đó luẩn quẩn và không khả thi, nhưng có lẽ vẫn gây được sự chú ý với giới chức liên quan...

 

Còn theo ý kiến của tôi, để chống ùn tắc giao thông hiện nay thì phải có những dự án táo bạo và phải có những người có đủ tài, đức xem xét , thẩm định và phê duyệt những dự án đó” -  Nguyễn Văn Thắng:  ThangTQ22@yahoo.com.vn viết.
 
"Trước khi áp dụng biện pháp "chẵn-lẻ" này, xin các bác nghiên cứu xem: 1/ Có phạm luật không? 2/ Liệu những người ngày nào cũng phải đi qua những con đường đó có phải mua thêm xe để cho mình có đủ xe cho " chẵn-lẻ"? Không cẩn thận khéo lại xảy ra hiện tượng làm biển số giả để thay thế cho phù hợp ngày, thành ra rối giống như hồi cấm đăng ký nhiều xe tên một người như ở Hà Nội trước đây. Có lẽ với sáng kiến "chẵn-lẻ" này, cũng cần có chế tài phù hợp đi theo: bác nào khăng khăng cổ súy cho biện pháp này thì cần cam kết là nếu thành công thì thăng chức, nếu thất bại thì bị kỷ luật chứ không thể lại chỉ "rút kinh nghiệm" - Hoang Anh: esoteric.anh@gmail.com kiến nghị.
 

Tôi không sống ở thành phố HCM nhưng thực sự bức xúc thay cho người dân ở đây. Việc phân biển chẵn lẻ thay nhau hoạt động đồng nghĩa với hạn chế quyền công dân. Mặt khác trực tiếp gây áp lực cho hoạt động kinh tế. Ý tưởng lạ kì này có nhằm giảm gánh nặng giao thông thực sự không, hay lại khiến mỗi người phải "tậu" cho mình thêm 1 phương tiện cá nhân nữa. Các giới chức có mấy ai đi xe buýt?... Không, và chắc xe họ có biển xanh, nên cũng không cần thiết phải nghĩ đến việc chẵn-lẻ!?! Tôi đang học tập ngành quản lý đô thị và với tôi, 1 chính sách tốt là chính sách mang lại lợi ích cho số đông người dân” - Đinh Quang Trung:  trungdinh04k7@gmail.com khẳng định.

 

Tôi tin rằng giải pháp này sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng tắc đường tại những thành phố lớn. Tuy nhiên nếu với tinh thần… "Đẩy cái khó cho dân" như thế, có lẽ Bộ GTVT cần cấm hết xe ôtô không phân biệt chẵn lẻ, tiến tới là cấm luôn xe máy. Nhớ lại Táo Giao thông năm nào có nói:"Các phương tiện tự tìm lấy đường mà đi", thì năm nay có lẽ sẽ là: "Bộ GTVT đã hoàn thành nhiệm vụ chống tắc đường, người dân tự tìm lấy cách mà đi!” -  Phạm Ngoc:  phamngoc2010@gmail.com chua chát…
 
Người dân vẫn phản ứng với "ý tưởng chẵn - lẻ" - 2
"Bài toán" biển số chẵn - lẻ ...(lenguyenhuytran.com)

 

Đa dạng kế sách

 

Cũng như trước bao vấn đề nóng khác của xã hội, rất nhiều bạn đọc sẵn sàng đóng góp thêm những ý tưởng ngõ hầu tìm được lời giải xác đáng cho bài toán giao thông.

 

Nếu đến Bộ trưởng mà cũng ủng hộ lưu thông xe theo chẵn - lẻ thì... hết ý kiến. Sao không xem kinh nghiệm của Singapore, đóng thuế là giải pháp khả thi nhất. Xe ô tô lưu thông 3 ngày/tuần, 7ngày/ tuần và xe lưu thông thứ bảy, chủ nhật. Mỗi loại xe mang biển màu khác nhau và đóng thuế tuỳ theo chủ xe lựa chọn” - Kim Giang: kimgiangbh@yahoo.com vừa thở than vừa nêu một ví dụ sát sườn từ quốc gia ở cách chúng ta không bao xa. 

 

Minh:  Minhdongta@yahoo.com chia sẻ:

 

Nên thu tiền vào thành phố như SINGAPORE. Như vậy ai có chuyện cần mới vào, tạo thêm ngân quỹ cho Nhà nước”.

 

Hoặc nick Beck:  vuanbeck@yahoo.com.vn dẫn chứng:

 

Ách tắc giao thông ở VN, theo tôi, chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện gây ra chứ không phải chỉ do hạ tầng kém. Các bạn ai đã đến Hong Kong đều thấy rằng đường phố cũng nhỏ như phố cổ Hà Nội, với hơn 1 triệu xe ô tô lưu thông hàng ngày nhưng rất ít khi tắc đường.

 

Đó là vì ý thức của họ cao và rất lo sợ bị phạt. Đơn cử việc cấm hút thuốc nơi công cộng ở Hong Kong, nếu vi phạm sẽ bị phạt 5.000 HKD. Việc tuyên truyền diễn ra khắp mọi nơi, trong vòng bán kính 5m bạn đều nhìn thấy biển "No smocking penaty 5.000$" (thông báo mức  phạt tới 5.000 HKD). Thử hỏi nếu bạn nhìn thấy biển này có còn dám hút thuốc không?

 

Thiết nghĩ giao thông VN cũng cần học theo cách tuyên truyền này, trên các tuyến phố treo nhiều băng rôn và ghi rõ mức phạt. Ví dụ: "Đi sai làn phạt 500K", "Vượt đèn đỏ phạt 1 triệu" chẳng hạn (và phải phạt nghiêm thực sự, không cho xin xỏ...). Tôi nghĩ mưa dầm thấm lâu, nếu các băng rôn tuyên truyền này tồn tại trong thời gian 1 năm trở lên thì sự vô ý thức khi tham gia giao thông ở VN nói chung, HN và SG nói riêng chắc sẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thôi”.

