Bà Rịa - Vũng Tàu:

Nghịch lý Sở TNMT nói xử lý được bụi thép còn nhà máy lại kêu cứu

(Dân trí) – Không chỉ người dân, công ty lân cận kêu cứu vì ô nhiễm môi trường bởi nhà máy luyện phôi thép mà ngay bản thân những đơn vị này cũng “kêu trời”, trong khi đó, Sở TNMT tỉnh lại tham mưu là không có nhu cầu xử lý bụi thép.



Người dân bức xúc phản ánh "vấn nạn" bụi thép

Nhà máy thép kêu cứu vì… bụi thép

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), hiện tại có khoảng 13.000 tấn bụi thép đang lưu chứa tại các nhà máy sản xuất phôi thép trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, theo đại diện của một số đơn vị hoạt động trong ngành xử lý chất thải công nghiệp thì thực tế con số này cao hơn gấp nhiều lần.

Từ tháng 6/2012 đến nay, lượng bụi thép phát sinh từ quá trình luyện thép của các nhà máy đều được lưu chứa tại nhà kho phế thải. Nói chính xác hơn là bị ứ đọng vì không có đơn vị nào trên địa bàn tỉnh đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại này và tại Việt Nam, chưa có đơn vị nào xử lý bụi thép có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại liên tỉnh.

Sở TNMT BR-VT chưa hướng dẫn và tham mưu phương án giải quyết tốt để giúp doanh nghiệp có “đầu ra” cho chất thải. Chính vì thế, vấn đề bảo vệ môi trường vốn đang bị ô nhiễm nặng nề ở những nơi xung quanh nhà máy thép vẫn tiếp diễn từng ngày.

Hệ thống xử lý bụi thép của một nhà máy thép

Hệ thống xử lý bụi thép của một nhà máy thép

Hệ thống xử lý bụi thép của một nhà máy thép 

Trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có 5 công ty đang hoạt động sản xuất thép như: Posco SS-Vina, Đồng Tiến, FUCO, Công ty thép miền Nam... Tuy nhiên, ngày 23/8, cả 5 đơn vị này đã có đơn gửi các ban ngành chức năng tỉnh để mong giải quyết hiện trạng tồn ứ bụi thép để ổn định sản xuất. Nhà máy luyện phôi thép chính là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, phải tốn thêm chi phí lưu chứa, quản lý bụi thép; khó khăn trong quá trình sản xuất, không đảm bảo các điều kiện về môi trường đối với bụi thép. Tuy nhiên, do chưa có một đơn vị nào có đầy đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại nên bụi thép tại các nhà máy cứ ùn ứ. Nếu cứ kéo dài thế này thì các nhà máy bị buộc phải ngưng hoạt động.

Quá trình vận chuyển bụi thép không đúng quy định

Quá trình vận chuyển bụi thép không đúng quy định 

Trong công văn gửi công văn đến UBND tỉnh, Sở TN&MT và Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, công ty thép Miền Nam là chủ đầu tư của nhà máy thép Phú Mỹ đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành trình bày, vì không có đơn vị xử lý bụi thép, nên để đảm bảo các quy định về môi trường, công ty đã thu gom và đóng bao chứa bụi thép loại 1.000kg/bao, lưu giữ trong nhà kho có mái che rộng 2.000 m2, với sức chứa khoảng 10.000 tấn. Nhưng do lưu giữ trong thời gian dài, kho chứa bụi thép đã quá tải, công ty không còn chỗ chứa bụi thép trong thời gian tới.

Từ khi hoạt động đến nay, công ty thép Miền Nam đã ký hợp đồng với Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Việt Nam để vận chuyển và xử lý bụi lò (đơn vị duy nhất trên toàn quốc có đầy đủ giấy phép và năng lực vận chuyển, xử lý bụi lò). Tuy nhiên hơn 12 tháng qua, đơn vị này chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gia hạn lại giấy phép vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (trong đó có bụi luyện thép). Trong khi đó, bụi thép vẫn phát sinh hằng ngày trong quá trình sản xuất và công ty thép Miền Nam không thể xây thêm kho chứa vì không có đất và chi phí đầu tư quá cao.

Công văn gửi cơ quan chức năng tỉnh BR-VT, nhà máy thép Đồng Tiến cho rằng: “Công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc với công ty TNHH Than khoáng sản Việt Nam để đưa về tỉnh Hải Dương xử lý, nhưng đến nay đơn vị này chưa có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định nên khối lượng bụi lò đang lưu giữ hiện tại đã quá tải không còn chỗ chứa trong các kho chứa. Vì vậy, nếu tiếp tục tình trạng chỉ phụ thuộc duy nhất vào công tuy TNHH Than khoáng sản Việt Nam để xử lý bụi lò thì các nhà máy thép tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và nhà máy thép Đồng Tiến nói riêng sẽ không chủ động được việc xử lý bụi thép đảm bảo quy định môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phát sinh chi phí lưu chứa trong nhà máy rất lớn”.

Các nhà máy cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở TNMT hướng dẫn biện pháp lưu giữ các chất thải bụi thép, xỉ trắng, tạp chất tách từ phế liệu trong thời gian chờ đợi các đơn vị chức năng xử lý hoặc tìm kiếm thu hút dự án đầu tư trên địa bàn để có thể tập trung xử lý chất thải này, giúp các nhà máy chủ động chuyển giao chất thải để xử lý triệt để, đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Sở TN&MT: Không có nhu cầu đầu tư xử lý bụi thép

Là địa phương có nhiều nhà máy luyện thép với công suất lớn nhất nước, có khu quy hoạch xử lý chất thải rắn tập trung 100ha, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, nhưng BR-VT lại không có một nhà máy xử lý bụi khiến nhiều doanh nghiệp không có “đầu ra” cho chất thải. Tại các nhà máy luyện thép ở BR-VT hiện nay, toàn bộ khối lượng chất thải nguy hại này không được bảo quản, xử lý, đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân là do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này "kiên quyết" tham mưu với UBND tỉnh chuyển bụi lò thép đến tỉnh Hải Dương để xử lý. 

Mặc dù tỉnh BR-VT đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành với diện tích 100ha để tập trung giải quyết các loại chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh, thế nhưng, trong rất nhiều dự án được cấp chủ trương và Giấy chứng nhận đầu tư không có bất cứ một dự án này liên quan đến xử lý bụi thép. Trong nhiều năm qua, đã có không ít nhà đầu tư có thiện chí, quan tâm đến đầu tư xử lý loại chất thải độc hại này cho tỉnh BR-VT nhưng theo quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về môi trường thì tỉnh không có nhu cầu xử lý loại chất thải này (?).

Núi chất thải bụi thép để ngoài trời tại Hải Dương (Ảnh: A.C)

Núi chất thải bụi thép để ngoài trời tại Hải Dương (Ảnh: A.C)

Trong báo cáo gửi HĐND tỉnh vào tháng 1/2013 về kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về xử lý chất thải trong năm 2013, Sở TNMT khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH) đạt 100%. Theo đó, đối với bụi lò thép, loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động luyện thép, từ tháng 12/2012, Sở TNMT đã có văn bản hướng dẫn các nhà máy luyện thép ký hợp đồng với Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (Công ty khoáng sản Việt Nam) và chuyển giao cho đơn vị này để đưa về tỉnh Hải Dương xử lý. Và để cụ thể hoá việc không cần thiết phải thu hút đầu tư loại hình xử lý bụi thép, Sở TNMT đã đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh chấp thuận cho phép tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực của Nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương của Công ty khoáng sản Việt Nam, nếu nhà máy này đảm bảo năng lực xử lý được bụi thép thì Sở TNMT sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà máy luyện thép phải chuyển giao bụi thép cho đơn vị này xử lý theo đúng quy định về quản lý CTNH, chỉ trong trường hợp Công ty khoáng sản Việt Nam không đủ năng lực, Sở TNMT mới kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chọn lựa nhà đầu tư thực sự có năng lực, có công hiện đại đầu tư nhà máy xử lý chất thải bụi thép nhưng phải chấp nhận rủi ro trong quá trình cạnh tranh theo cơ chế thị trường, Nhà nước không đảm bảo có đủ nguyên liệu bụi thép để nhà máy hoạt động.

Như vậy, để quản lý bụi lò thép, Sở TNMT ưu tiên phương án chuyển toàn bộ chất thải độc hại bụi thép tại tỉnh BR-VT đến huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với khối lượng hàng năm có thể lên đến hơn 60.000 tấn để xử lý. Đồng thời, các nhà đầu tư muốn xử lý bụi lò thép ở tỉnh BR-VT phải chấp nhận rủi ro, sẽ không có đủ bụi thép để xử lý vì cơ quan quản lý của tỉnh sẽ không can thiệp. Với tham mưu quản lý bụi lò thép như trên, các nhà đầu tư có nguyện vọng xử lý bụi thép lần lượt ra đi vì nhận thấy tỉnh BR-VT không có nhu cầu xử lý loại chất thải độc hại này, không thực sự chào đón nhà đầu tư mặc dù chính sách, chủ trương kêu gọi tập chung mọi nguồn lực tham gia đầu tư xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo hình thức xã hội hóa.

Công Quang

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm