Người dân lo lắng gì khi Hà Nội cho phép tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán?
(Dân trí) - Sau thông tin Hà Nội cho phép các cơ quan liên quan tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán 2022, nhiều luồng ý kiến trái chiều của bạn đọc đã nổ ra.
Mới đây, Hà Nội ban hành Chỉ thị số 26 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 yêu cầu các Sở, ngành, địa phương căn cứ thẩm quyền, chức năng được giao thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo để nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm "mọi người, mọi nhà đều có Tết".
Đứng trước thông tin này, bạn đọc Trần Quang Phương lạc quan nhận định, nên tổ chức lễ hội để người sản xuất có cơ hội tiêu thụ sản phẩm. "Còn tình trạng dịch như hiện nay thì như cúm mùa thôi, số người chuyển nặng và tử vong trong một ngày chỉ hơn tai nạn giao thông một chút, chấp nhận được để phát triển kinh tế", bạn đọc Phương nói.
Bạn đọc Đào Tỉnh và Minhduc cùng đồng tình, cứ tổ chức lễ hội cho người dân thoải mái hưởng thụ. Tuy nhiên, phải yêu cầu nhân dân thực hiện 5K và có chế tài xử phạt nặng người vi phạm.
Thế nhưng, phần đông các ý kiến của bạn đọc gửi đến Dân trí lại phản đối việc tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán. Bởi theo quan điểm của độc giả daothanh, không nên tổ chức lễ hội khi mà không ai dám nói chắn chắn là kiểm soát được dịch bệnh trong khu vực mình quản lý.
Cùng quan điểm đó, bạn đọc van quan nêu nhận định, không hiểu mọi người nghĩ sao khi con số F0 của thành phố hàng ngày vẫn tăng chóng mặt mà lại cho phép tổ chức lễ hội lúc này? Chẳng cần tới các chuyên gia, người dân thường cũng có thể hiểu về độ nguy hiểm khi tụ tập đông người lúc này, chưa cần nói tới tổ chức lễ hội có hàng nghìn người tham gia. Xin hãy đặt sức khỏe người dân lên trên hết để có những quyết định đúng đắn nhất trong lúc dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp này.
Hàng loạt ý kiến cho rằng, Hà Nội dịch bệnh phức tạp không kiểm soát được, số ca nhiễm đứng đầu cả nước. Vậy mà còn cho tổ chức lễ hội?
Một số độc giả còn đề nghị giãn cách xã hội toàn quốc dịp nghỉ Tết Nguyên Đán 2022, để giảm số ca mắc, tập trung cứu các ca nặng. Có thế mới chuẩn bị được cho năm sau phục hồi đều ở các tỉnh, thành. Không vui chơi, tụ tập, không lễ hội cũng có ảnh hưởng nhiều, tết 2023 hết dịch trở lại bình thường thì vui chơi, lễ hội mới thoải mái được.
Thậm chí, độc giả Nguyễn Gia Lượng còn đề xuất bỏ luôn lễ hội vì sẽ tập trung rất đông người. Hà Nội cho phép hành lễ nhưng làm sao mà "bảo đảm đúng qui định và biện pháp phòng dịch", rất mơ hồ và vô căn cứ.
Không chỉ có mong muốn dừng tổ chức các lễ hội, không ít bạn đọc nhận định, đây là thời cơ để gộp Tết Nguyên đán vào Tết dương lịch. Quan điểm của những độc giả này là bỏ Tết Nguyên đán sẽ mang lại lợi ích cho đất nước, nhất là về kinh tế. Song, ý kiến này tiếp tục nhận được rất nhiều sự phản đối như mọi năm.
Theo nhận định của độc giả Thái Hà, so với Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam có số ngày nghỉ trong năm ít hơn hẳn. Hơn nữa, giữ Tết cổ truyền cũng là một biện pháp kích cầu, thu hút du lịch. Các công ty có đơn sản xuất xuyên Tết chỉ cần trả lương tăng ca ngày lễ cho nhân viên, ai không thích Tết thì làm tăng ca.
Bạn đọc Minh Hải cũng khẳng định, Tết âm lịch vẫn là nét đẹp, là truyền thống của dân tộc. Đây là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, để mọi người xa quê hương được đoàn tụ với gia đình. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore họ vẫn đón Tết âm. Riêng Trung Quốc, ngoài Tết âm họ còn nghỉ Tết đoan ngọ, Tết thanh minh mà đất nước họ vẫn phát triển đó thôi?.
Gửi bình luận tới Dân trí, bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài cho biết, cộng đồng người Việt xa quê hương vẫn phải đi làm trong dịp Tết âm lịch, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống những ngày này nhiều nhất có thể. Điều quan trọng là trong những lúc không nghỉ tết thì nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.
Tết luôn là một nét đẹp cổ truyền và thiêng liêng nhiều thế hệ muốn gìn giữ. Hơn nữa, đây cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi dài duy nhất trong năm để mọi người tái tạo sức lao động. Do đó, đa phần ý kiến của bạn đọc gửi đến Dân trí đều muốn duy trì Tết âm lịch.