Bài 6:
Người dân thường bị khởi tố tội Lạm quyền là vụ án phức tạp
(Dân trí) - Không chức tước hay địa vị trong công ty, thế nhưng anh Phạm Văn Tình bỗng dưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. TAND huyện Nam sách nhận định đây là vụ án có tính chất phức tạp nên quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử.
Bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) khởi tố và bắt tạm giam và VKSND huyện Nam Sách truy tố về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” trong khi chỉ là người dân thường, anh Tình đã gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan Trung ương, địa phương. Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đề nghị Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương xem xét, giải quyết.
Theo diễn tiến vụ việc, ngày 14/6/2016, TAND huyện Nam Sách đã có Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử do bà Hà Thị Liên, Chánh án TAND huyện Nam Sách ký. Cụ thể, căn cứ vào hồ sơ vụ án Phạm Văn Tình bị VKSND huyện Nam Sách truy tố về tội “Lạm quyền khi thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 282 của Bộ luật hình sự, TAND huyện Nam Sách cho biết xét thấy vụ án có tính chất phức tạp và cần gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
Theo đề nghị của thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà, TAND huyện Nam Sách đã quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án 15 ngày.
Cáo trạng của VKSND huyện Nam Sách (Hải Dương) ban hành quy kết: Trong khoảng thời gian từ 8h đến 10h ngày 9/7/2010 tại tầu HD-0639 trên sông Kinh Thầy thuộc địa phận thôn An Điền, xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách (Hải Dương), Phạm Văn Cơ, Phạm Văn Tình, Phạm Hải Ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển bơm hút cát sỏi lòng sông năm 2010 trên địa bàn huyện Kinh Môn đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có hành động, lời nói yêu cầu ông Nguyễn Đức Diệp (SN 1952) ở Thanh Niên - Cộng Hoà - Kim Thành - Hải Dương phải miễn cưỡng nộp phạt số tiền 5 triệu đồng không có thủ tục theo quy định.
VKSND huyện Nam Sách cho rằng trong vụ án này Phạm Văn Cơ là người khởi xướng nên xác định Cơ là người thực hành giữ vai trò chính. Phạm Văn Tình, Phạm Hải Ninh là thực hành giữ vai trò đồng phạm với Cơ.
Vì vậy VKSND huyện Nam Sách ra cáo trạng truy tố bị can Phạm Văn Tình về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, ngay từ khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách ra quyết định khởi tố về tội danh này, Phạm Văn Tình đã liên tục gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng khẳng định mình là một công dân bình thường không có chức sắc vẫn bị quy kết tội lạm quyền là việc oan khiên rõ ràng.
Người dân Thường bị khởi tố tội Lạm quyền là vụ án có tính chất phức tạp.
Sau khi Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của anh Phạm Văn Tình (ở khu 1, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương), PV Dân trí đã về thị trấn Minh Tân - “tâm điểm” của vụ án gây xôn xao dư luận. Đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng anh Tình vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi khi nhớ về những ngày mình bị oan khuất. Mặc dù có tiền sử bệnh động kinh, nhưng anh vẫn được Công ty CP Đông Hải 27-7 nhận vào làm công nhân vì bố anh là cựu chiến binh. Công việc thường nhật của anh ở công ty là trông coi bãi tàu, bãi xe tập kết.
Theo anh Tình, hơn 5 năm trước, ngày 11/6/2010, sau khi nhận được sự phân công của lãnh đạo Công ty CP Đông Hải 27-7, anh Tình cùng với ông Phạm Hải Ninh và ông Trần Văn Tuấn đi làm nhiệm vụ hỗ trợ Đội kiểm tra liên ngành UBND huyện Kinh Môn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hoạt động bơm hút cát sỏi trái phép trên sông Kinh Thầy. Tuy nhiên, một tuần sau đó anh Tình có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nên đã làm đơn xin nghỉ việc để điều trị bệnh.
Theo đơn kêu cứu, ngày 24/6/2010, Giám đốc Công ty CP Đông Hải 27-7 đã có Quyết định số 20/QĐ-ĐH đình chỉ công tác đối với anh Tình để nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngày 1/7/2010, anh Tình bị hôn mê bất tỉnh, gia đình đã đưa anh vào Phòng khám Đa khoa Mạo Khê (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để cấp cứu. Sau đó chuyển anh lên Bệnh viện Bưu điện Hà Nội tiếp tục điều trị. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, ngày 9/7/2010, anh Tình được gia đình xin về điều trị ngoại trú. Và chính cái ngày định mệnh này đã cuốn anh vướng vào một vụ án tham nhũng.
Khoảng 10h ngày 9/7/2010, khi anh Tình đang nằm nghỉ ở nhà thì có cuộc điện thoại yêu cầu Công ty CP Đông Hải 27-7 cho tàu ra Phà Mây kéo tàu vi phạm về bãi. Do tình trạng sức khỏe chưa có gì khả quan, nên anh Tình trả lời rằng đang bị bệnh nằm tại nhà không thể đi làm việc được. Tuy nhiên, người này gọi điện đến hỏi tiếp là nếu kéo tàu từ Phà Mây về bãi Phúc Thành thì chi phí khoảng bao nhiêu. Anh Tình trả lời: “Khoảng 5 triệu đồng gì đó, cụ thể như thế nào thì anh báo về công ty. Tôi không biết”.
Nội dung cuộc điện thoại chỉ có thế, nhưng đến tối cùng ngày, Công an huyện Nam Sách đã huy động lực lượng ập vào nhà riêng đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với anh Tình. Kèm với đó là quyết định khởi tố anh về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo lời anh Tình, sau khi bị bắt anh được đưa về trụ sở Công an huyện Nam Sách giam giữ 12 ngày. Sau đó bị chuyển đến nhà tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, rồi nhà tạm giam Bộ Công an. Cho đến ngày 13/12/2010, anh Tình mới được tại ngoại vì bệnh tình. Quyết định do Trưởng Công an huyện Nam Sách ký, tách bị can Phạm Văn Tình thành vụ án riêng, chờ điều trị bệnh xong sẽ xử lý. Riêng hai người được cho là đồng phạm với anh Tình là Phạm Văn Cơ (41 tuổi, ở xã Thăng Long, huyện Kinh Môn) - cán bộ Hạt giao thông huyện Kinh Môn, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành cùng đồng phạm và Phạm Hải Ninh (40 tuổi, ở TP Hải Dương) đã bị truy tố ra trước tòa và cả hai cũng chấp hành xong bản án.
Ông Nguyễn Đức Diệp - Chủ tàu HD 0639 vi phạm trong ngày 9/7/2010: "Tôi chỉ biết anh Tình khi Công an huyện Nam Sách khởi tố vụ án. Trước đó tôi không biết anh Tình hay anh Ninh. Số tiền 5 triệu tôi bỏ ra hôm đó là tiền thuê kéo tàu về bãi. Toàn bộ nội dung này tôi đã trả lời tại phiên toàn xử anh Ninh và anh Cơ, nhưng không được cơ quan chức năng lưu tâm".
“Mặc dù tôi không hề liên quan đến vụ án cưỡng đoạt tài sản hay lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố đối với Phạm Văn Cơ cùng đồng phạm. Chỉ vì câu trả lời chung chung qua điện thoại về mức chi phí kéo một chiếc tàu vi phạm trong trạng thái không được minh mẫn mà tôi vướng vào vòng lao lý. Tôi bị bắt giam, sống khổ cực trong nhà giam hơn 5 tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự và công việc, gia đình điêu đứng” - anh Tình bày tỏ.
PV Dân trí đã làm việc với ông Nguyễn Đức Diệp - Chủ tàu HD 0639 vi phạm trong ngày 9/7/2010, ông Diệp khẳng định ông đưa tiền cho một người tên Cơ trong Tổ công tác liên ngành hôm đó chứ không phải anh Tình và đó là tiền thuê tàu của Công ty CP Đông Hải 27-7 kéo tàu của ông về bãi tập kết.
Bản thân ông Diệp cũng rất bất ngờ khi Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách khởi tố anh Phạm Hải Ninh là đồng phạm với Phạm Văn Cơ. Lý giải về việc này, ông Diệp khẳng định, trước, trong và sau thời điểm tàu của ông bị lực lượng liên ngành bắt giữ, ông không hề gặp ai tên Ninh. Bản thân ông cũng không biết Ninh là ai…? Điều này cũng thể hiện ngay trong đơn trình bày của ông Diệp gửi các cơ quan điều tra. Nếu anh Ninh cưỡng đoạt số tiền 5 triệu đồng của ông Diệp, thì tại sao vị chủ tàu này lại nhất quyết khẳng định hành động đưa tiền cho Tổ công tác liên ngành là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và đó là tiền thuê kéo tàu.
“Tôi chỉ biết anh Tình khi Công an huyện Nam Sách khởi tố vụ án. Trước đó tôi không biết anh Tình hay anh Ninh. Số tiền 5 triệu tôi bỏ ra hôm đó là tiền thuê kéo tàu về bãi. Toàn bộ nội dung này tôi đã trả lời tại phiên toàn xử anh Ninh và anh Cơ, nhưng không được cơ quan chức năng lưu tâm” - ông Diệp nói.
