Người cha ném con gái 5 tuổi xuống sông có thể đối diện bản án nào?
(Dân trí) - Nghi phạm Trần Văn Viên (30 tuổi) ném con gái ruột xuống sông gây phẫn nộ trong dư luận. Do có tình tiết tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi, bản án của Viên có thể đối mặt sẽ ra sao?
Khoảng 19h30 tối ngày 16/2, vợ chồng Trần Văn Viên (SN 1992, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau vì Viên cho rằng vợ mình có người tình mới.
Sau một hồi cãi nhau, Viên nhẫn tâm cõng cô con gái 5 tuổi trên vai đi bộ ra bờ sông Trường Giang rồi ném xuống sông. Toàn bộ sự việc được camera an ninh của người dân ghi lại. Đến sáng nay, 17/2, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy thi thể cháu bé.
Theo luật sư Trần Viết Hà, luật sư thành viên công ty Luật Nam Sơn, trong vụ việc trên, có thể thấy Hành vi của Viên trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của con mình, là hành vi giết người. Bởi vậy cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Điều 123 Bộ luật hình sự về tội giết người quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
....
Do đó, với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, n, g khoản 1 điều 123 Bộ Luật Hình sự như giết người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ; phạm tội vì động cơ đê hèn (ghen tuông)... khung hình phạt của Viên có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đồng quan điểm đó, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật chia sẻ, dư luận xã hội đang rúng động về những vụ việc trẻ em bị bạo hành bởi những người trong gia đình như cha kế, mẹ kế và ngay cả chính cha mẹ ruột của các cháu.
Từ vụ việc bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn tử vong đến vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội nghi bị bạo hành với 9 chiếc đinh cắm vào đầu, cùng vụ án cha ruột ném con gái xuống sông, luật sư Bình cho rằng đây đều là những câu chuyện hết sức đau lòng. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng và mức độ tàn nhẫn mà những người được cho là cha, là mẹ đối xử với con cái của mình.
Cũng theo luật sư Bình, vụ việc lần này cho thấy, sự độc ác, tàn nhẫn, ghen tuông bất chấp của những con người này là cùng cực. Không phải cứ có đầy đủ cha mẹ ruột sống chung với nhau thì con trẻ sẽ không bị bạo hành.
Giết người là một trong những hành vi xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng; sức khỏe của con người. Đây là hành vi rất đáng lên án trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, một số đối tượng đã ra tay độc ác với những đứa trẻ ngây thơ vô tội và ngay với chính con đẻ của mình. Hùm dữ còn không ăn thịt con.
Do đó, dưới góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình thông tin, căn cứ Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/ QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội quy định: Trẻ em mà quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Căn cứ vào các quy định trên, thì hành vi sát hại trẻ em chính là giết người mà dưới mười sáu tuổi.
Căn cứ Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 về tội giết người, trong đó có quy định cụ thể về khung hình phạt đối với tội giết trẻ em: "1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi".