Bài 1:
Người dân bức xúc vì 3 quyết định phi pháp bị Toà tuyên huỷ tại TP.HCM
(Dân trí) - Sau 3 năm tòa tuyên thắng kiện, 3 hộ dân ở quận 2 (TPHCM) vẫn mòn mỏi chờ được công nhận quyền sở hữu hợp pháp thửa đất rộng 11.000m2 đã khai hoang từ năm 1970.
Bỗng nhiên bị đuổi ra khỏi nhà?
Bà Nguyễn Thị Rỉ (vợ ông Huỳnh Văn Ba), Trương Văn Liếp, bà Lê Thị Năm (vợ ông Trần Văn Tám), (cùng ngụ quận 2, TPHCM) gửi đơn đến Báo Dân trí cho biết đang rất bức xúc vì UBND TPHCM chậm thi hành án. Do vậy, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống các hộ dân hiện đang rất khó khăn.
Theo trình bày của các hộ dân, năm 1970 - 1971 họ đến khu đất rộng 11.000m2 tại số 2 đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TPHCM. Năm 1975, họ được chính quyền địa phương giao đất trong khuân viên diện tích 7.700m2 tại khu đất trên.
Năm 1976, các hộ dân đều làm nhà ở trên khu đất trên. Năm 1982, các hộ dân đều đăng ký quyền sử dụng đất theo chỉ thị 299/TTg của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ).
Tháng 3/1985, xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây lắp (nay là Công ty CP Xây lắp và Vật tư - Xây dựng 4) đến chiếm nhà, đất của các hộ dân trên. Họ đuổi các hộ dân ra khỏi nhà mà không thực hiện đền bù theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, công ty trên lại báo cáo với UBND TPHCM đã tiến hành đền bù cho người dân.
Ngày 30/6/1986, UBND TPHCM đã cấp giấy phép sử dụng đất số 45/GPCĐ.86 cho xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây lắp trên diện tích đất trên. Ngay sau đó, các hộ dân đã tiến hành khiếu nại đến UBND quận 2, UBND TPHCM để đòi quyền lợi của mình.
Năm 2003, UBND TPHCM đã ban hành các quyết định số 4889/QĐ-UBND, 4890/QĐ-UBND, 4891/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký, cho rằng các hộ dân đã nhận tiền đền bù. Do đó, bác đơn của các hộ dân về việc đòi lại hoặc xin đền bù đối với phần đất nêu trên.
Năm 2005, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vào cuộc. Sau khi kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp, chưa có đủ cơ sở cho thấy Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã đền bù cho người dân, đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc và giải quyết cho người dân.
Sau đó, các cơ quan chức năng quận 2 và UBND TPHCM vẫn không giải quyết nên các hộ dân đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân TPHCM để kêu cứu.
Gần 3 năm chưa thi hành án!
Ngày 18/1/2016, TAND TPHCM đã đưa vụ việc ra xét xử Sơ thẩm. Đồng thời quyết định hủy Quyết định số 4891/QĐ-UBND ngày 10/11/2003 của Chủ tịch UBND TPHCM.
Ngày 14/3/2016, TAND TPHCM tiếp tục đưa vụ việc ra xét xử Sơ thẩm. Đồng thời quyết định hủy Quyết định số 4890/QĐ-UBND ngày 10/11/2003 của Chủ tịch UBND TPHCM.
Ngày 25/3/2016, TAND TPHCM tiếp tục đưa vụ việc ra xét xử Sơ thẩm và quyết định hủy Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 10/11/2003 của Chủ tịch UBND TPHCM.
Cả 3 phiên tòa trên, Hội đồng xét xử đều cho rằng, không đủ căn cứ kết luận Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã giao tiền đền bù cho các hộ dân. Trong khi, quy định pháp luật tại thời điểm đó đều quy định rằng nếu thu hồi đất phải bồi thường. Công ty CP Xây lắp và vật tư xây dựng 4 còn sử dụng đất không đúng mục đích được giao.
Không đồng ý với các bản án trên, UBND TPHCM kháng cáo. Tuy vậy, tại 3 bản án Phúc thẩm số 81/2017 ngày 16/5/2017; bản án 190/2017 ngày 17/8/2017 và số 213/2017 ngày 24/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM đều không chấp nhận kháng cáo của UBND TPHCM. 3 phiên tòa Phúc thẩm đều tuyên y án theo phiên tòa Sơ thẩm và có hiệu lực kể từ khi tuyên án.
Tuy vậy, 3 năm qua, UBND TPHCM vẫn chưa thực hiện việc thi hành án. Việc chậm trễ trên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn