Người cao tuổi có được miễn tiền án phí và lệ phí Tòa?

Hải Hà

(Dân trí) - Tôi được biết nhà nước có quy định người cao tuổi sẽ được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí và lệ phí Tòa, năm nay tôi đã 69 tuổi, vậy tôi cần phải làm gì để được hưởng quy định này?

Trả lời:

Miễn giảm án phí là trường hợp, lẽ ra phải vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng, chịu án phí nhưng do chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm hạn chế những trường hợp vì lý do tài chính mà quyền khởi kiện của người dân không được thực hiện và cũng thể hiện sự bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự, nên pháp luật miễn toàn bộ hoặc giảm một phần án phí cho những trường hợp đó.

Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 quy định miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với đối với người cao tuổi (Công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên - Điều 2 Luật Người cao tuổi). Ngoài ra, người cao tuổi cũng được miễn các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án như lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.

Người cao tuổi có được miễn tiền án phí và lệ phí Tòa? - 1

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cũng phải cần chú ý đến trường hợp quy tại khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 326/2015/UBTVQH14, nếu các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí này là người cao tuổi thì Tòa án chỉ xem xét miễn, giảm án phí đối với phần mà người cao tuổi phải gánh chịu theo quy định, còn phần án phí mà người cao tuổi nhận nộp thay người khác sẽ không được miễn giảm.

Quy định này là rất hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng các đương sự trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước bằng cách chuyển toàn bộ nghĩa vụ chịu án phí cho bên đương sự là người cao tuổi hoặc người thuộc trường hợp miễn án phí khác theo quy định của pháp luật được hưởng ưu đãi của Nhà nước về án phí.

Thủ tục để người cao tuổi làm đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí, án phí, lệ phí Tòa 

Để được miễn tạm ứng án phí, án phí, lệ phí Tòa, người cao tuổi phải có đơn đề nghị gửi Tòa án có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn. Đơn đề nghị phải thỏa mãn đảm bảo các nội dung sau đây:

              - Ngày, tháng, năm làm đơn;

              - Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;

              - Lý do và căn cứ để nghị miễn.

Về thẩm quyền xét miễn tạm ứng án phí, án phí: trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí.  Sau khi thụ lý vụ án thẩm quyền thuộc về Thẩm phán được Chánh Tòa phân công giải quyết vụ án.

Có thể thấy, pháp luật về miễn án phí trong tố tụng dân sự đã và đang được mở rộng đối tượng được miễn án phí, tạm ứng án phí nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những chủ thể yếu thế trong các quan hệ xã hội yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người cao tuổi thuộc đối tượng được miễn tạm ứng án phí nhưng Tòa án vẫn buộc họ phải chịu.

Luật sư Tiền đưa ra một ví dụ cụ thể. Theo đó, ngày 12/10/2017 Tòa án nhân dân huyện S đã xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N với bị đơn là ông Nguyễn Văn A (sinh tháng 8/1950, có địa chỉ thường trú tại xã A, huyện S, tỉnh Bắc Giang).

Tòa án đã xử buộc ông A phải trả cho ông N số tiền là 300.000.000 đồng và buộc phải chịu 15.000.000 án phí dân sự sơ thẩm. Ngày 15/10/2017, ông A có đơn kháng cáo không đồng ý với việc Tòa án buộc ông A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tòa án đã thông báo yêu cầu ông A phải nộp thêm 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Đối chiếu với các quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 236/2015/UBTVQH14, Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 thì ông A là người cao tuổi (tính đến khi TAND huyện S xét xử sơ thẩm ông A đã 67 tuổi - trên 60 tuổi). Vì vậy, ông A thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí. Việc Tòa án buộc ông A phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là không đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Tiền cho rằng, để phù hợp với thực tiễn, pháp luật cũng cần đưa ra các điều kiện cụ thể để người cao tuổi được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí Tòa. Hiện nay, không phải mọi người cao tuổi đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không đủ năng lực để thực hiện việc nộp án phí, trái lại, có những người độ tuổi ngoài 60 lại có kinh tế khá giả, thu nhập cao, sở hữu nhiều tài sản có giá trị.

Như vậy, quy định về miễn tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa đối với người cao tuổi thể hiện sự nhân văn, tiến bộ của pháp luật song để đảm bảo sự công bằng trong thực tiễn nhà làm luật cần phải bổ sung những điều kiện đi kèm như  thu nhập, hoàn cảnh, tài sản làm cơ sở để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.