Bài 3:
Công an xã và huyện bị tố “trấn” tiền dân: Đủ yếu tố cấu thành tội phạm!
(Dân trí) - Đó là ý kiến của luật sư Lê Thị Kim Soa - Trưởng VPLS Lê Trần, đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho PV Dân trí biết về vụ việc “Công an xã và huyện bị tố “trấn” tiền của dân” xảy ra tại xã Châu Hoàn - Quỳ Châu (Nghệ An).
Liên quan đến vụ việc anh Vi Hải Đức (SN 1972, trú tại xã Châu Hoàn - Qùy Châu (Nghệ An) “tố” một số cán bộ công an xã Châu Hoàn và Công an huyện Quỳ Châu trắng trợn cướp tiền của vợ anh, luật sư Soa cho rằng theo Báo điện tử Dân trí đã phản ánh thì nhóm công an nói trên đủ cấu thành tội "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 BLHS.
Theo điều 281 quy định rõ ràng:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Trong trường hợp này, nhóm công an nói trên đã thỏa mãn 4 dấu hiệu của tội phạm, đó là:
Về mặt chủ thể của tội phạm: Ngoài quy định chung về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như các loại tội khác thì tội này cần phải có chức vụ quyền hạn nên thường gọi là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người có chức vụ quyền hạn mới có điều kiện phạm tội này.
Về khách thể của tội phạm: Là lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân.
Mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.
Ở đây nhóm công an này đang lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để khám, xét chị Miên. Măt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, tức là người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra.
Còn đối với hành vi bắt chị Miền cởi hết quần áo ra để khám xét như thế thì đã vi phạm về việc khám xét quy định của pháp luật, cụ thể:
Điều 5.C.3.5: Khám người theo thủ tục hành chính (Điều 47, Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2/7/2002 được sửa đổi bổ sung bằng Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12)
Thứ nhất: Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính.
Thứ hai: Những người được quy định tại Điều 5.C.3.3 Chương này có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ, thì ngoài những người được quy định tại Điều 5.C.3.3 Chương này chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính và báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những người được quy định tại Điều 5.C.3.3 Chương này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.
Thứ ba: Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều này.
Thứ tư: Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
Thứ năm: Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám một bản.
Vì mục đích của Công an xã và công an huyện là để chiếm đoạt tài sản nên hành vi trên không cấu thành tội làm nhục. Luật sư Lê Thị Kim Soa - Trưởng VPLS Lê Trần, đoàn Luật sư Nghệ An khẳng định.
Theo đơn tố cáo, vào chiều ngày 16/12/2015, vợ anh Hải là chị Lữ Thị Miền (SN 1970), điều khiển xe máy từ nhà lên huyện Quế Phong vay tiền của một người dì tên là Lữ Thị Hoa theo thỏa thuận trước đó. Mục đích vừa cả dì Hoa cùng gia đình anh Đức để mua trâu bò làm trang trại, phát kinh tế.
Sau khi vay được tiền, trên đường đi về nhà chị Miền bị một tổ công an xã và một cán bộ công an huyện yêu cầu dừng xe kiểm tra. Khi kiểm tra, một số cán bộ công an thấy số tiền quá nhiều nên “tổ công tác” yêu cầu đưa về trụ sở làm việc sau đó “xin” lại 90 triệu để bồi dưỡng và biếu cấp trên.
Một cán bộ xã Châu Hoàn xác nhận có sự việc và cho biết: "“Kiểm tra nhưng không có hàng phi pháp, đáng lẽ không có thì trả cho người dân, tiền đó là tiền lương thiện của người ta thì cần trả lại cho người ta ngay. Sau đó họ (nhóm công an xã và huyện) cũng đã mang trả hết số tiền cho gia đình chị Miền nhưng trả lèo nhèo. Còn trong biên bản lập thì nói đã trả hết cho chị Miền. Đồng thời cũng yêu cầu gia đình chị Miền thỏa thuận bằng một biên bản không được khiếu kiện. Nhưng trên thực tế vẫn còn hơn 90 triệu nữa thì nhóm cán bộ này dự tính không trả. Nhưng sau khi biết gia đình chị Miền làm đơn thư tố cáo gửi cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, thì nhóm công an xã và một cán bộ công an huyện đã trả hết số tiền trên cho gia đình chị Miền”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nhóm PVĐT
\