Nghệ An:
Ngôi làng 12 hộ dân bị lãng quên?
(Dân trí) - Trên 35 năm tồn tại, ngôi làng 12 hộ dân cô lập giữa núi Chung bạt ngàn thông và cây bụi. Ngôi làng này đang bị lãng quên bởi mọi nghĩa vụ họ đều đóng góp, còn quyền lợi thì không được hưởng.
Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ mang tính tạm bợ khi chưa một ai trong số họ cầm trong tay được tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nghĩa vụ phải đóng, quyền lợi không được hưởng?
Men theo đường mòn chạy dài trong bạt ngàn cây thông, chúng tôi đến với ngôi làng nằm trong góc nhỏ phía cuối núi Chung (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ngôi làng thưa thớt người, chỉ vọn vẹn 12 hộ dân sống biệt lập. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Châu (78 tuổi, người dân trong xóm Lâm Nghiệp) buông tiếng thở dài. “Khổ lắm con à, gần bốn chục năm quanh quẩn trong rú, có ai dòm ngó đến mô. Người ta chỉ biết cấp đất rồi để đó, cũng chẳng cho người dân nơi đây quyền lợi gì”.
Người dân trong xóm đều là những thanh niên xung phong đến làm việc tại Trạm Trồng cây Núi Chung thuộc Ty lâm nghiệp Nghệ An trước đây. Sau năm 1969, khi đất nước còn chiến tranh, họ tình nguyện về khu vực này ươm cây và trồng rừng.
Đến năm 1976, Trạm sáp nhập với Trạm trồng cây TP.Vinh. Năm 1982, trạm do lâm trường Đại Huệ quản lý. Ngày đó, đời sống của công nhân nơi đây gặp nhiều khó khăn, nơi ở thiếu thốn, lãnh đạo Lâm trường đã chia đất và yêu cầu công nhân làm nhà trên đất của Lâm trường quản lý, dưới chân núi Chung. Hơn 20 năm công tác nơi đây, mọi nhiệm vụ đã hoàn thành, họ được nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ.
Sau khi được cấp đất, 12 hộ dân dựng tạm nhà ở, từ đó đến nay không một cơ quan nào bận tâm tới họ. Bức xúc trước cuộc sống thực tại, từ năm 2005 đến nay đại diện các hộ gia đình đã tốn không ít giấy mực cho các đơn thư cầu cứu gửi đến xã, huyện và các ngành chức năng, tuy nhiên đáp lại họ đều trả lời bằng sự im lặng?.
“Tất cả nghĩa vụ của Nhà nước đều được chúng tôi tham gia và hoàn thành không thiếu một ai. Nghĩa vụ chúng tôi đóng, quyền lợi chúng tôi không được hưởng. Cuộc sống ở đây rất tạm bợ, Nhà nước cấp đất cho ở nhưng đến tấm bìa sử dụng đất vẫn không được cấp, chúng tôi muốn xây dựng, kiến thiết nhà cũng không thể”, bà Hoàng Thị Thanh cho biết.
Hơn 30 năm bị cô lập, năm 2012 để tạo điều kiện cho người dân, xã Kim Liên đã nhập khẩu 12 hộ dân về xã, chuyển về sinh hoạt tại xóm Hội 4. Từ khi được sát nhập, người dân có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với "bên ngoài" nhiều hơn. Bà Thanh phân trần: “Sau khi sát nhập, chúng tôi đã có nơi để sinh hoạt, mọi khoản ủng hộ, đóng góp chúng tôi đều thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, những quyền lợi như việc quy hoạch sử dụng đất ở chúng tôi vẫn chưa được hưởng”.
Có dự án nhưng bao giờ triển khai?
Việc 12 hộ dân sinh sống ở đây đang gặp nhiều khó khăn khi “làng” của họ không được thừa nhận. Do đó, mọi chủ trương về đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, nguồn nước không thể thực hiện. Đồng thời, các hộ dân do không được pháp luật thừa nhận về nơi ở, nên không thể xây dựng nhà cửa và các vật kiến trúc lâu dài.
Ngày 26/12/2012, trong Công văn của UBND huyện Nam Đàn - Chủ tịch huyện ông Thái Văn Nông cho rằng: Việc các hộ gia đình đề nghị cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất vườn ở tại xóm Lâm Nghiệp là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.
Ngày 21/3/2014, trên cơ sở tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, UBND huyện Nam Đàn đã có Tờ trình số 97 gửi UBND tỉnh, Sở KH&ĐT và Sở VH,TT&DL do Chủ tịch UBND huyện Thái Văn Nông ký về việc xin chủ trương đầu tư lập Dự án di dời 12 hộ dân thuộc rừng đặc dụng Núi Chung, xã Kim Liên. Theo đó, Tờ trình đề nghị đền bù, giải phóng mặt bằng cho 12 hộ dân và xây dựng tái định cư với số vốn trên 18 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Trong dự án năm 2015, khi Trạm chăn nuôi thuộc Trung tâm giống chăn nuôi (Sở NN&PTNT) đóng tại khu vực xóm Mậu 6, xã Kim Liên có quyết định giải thể, thu hồi đất, UBND xã Kim Liên được UBND huyện Nam Đàn bàn giao để quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho 12 hộ dân này vào vùng Chế biến thuộc xóm Mậu 6 với 0,4 ha. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được triển khai.
Mới đây nhất, ngày 07/1/2016, UBND huyện Nam Đàn đã có Công văn gửi HĐND tỉnh Nghệ An về việc bố trí tái định cư cho 12 hộ dân nói trên ra ở xóm Mậu 6 để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong Công văn gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An của ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch huyện Nam Đàn cho rằng: Đến nay chưa có chủ trương và chưa có dự án di dời 12 hộ dân nói trên. Những kiến nghị và nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng. Huyện cũng đã cố gắng thực hiện trong phạm vi của mình nhưng đến nay, Tờ trình của địa phương cũng chưa có phúc đáp. Do đó, dù mặt bằng nơi đến đã được xã Kim Liên phối hợp với các phòng, ban của huyện tiến hành khảo sát, nhưng để các hộ này đến nơi ở mới vào thời gian nào thì huyện không thể giải quyết. Tất cả phải phụ thuộc phê duyệt từ tỉnh cũng như nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện.
12 hộ dân sinh sống ở Núi Chung, xã Kim Liên đã hơn 35 năm. Tuy nhiên, do khu đất đang ở hiện nay nằm trong quy hoạch của Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên nên cần phải di dời họ đến khu vực mới. Sự chậm trễ của các cấp ngành địa phương kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân cũng như những tác động khác.
Thiết nghĩ các ngành liên quan sớm vào cuộc quyết liệt, phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu UBND tỉnh có phương án đẩy nhanh việc di dời các hộ dân để họ có cuộc sống ổn định, lâu dài.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Hồng Thắm