Còn anh Phạm Văn Cơ (người trực tiếp xử lý tàu vi phạm của ông Nguyễn Đức Diệp ngày 9/7/2010) khẳng định, nội dung cuộc điện thoại mà anh Cơ gọi cho anh Tình là để hỏi về mức phí để kéo tàu.
“Tôi được tăng cường đi thực hiện lực lượng liên ngành mới được 2 ngày, cũng chưa gặp gỡ với anh Tình. Nhưng vì biết anh Tình thuộc công ty Đông Hải 27/7 - Công ty có hợp đồng với huyện về cung cấp thiết bị, đò và phương tiện cứu hộ, kéo tàu cho đội liên ngành nên tôi gọi hỏi anh Tình để biết mức phí kéo tàu. Thời điểm xảy ra sự việc, tôi thực hiện nhiệm vụ được giao chứ không phải tự ý cá nhân. Số tiền 5 triệu là phí kéo tàu nhờ Ninh giữ để sau đó nộp về đội liên ngành rồi nộp vào kho bạc. Chúng tôi không chiếm đoạt một cắc cho mục đích cá nhân, lại càng không thực hiện theo mệnh lệnh thu trái phép để đưa cho anh Tình như kết luận của công an huyện Nam Sách” - anh Phạm Văn Cơ khẳng định.
Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét giải quyết vụ người dân bị khởi tố tội Lạm quyền kêu oan.
Luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Theo quan điểm của tôi là không có đủ bằng chứng để kết luận ông Phạm Văn Tình phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 Bộ Luật Hình sự. Có 3 ý tôi muốn chỉ rõ:
Một là, theo cáo trạng của VKSND huyện Nam Sách (Hải Dương) quy kết, trong khoảng thời gian từ 8h đến 10h ngày 9/7/2010 tại tầu HD-0639 trên sông Kinh Thầy thuộc địa phận thôn An Điền, xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách (Hải Dương), Phạm Văn Cơ, Phạm Văn Tình, Phạm Hải Ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển bơm hút cát sỏi lòng sông năm 2010 trên địa bàn huyện Kinh Môn đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có hành động, lời nói yêu cầu ông Nguyễn Đức Diệp (SN 1952) ở Thanh Niên - Cộng Hoà - Kim Thành - Hải Dương phải miễn cưỡng nộp phạt số tiền 5 triệu đồng không có thủ tục theo quy định.
Tuy nhiên, trước thời gian theo quy kết này, ông Phạm Văn Tình đã được đình chỉ công tác tại Công ty Đông Hải 27/7 để đi điều trị bệnh dài ngày bệnh động kinh tái phát kể từ ngày 24/6/2010 theo Quyết định đình chỉ công tác do Giám đốc Công ty Đông Hải 27/7 ký, có đầy đủ hồ sơ điều trị tại bệnh viện Bưu điện Hà Nội và bệnh án rất rõ ràng. Căn cứ vào bệnh án và tình trạng sức khỏe của ông Tình mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra cho ông Tình tại ngoại để chữa bệnh sau hơn 5 tháng bị tạm giam.
Chúng ta phải nói thêm rằng, ông Phạm Văn Tình không phải là thành viên của Đội kiểm tra liên nghành. Trước đó, ông Tình có tên trong danh sách nhân viên của Công ty Đông Hải 27/7 - đơn vị có Hợp đồng cung cấp phương tiện phục vụ công tác của Đội liên ngành, chỉ có trách nhiệm điều khuyển phương tiện tuần tra, kiểm soát trên sông, áp tải, trông giữ và bảo quản phương tiện vi phạm cho Đội liên ngành.
Hai là, theo lời khai gần nhất cũng như là trả lời báo chí của ông Diệp (bị hại), ông Cơ, ông Ninh, thì chúng ta có thể khẳng định sự không liên quan của ông Tình đối với vụ việc, không giống như nhận định của cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát. Tôi không hiểu những lời khai tại Phiên Tòa sơ thẩm xét xử ông Cơ và Ninh và lời khai hiện tại của những người có liên quan đến vụ án có được hai cơ quan này lưu tâm hay không?
Ba là, cần phải làm rõ cuộc điện thoại giữa ông Cơ và ông Tình để có thể trả lời câu hỏi? Nội dung cuộc đàm thoại đấy là như thế nào? Tại sao ông Cơ là một công chức nhà nước, thành viên Đội liên ngành lại phải đi hỏi ông Tình, một người dân thường về việc xử phạt vi phạm như thế nào? Việc này cơ quan điều tra phải có bằng chứng chứng minh nhận định của mình, không thể chỉ dựa vào lời khai ban đầu của các đối tượng để kết luận một người là có tội. Mà như tôi nói ở trên lời khai bây giờ đã thay đổi rồi, không giống như nhận định của cơ quan CSĐT và VKS”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế