Người chuyển giới sẽ có quyền trong việc chọn nơi giam giữ phù hợp?

Bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người bị tạm giam, tạm giữ là vấn đề quan trọng, nhưng những qui định về quyền của người bị tạm giam, tạm giữ lại đang bị đánh giá là “chung chung, sơ sài, thiếu khá nhiều nội dung cơ bản”.

Đây là vấn đề cần phải giải quyết để thời gian tạm giam, tạm giữ không tạo cơ hội cho những hành vi vi phạm nhân quyền hay “ươm mầm” cho oan, sai trong tố tụng hình sự.
 
Người chuyển giới sẽ có quyền trong việc chọn nơi giam giữ phù hợp?

Hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý tạm giam, tạm giữ (TGTG) hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện và đồng bộ. Trong những năm qua, hoạt động TGTG chỉ mới được điều chỉnh bằng Quy chế TGTG (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP) và đến nay một số quy định đã không còn phù hợp khiến hoạt động quản lý giam giữ của các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn gặp nhiều khó khăn.

Quá trình nghiên cứu thực tế thi hành các quyền của người bị TGTG,  TS. Vũ Công Giao và ThS. Nguyễn Anh Đức (Khoa Luật ĐHQG Hà Nội) cho rằng, xây dựng Luật TGTG là giải pháp quan trọng để “chỉnh đốn” lại việc bảo đảm quyền cho người bị TGTG theo đúng tinh thần pháp luật và bản chất của Nhà nước ta. Dự thảo Luật TGTG dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015).

Dự thảo Luật TGTG cần có các quy định chặt chẽ về điều kiện vật chất, kỹ thuật để khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về nơi ở, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa… cho người bị TGTG để tiệm cận với các tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế công nhận. Đề ra những yêu cầu cao hơn không chỉ về năng lực chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức, kiến thức, nhận thức, ý thức về tôn trọng, bảo vệ nhân quyền của đội ngữ cán bộ quản lý các nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Có các quy định liên quan đến việc khám xét, giam giữ một số đối tượng đặc thù mới, cụ thể như người phẫu thuật chuyển giới nhưng chưa thay đổi họ tên trong giấy tờ tùy thân. Trong vấn đề này, cần tôn trọng ý nguyện của họ trong việc lựa chọn người khám xét thân thể và lựa chọn nơi giam giữ.

Có các quy định chặt chẽ hơn về căn cứ áp dụng các biện pháp TGTG nhằm giảm thiểu việc áp dụng các biện pháp này, thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản.

Hiện nay trên toàn quốc, lực lượng Công an nhân dân quản lý 70 trại tạm giam, quy mô giam giữ từ 160 đến 5.000 chỗ, với tổng quy mô là 57.310 chỗ giam giữ, trong đó: TGTG là 43.400 chỗ giam giữ, phân trại quản lý phạm nhân là 13.910 chỗ giam giữ. Các trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đối tượng đưa vào trại tạm giam, nhà tạm giữ đều có đầy đủ các thủ tục. Dù số lượng người bị TGTG tăng, tính chất phạm tội nguy hiểm, nhưng các trại tạm giam, nhà tạm giữ vẫn đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng “đầu gấu”, gây rối trật tự trong buồng giam, nhà giam; đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ người bị TGTG trốn trại, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự trong các buồng giam, nhà tạm giữ, tổ chức truy bắt kịp thời các bị can, bị cáo trốn khỏi nơi giam giữ.

Theo Minh Nhật

Pháp luật Việt Nam