Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Người dân trắng tay vì quyết định trái khoáy của UBND tỉnh Bình Dương

(Dân trí) - Sử dụng phần diện tích 2,4ha đất lúa ở phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương từ năm 1973. Năm 2000, một phần diện tích đã được cấp sổ đỏ. Đến năm 2002, các hộ dân tá hỏa phát hiện đất đã bị “bán chui” khi doanh nghiệp đưa máy về san lấp.

Hồ sơ giả mạo vẫn được chính quyền xác nhận làm sổ đỏ

Trong đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng Trung ương và Báo Dân trí, ông Bùi Xuân Thủy và 2 hộ dân khác là chủ nhân sử dụng phần diện tích 2,4ha đất trồng lúa đề cập ở trên cho rằng UBND tỉnh Bình Dương, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bình Dương không xử lý dứt điểm vụ án “Nguyễn Văn Đạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khiến những người nông dân có quyền và lợi ích hợp pháp bức xúc. Sau khi tiến hành thu hồi phần diện tích bị cấp trái luật, thay vì trả lại cho các hộ nông dân trồng lúa, chính quyền lại cho doanh nghiệp tư nhân thuê làm nơi sản xuất suốt những năm vừa qua.
 
Ông Bùi Tẽo bức xúc vì vụ việc 3 hộ nông dân bị đẩy vào cảnh trắng tay
Ông Bùi Tẽo bức xúc vì vụ việc 3 hộ nông dân bị đẩy vào cảnh trắng tay

Dựa trên hồ sơ vụ việc được các hộ nông dân cung cấp, tháng 6/1973, ông Vũ Khánh Tường lúc đó giữ chức Hiệu trưởng trường Đắc Lộ đứng tên trong trích lục địa bộ số 97 (số mới là 149) với phần diện tích 2,4ha đất trồng lúa ở xa lộ Biên Hòa, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Sông Bé cũ, nay thuộc địa bàn phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có viết cho ông Bùi Tẽo giấy ủy quyền với nội dung ủy thác cho ông Tẽo trông coi sở đất và có quyền cày cấy. Sau khi đi Mỹ định cư vào năm 1975, ông Vũ Khánh Tường đã qua đời vào năm 1984.

Về phần diện tích 2,4ha, sau khi được ủy quyền, ông Bùi Tẽo sử dụng 12.420m2, phần còn lại ông giao cho 6 hộ dân khác sử dụng canh tác ổn định. Hàng năm có kê khai, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước theo quy định pháp luật. Trong số các hộ nông dân cùng ông Tẽo canh tác, ông Tẽo và 3 hộ khác được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) vào năm 2000. Ba hộ ông Bùi Vịnh (anh ruột ông Tẽo), ông Nguyễn Mỹ và bà Vũ Thị Sự sử dụng 9.638m2 chưa được cấp sổ đỏ vì bị thất lạc hồ sơ.

Trong hồ sơ kê khai nguồn gốc đất của ông Bùi Tẽo xin cấp sổ đỏ, UBND xã Bình An xác nhận: “Ông Bùi Tẽo đang sử dụng đất cấy lúa từ trước năm 1975 đến nay, có nguồn gốc của ông Vũ Khánh Tường (đã qua đời), hiện nay không có tranh chấp”.

Liên quan đến phần diện tích 9.638m2 mà các ông bà Bùi Vịnh , Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự sử dụng. Ông Nguyễn Văn Đạo, trú tại 15/2 ấp Ngãi Thắng, xã Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã lập kế hoạch chiếm đoạt, vì phần diện tích này có giá trị kinh tế rất cao.

Biết các ông bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự không biết chữ, ngày 27/8/1998, ông Nguyễn Văn Đạo tiến hành soạn ra giấy trả đất với nội dung: “Năm 1973, ông Đinh Huy Năng cho các ông, bà Bùi Vịnh, Vũ Thị Sự và Nguyễn Mỹ mượn đất để canh tác, nay do tuổi cao, sức yếu không đủ sức làm ruộng nên làm giấy này để trả ruộng cho ông Đinh Huy Năng”.

Lợi dụng lúc các con ông Bùi Vịnh đi vắng, ông Nguyễn Văn Đạo chở ông Bùi Vịnh (Đã 85 tuổi và không biết chữ) đến xã điểm chỉ vào tờ giấy trả đất do ông Đạo chuẩn bị sẵn. Chủ tịch UBND xã Bình An, Huỳnh Long ký xác nhận chữ viết và điểm chỉ của ông Bùi Vịnh. Điều bất thường là ngày 27/8/1998, ông Bùi Vịnh điểm chỉ, nhưng đến ngày 10/12/1998 (cách nhau tới gần 4 tháng), Chủ tịch UBND xã Bình An, ông Huỳnh Long mới ký xác nhận.

Với hai hộ ông Nguyễn Mỹ và bà Vũ Thị Sự, ông Nguyễn Văn Đạo cũng sử dụng đúng phương thức này. Điều khác biệt là ông Mỹ, bà Sự không cần phải ký tên, điểm chỉ mà nhờ người khác ký tên, điểm chỉ giúp nhưng vẫn được các cơ quan chức năng cho là đúng quy định pháp luật.

Dựa trên những giấy tờ giả mạo và sự tiếp sức của lãnh đạo địa phương, toàn bộ 9.638m2 mà các ông bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự sử dụng đều được UBND huyện Dĩ An cấp sổ đỏ mang tên ông Đinh Huy Năng vào ngày 4/4/2000.

Sau khi hoàn tất việc lừa đảo và toàn bộ 9.638m2 được cấp sổ đỏ số 2751/QSDĐ/CQ.BA mang tên ông Năng, ông Nguyễn Văn Đạo tiếp tục “phù phép” chuyển nhượng cho ông Nguyễn Huy Hoàng (được cấp sổ đỏ số 3987/CN.BA - ngày 4/12/2001), ông Trần Văn Hùng (được cấp sổ đỏ số 3659/CN.BA - ngày 30/5/2001).

Hủy sổ đỏ cấp trái luật, chính quyền kiên quyết không trả cho nông dân

Năm 2002, sau khi biết phần đất gia đình đang sử dụng bị ông Nguyễn Văn Đạo lừa đảo “bán chui”. Các ông bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan Công an và các cấp chính quyền để đòi lại diện tích đất ruộng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.

Ngày 7/7/2003, Công an huyện Dĩ An ra quyết định khởi tố vụ, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đạo với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do tính chất nghiêm trọng và phức tạp, ngày 21/7/2003, Viện KSND huyện Dĩ An chuyển vụ án lên Công an tỉnh Bình Dương để điều tra.
 
Phần diện tích trồng lúa của 3 hộ dân bị chính quyền mang đi cho tư nhân thuê
Phần diện tích trồng lúa của 3 hộ dân bị chính quyền mang đi cho tư nhân thuê

Hành vi phạm tội của ông Đạo đã rõ ràng, nhưng không hiểu vì sao ngày 29/7/2005, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bình Dương lại ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định số 14 đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Văn Đạo do không đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.

Không hài lòng với cách xử lý của Cơ quan CSĐT, 3 hộ dân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh yêu cầu giải quyết thấu đáo vấn đề. Đồng thời yêu cầu được UBND huyện Dĩ An làm thủ tục cho nhận lại phần ruộng để trồng lúa, bởi đây nguồn sống chủ yếu của cả 3 gia đình.

Sau khi 3 hộ nông dân làm đơn khiếu nại, ngày 5/11/2007, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký công văn số 4982/UBND-TD về việc “Giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Bùi Xuân Thủy, bà Vũ Thị Sự và ông Nguyễn Chí Dũng”.

Công văn của UBND tỉnh Bình Dương xác định, đơn kê khai nguồn gốc đất và đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Đinh Huy Năng đều do ông Nguyễn Văn Đạo ký tên, nhưng không có giấy ủy quyền của ông Năng cho ông Đạo là trái với quy định tại điểm 1, 2 mục I phần I - Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục Địa chính về hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Bên cạnh đó, đơn kê khai và đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Đinh Huy Năng được UBND xã Bình An xác nhận không đúng về nguồn gốc cũng như quá trình SDĐ của ông Đinh Huy Năng, không thể hiện được cơ sở pháp lý, hiện trạng SDĐ theo quy định tại điểm 2, 4 mục I phần II Thông tư 346/TT-TCĐC.

