Nghệ An - Bài 1:
Người dân "lay lắt" sống tại khu di dân tái định cư thiếu thốn đủ đường!
(Dân trí) - Mặc dù đến nơi ở mới, tránh được nguy cơ lũ ống, lũ quét có thể cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hệ thống giao thông khó khăn, thiếu điện, khát nước, không nhà trẻ… khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Đó là thực trạng đang xảy ra tại Bản Pật, xã Châu Tiến và Bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) là 2 bản nằm bên bờ suối, dân cư đa số là người dân tộc thiểu số.
Do tình trạng rừng đầu nguồn bị tàn phá, lũ quét, lũ ống ngày càng trầm trọng, có vị trí nước lũ băng về ngập đến nửa nhà, nhiều nhà sau khi lũ quét chỉ còn trơ lại móng...
Những hộ dân sống bên khe suối có thể bị đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào mỗi khi trời đổ mưa lớn. Thậm chí có những hộ dân đã phải bỏ nhà chạy lên nương để ở tạm mỗi khi mùa mưa đến để đảm bảo tính mạng cho cả gia đình.
Thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 379/QĐ.UBND.NN đầu tư dự án: “Di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp”.
Mục tiêu của dự án là di dân tái định cư ổn định cuộc sống cho 31 hộ bản Quắn, xã Liên Hợp và 42 hộ Bản Pật, xã Châu Tiến.
Dự án được đầu tư căn cứ vào chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 193/2006/QĐ -TTg ngày 24/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể: Hỗ trợ dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015.
Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 2297/QĐ-UBND.NN phê duyệt tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu với giá trị được duyệt là 36,347 tỷ đồng. Nội dung đầu tư: San lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, điện, nước, nhà trẻ, nhà văn hóa.
Tuy nhiên, sau đó do khó khăn về nguồn vốn nên TMĐT của dự án được cắt giảm từ 36,3 tỷ xuống còn 17,4 tỷ để thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống giao thông, điện, nước, nhà trẻ, nhà văn hóa ….
Năm 2015, dưới sự động viên của UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Qùy Hợp các nhà thầu đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với diện tích gần 3,5ha, bố trí 32 hộ dân, có quy mô, kết cấu với đầy đủ các hạng mục như: San lấp mặt bằng, xây dựng các tuyến đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà mẫu giáo, nhà văn hóa cộng đồng, đền bù giải phóng mặt bằng.... Thời gian thực hiện dự án là 18 tháng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, tại bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Qùy Hợp mặc dù hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, hệ thống điện, nước, nhà trẻ, nhà văn hóa vẫn chưa được xây dựng… Nhưng, do nhu cầu quá bức thiết hàng chục hộ dân đã chuyển về đây sinh sống.
Anh Vi Văn Đợi (SN 1983, dân tộc Thái, trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp) cho biết: “Ở đây nhiều cái thiếu lắm, điện rồi nước không có, đường cũng chưa làm, nên hàng ngày hai vợ chồng phải thay nhau chở con hơn 15 km để ra xã Châu Lộc học. Hôm nào mưa, đường không đi được thì các con phải ở nhà. Khổ, nhưng ở chỗ cũ thì sợ lũ cuốn chết cả nhà nên lên đây ở được hơn 3 năm rồi…”.
Đến điểm tái định cư sinh sống, ruộng nương cũng ít nên thu nhập của gia đình cũng chỉ dựa vào một số ngày công đi làm thuê của anh Đợi.
Thoát được nguy cơ có thể bị lũ cuốn bất cứ lúc nào đe dọa đến tính mạng cả gia đình nhưng sống trong cái điều kiện thiếu thốn đủ đường anh Đợi và những hộ dân tại đây cũng rất vất vả.
Những hộ dân tại đây phải tự dẫn nước từ khe suối về để dùng. Mỗi khi mùa mưa đường trơn trượt là cả bản bị cô lập.
Gia đình chị Lô Thị Hoa chồng là anh Vi Văn Cà cũng dọn về đây sống nhưng không có ruộng để làm.
Gia đình chị Lô Thị Hoa (SN 1991) chồng là anh Vi Văn Cà (SN 1993) cũng dọn về đây sống nhưng không có ruộng để làm: “Có ai thuê gì thì mình làm thôi. Ngày nào không có người thuê thì ở nhà, con đi học mẫu giáo nhưng xa lắm… ở đây cũng khổ nhiều cái lắm. Mong nhà nước làm cho con đường để dân lại, rồi xây cho cái trường để các cháu nhỏ không phải đi xa học nữa…”.
Thiếu điện, khát nước, bị cô lập mỗi lúc mùa mưa đến đó là thực trạng của hàng chục hộ dân đã chuyển đến điểm tái định cư tại bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Qùy Hợp sinh sống.
Trong khi đó, sau khi được “động viên” nhà thầu của dự án đã tự bỏ vốn để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án cũng là giúp dân sớm thoát được vùng nguy hiểm, đảm bảo tính mạng. Nhưng nhiều năm qua, chủ đầu tư vẫn nợ nhà thầu hàng tỷ đồng đẩy họ vào cảnh khốn khổ.
Gia đình chị Hoa 4 thành viên nhưng chỉ có một miếng nệm cả nhà nằm ngủ trên đó.
“Hiện dự án này dù chưa hoàn thành, nhưng đã có 31 hộ dân chuyển lên đây ở được 3 năm rồi. Giờ còn một số hạng mục như nhà văn hóa cộng đồng, sân bóng, trường mầm non chưa làm chỉ là bãi đất trống; một số hạng mục khác như đường giao thông cũng dở dang, đường diện dân tự bắt, nước dân cũng tự đi lấy về… Trong khi đó, nhà thầu chúng tôi đã thi công xong một số hạng mục rồi, song chủ đầu tư đang nợ hơn 4 tỷ đồng nữa mà đòi mấy năm rồi cũng không được”, anh Nguyễn Thành Vinh - đại diện nhà thầu thi công cho biết.
Nhìn chung, bà con đều rất phấn khởi và yên tâm, không còn lo sợ sạt lở đất mỗi khi mùa mưa đến như trước đây nữa. So với nơi ở cũ trước đây thì khu tái định cư mới có nhiều điều kiện tốt hơn, tuy nhiên vì mới được đầu tư xây dựng nên một số công trình dân sinh còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ cho cuộc sống của người dân, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cơ sở vật chất để người yên tâm ổn định cuộc sống, gắn bố lâu dài.
Thiết nghĩ rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, tập trung xóa đói giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp nơi đây.
Dự án khẩn cấp, di dân ra khỏi miệng tử thần nhưng 10 năm vẫn dang dở đủ đường, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành trên địa bàn huyện Qùy Hợp, UBND tỉnh Nghệ An nên sớm có giải pháp để dự án sớm hiện thực hóa những mục tiêu mà dự án đề ra...
Một số hình ảnh được PV Dân trí ghi lại tại dự án Khu tái định cư Bản Quắn:
Dự án khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Khu vực trước đây bà con sinh sống nằm theo khe suối, nhưng mỗi khi lũ về là rất nguy hiểm và nhiều nhà dân bị lũ cuốn trôi.
Trước khe nhỏ, sau nhiều năm mưa lũ lớn giờ đã biến thành sông, khiến cho các hộ dân sống ở đây phải di dời khẩn cấp.
Hiện khu tái định cư này cái cầu tràn là "hoành tráng" hơn cả.
Khu tái định cư này mới hoàn thành một số cống nhỏ.
Hệ thống mương bị bồi lấp.
Trong khi đó hệ thống giao thông ở khu tái định cư này đang ngổn ngang, dở dang...
Nước uống người dân tự kéo trên núi về để dùng bằng những ống nhựa nhỏ như ngón tay.
Điện cũng dân tự kéo về và dùng những cột điện bằng tre.
Khu vực bãi đất trống này là nơi sẽ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và trường mầm non nhưng chưa thể làm vì thiếu vốn.
Bể chứa nước sinh hoạt bèo nổi lềnh bềnh không thể dùng.
Trái lại, người dân căng bạt cho nước chảy vào lọc rồi lấy nước ăn.
Nhiều ngôi nhà bà con đang hoàn thành, nhưng còn đó nhiều lo toan mà bà con ở Bản Quắn đang phải đối mặt.
(Còn nữa...)
Nguyễn Phê