 

“Kế” của Nguyễn Hoàng Long:  hoanglongvmrcc@yahoo.com.vn  là cả một bài phân tích dài:

 

 Theo tôi việc cho xe ô tô lưu thông theo kiểu biển chẵn lẻ, ngày chẵn ngày lẻ là một trong những phương pháp để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng giảm ùn tắc giao thông là vì sự phát triển kinh tế, phát triển kinh tế là vì ai? Xin thưa vì người dân. Nhưng khi quy định biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ thì những ngày không được đi xe họ sẽ đi lại bằng gì? Phải chăng như thế phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân?

 

Hơn nữa việc xe lưu thông nhiều, nếu nhìn ở tầm vĩ mô cũng là một trong những phương pháp kính cầu và kích thích nền kinh tế phát triển. Như vậy, quy định như thế liệu có nên không? Chúng ta nên xem xét lại.

 

Tôi cũng xin đưa ra một kế về vấn đề này như sau:

 

+ Tăng cường lực lượng cảnh sát, công an, phối hợp với dân phòng và một số lực lượng khác để bắt buộc người tham gia giao thông đi đúng làn đường, không cho các phương tiện tham gia giao thông lượn lách trong mọi trường hợp nếu không có sự cho phép của công an giao thông và các lực lượng khác được trao quyền.

 

+ Thực hiện phạt nguội vô thời hạn (kể cả thời điểm phạt sau thời điểm vi phạm rất lâu) đối với các phương tiện đi sai làn đường. Quy định cụ thể chế tài cho các lỗi vi phạm.

 

+ Ý thức người tham gia giao thông chưa cao thì chúng ta bắt buộc họ phải đi vào nền nếp, quy củ. Khi thực hiện phải thật sự quyết liệt, rộng khắp và kéo dài. Không thực hiện theo kiểu theo chiến dịch một thời gian rồi lại quên đi.

 

+ Tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giải quyết bài toán giao thông này sẽ là rất lớn. Thay vào đó chúng ta hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng tới mức tối đa cho phép, chỉ đầu tư vào những điểm thật sự rất cần thiết, phần kinh phí còn lại đầu tư vào con người - đó là lực lượng ra đường làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Đầu tư như thế là đầu tư tận gốc, giải quyết vấn đề tận gốc chứ không giải quyết phần ngọn.

 

Cái được ở đây là được về lâu về dài. Chúng ta thực hiện quyết liệt để bắt buộc người tham gia giao thông có ý thức tham gia giao thông nghiêm túc. Một thời gian sẽ trở thành thói quen tốt, thói quen tốt trở thành ý thức tốt, trở thành một nếp văn hóa. Và khi con người nâng cao ý thức thì sẽ có ích mãi về sau, có ích không chỉ trong giao thông mà cả trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mong mọi người quan tâm và cùng chia sẻ”. 

 

Nick gio lao HT: dangvucuong01@gmail.com nêu thêm những bất cập:

 

Vào thành phố mà còn phải biển số chẵn lẻ, ngày chẵn lẻ? Theo tôi, ý kiến này nên dẹp sớm. Cần phải suy nghĩ cách khắc phục và tìm giải pháp tránh ùn tắc như phân luồng xe con, xe 2 bánh, người đi bộ.... Còn xe mang tính chất có vận tải hàng hóa 1,5 tấn trở lên từ mấy giờ đến mấy giờ thì được vào thành phố… Như vậy có lẽ hay hơn.

 

Nếu cứ chọn biển chẵn lẻ thì lượng xe cũng không giảm được bao nhiêu, mà còn làm cho người đi lại và các doanh nghiệp phải tìm “phương pháp” khác như thuê xe theo ngày chẵn lẻ, hoặc phải mua thêm xe để có biển số chẵn lẻ phục vụ công tác và đáp ứng theo kịp tốc độ phát triển của đất nước.
 
Đỗ Văn Dũng: dovandung@gmail.com đề xuất:
 
"Bộ trưởng kêu gọi "...sự đồng thuận xã hội, chia sẻ của nhân dân với Chính phủ, hy sinh lợi ích, tiện ích của cá nhân để tham gia chương trình lớn của đất nước. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người với đất nước trước an toàn bền vững của mỗi gia đình, cả xã hội và cả cộng đồng quốc tế".
 
Theo tôi được biết, trước đây mỗi khi kêu gọi đồng bào làm một việc gì đó, Bác Hồ đều làm gương trước và được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng làm theo. Ví dụ kêu gọi mọi người tập thể dục thì Bác là người tập chăm chỉ nhất, kêu gọi mọi người tiết kiệm hũ gạo "chiến đấu" thì Bác cũng là người đầu tiên thực hiện, kêu gọi mọi người tiết kiệm chống lãng phí thì Bác cũng là tấm gương sáng cho mọi người... Thiết nghĩ, để kêu gọi nhân dân thì mong các giới chức cũng làm gương trước theo gương Bác"...

 

Để tìm ra lời giải đúng cho bài toán giao thông hiện nay quả là rất khó. Nhưng "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền",  mong muốn chung được đông đảo bạn đọc nhấn mạnh đó là: Cơ quan chức năng nên tham khảo ý kiến trong dân. Rồi từ những nguyên liệu thô xuất phát từ chính kinh nghiệm thực tế trên đường của mọi tầng lớp người tham gia giao thông, rút ra những gì tinh túy nhất đúc kết thành sản phẩm tốt, để khi đã tung ra thị trường là được đóng dấu xác nhận thương hiệu!!!

 

Thanh Nguyễn