Việc UBND xã Bình An xét duyệt hồ sơ cho ông Đinh Huy Năng được hợp thức hóa QSDĐ nhưng không có biên bản xét duyệt của Hội đồng xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, không công khai niêm yết hồ sơ đăng ký đất tại địa phương. Khi hồ sơ chuyển lên Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ tác nghiệp đã không thẩm tra kỹ hồ sơ mà xác nhận và tham mưu cho UBND huyện Dĩ An ký Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đinh Huy Năng ngày 4/4/2000.

Từ những căn cứ trên, tỉnh Bình Dương yêu cầu UBND huyện Dĩ An ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ số 2751/QSDĐ/CQ-BA ngày 4/4/2000 cấp cho ông Đinh Huy Năng, hướng dẫn cho các hộ dân làm thủ tục kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo trình tự thủ tục của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, UBND huyện Dĩ An đã ban hành Quyết định 682/QĐ-UBND và Quyết định 683/QĐ-UBND ngày 26/3/2008 về việc thu hồi 2 Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trái luật cho Công ty Huy Hoàng và Công ty Hưng Đạo Container.

Sau khi thu hồi xong 2 sổ đỏ đó, lẽ ra UBND huyện Dĩ An phải hướng dẫn 3 hộ dân làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và trả lại ruộng đất cho nông dân thì UBND huyện Dĩ An lại làm điều ngược lại, cho 2 doanh nghiệp nói trên thuê lại và không trả lại đất cho nông dân.

Khi các hộ nông dân làm đơn khiếu nại về những quyết định trái khoáy nêu trên thì nhận được 3 văn bản số 2696, 2697 và 2698/UBND-TD, ngày 7/9/2010 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam về việc trả lời kiến nghị của các hộ dân xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Theo nội dung văn bản đó thì UNBD tỉnh bác yêu cầu đòi lại đất của 3 hộ dân trên.

UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, năm 1973, ông Vũ Khánh Tường làm giấy ủy thác cho ông Bùi Tẽo trông coi và cày cấy, sau đó ông Bùi Tẽo tự ý chia cho các ông bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự sử dụng không được sự đồng ý của ông Vũ Khánh Tường. Ngày 27/8/1998, ông Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ đã đến UBND xã Bình An (nay là xã Bình Thắng) làm giấy trả đất cho ông Đinh Huy Năng.

Vì những lý do nêu trên, UBND tỉnh Bình Dương khẳng định: Các ông Bùi Xuân Thủy, Nguyễn Chí Dũng (con ông Nguyễn Mỹ) và bà Vũ Thị Sự không đủ điều kiện để yêu cầu cấp Giấy chứng nhận QSDĐ

Theo ý kiến của các hộ dân, kết luận nêu trên của UBND tỉnh Bình Dương là hoàn toàn thiếu thuyết phục và trái pháp luật. UBND tỉnh Bình Dương chỉ dựa vào báo cáo số 20 ngày 29/3/2010 của đoàn thanh tra tỉnh, hợp thức hóa việc chiếm dụng toàn bộ đất ruộng của 3 hộ dân nói trên. Vì trên thực tế, tại các văn bản trước đó của cơ quan công an cũng như Văn bản số 4982/UBND-TD, ngày 5/11/2007 của UBND tỉnh đã kết luận tất cả quy trình xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Đinh Huy Năng là trái pháp luật, và đều do ông Nguyễn Văn Đạo đứng ra làm giả mạo giấy tờ và cấu kết với một số lãnh đạo chính quyền địa phương.

Vì những quyết định thiếu thống nhất của các ban, ngành và cả UBND tỉnh Bình Dương, 3 hộ nông dân đã bị đẩy vào cảnh không ruộng đất, không việc làm. Dù đã đi khiếu kiện nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận lại đất ruộng hợp pháp của mình.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm