Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Cuộc sống người dân Bà Rịa – Vũng Tàu điêu đứng vì bụi thép

(Dân trí) – Bất kể sớm, trưa, chiều tối… những ống khói của các nhà máy thép cứ xả thẳng ra bầu trời. Bụi khói chưa qua xử lý lan tỏa trong không gian, tràn vào các nhà vườn, bám trên mái nhà, ngấm xuống giếng nước và xộc thẳng vào mũi người dân.

Hiện nay người dân ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cũng đang bức xúc vì những ống khói độc hại của các nhà máy thép cứ xả thẳng ra bầu trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh sống của hàng trăm hộ dân.
 

Những ngày qua, người dân ở huyện Tân Thành, BR-VT đã có nhiều đơn thư, kèm theo bằng chứng là hình ảnh, video clip gửi đến các cơ quan chức năng phản ánh về tình trạng ô nhiễm bụi thép. Từ những lá đơn đầy bức xúc và hình ảnh trực quan, sinh động, PV Dân trí đã về tận địa phương để khảo sát thực tế và tìm hiểu cớ sự vì sao mà người dân vốn chỉ ham làm để kiếm sống lại phải dành nhiều thời gian  gõ cửa cơ quan chức năng cầu cứu.

Xe chở phế liệu tấp nập vào ra nhà máy thép
Xe chở phế liệu tấp nập vào ra nhà máy thép

Trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có 5 nhà máy luyện phôi thép gồm: Thép Đồng Tiến, Pomina 2, Thép Phú Mỹ, Pomina 3, Fuco đang hoạt động. Trong thời gian tới, 3 nhà máy phôi thép khác cũng sẽ đi vào hoạt động gồm: Posco Vina (2014), Vina Kyoei (2014), Thép Phú Thọ (sau 2015).

Bốn nhà máy luyện phôi thép Pomina 2, Thép Phú Mỹ, Pomina 3, Fuco nằm trong khu công nghiệp Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 của huyện Tân Thành. Khi chúng tôi thực hiện khảo sát, có nhà máy ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nhưng không vì thế mà tình trạng ô nhiễm không diễn ra.

Những chuyến xe tải chở phế liệu cứ lần lượt nối đuôi nhau để vào nhà máy. Theo quy định, phế liệu phải được chuyên chở bằng xe chuyên dụng, có phủ bạt kín, tránh rơi vãi phế liệu xuống đường… Tuy nhiên, nhiều xe tải không phủ bạt, để lộ thiên phế liệu, “xé gió” trên đường vào khu công nghiệp rồi sắp hàng chờ vào cổng nhà máy. Một số xe tải nhỏ cũng tham gia chuyên chở phế liệu.

Kho phế liệu nằm ngổn ngang chờ hóa kiếp
Kho phế liệu nằm ngổn ngang chờ "hóa kiếp"

Ngay trước cổng vào nhà máy thép Pomina 3, hai chiếc xe tải nhỏ chứa đầy những thanh thép phế liệu nhưng còn dính đầy nhớt, dầu mỡ. Theo quy định, tiêu chuẩn của phế liệu trước khi đưa vào nhà máy thì phải là phế liệu sạch, tức là phế liệu sau khi đã được loại bỏ các tạp chất, dầu mỡ… Nếu không thực hiện các thao tác này, cảnh sát môi trường phát hiện thì có quyền xử phạt. Tuy nhiên, những xe chở phế liệu còn dính dầu mỡ này đậu ngay trước cổng để chuẩn bị vào nhà máy “hóa kiếp” nhưng không bị cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn.

Cũng tại nhà máy thép Pomina 3, một dàn máy sàn phân loại phế liệu để lộ thiên. Ngay giữa ban trưa, máy sàn vẫn hoạt động hết công suất. Mỗi lần máy sàn, bụi của phế liệu bay mù mịt. Một màu đỏ áu choáng cả không trung.

Bụi mù mịt khi hệ thống sàn phế liệu hoạt động
Bụi mù mịt khi hệ thống sàn phế liệu hoạt động

Những nhà máy này còn khá ngắn về thâm niên nhưng các ống khói thì quá “cổ kính” bởi lớp bụi bám đầy, chuyển từ đen kịt sang đỏ áu. Bụi bám vào các mái tôn, ống dẫn… Bên dưới, những kho chứa bụi thép thì luôn trong tình trạng quá tải. Các bao tải chứa bụi thép chất chồng lên nhau, nằm ngổn ngang ngoài trời, không có mái che hoặc để lẫn với các loại chất thải khác. Bụi thép là chất thải nguy hại nhưng hoàn toàn không có dán nhãn và cũng không có biển cảnh báo nguy hiểm.

Nhiều bao tải do không chịu nổi với nắng mưa, đã bị bở rục, rách nát nên bụi thép rơi vãi ra bên ngoài. Trời mưa, bụi thép theo nước mưa tràn vào các ống cống, thấm xuống đất, chảy ra sông Thị Vải. Trời nắng, bụi thép theo các cơn gió, cuốn vào không trung, tràn vào khu dân cư. Người dân hoặc người tiếp xúc sẽ hít phải bụi thép thông qua đường hô hấp do không được cảnh báo.

Bụi thép bảo quản không an toàn nằm ngổn ngang
Bụi thép bảo quản không an toàn nằm ngổn ngang

Chúng tôi ngược về Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 (huyện Tân Thành, BR-VT), nơi đây, mới xảy ra tình trạng hàng trăm người dân kéo đến đòi đóng cửa nhà máy thép Đồng Tiến vì ô nhiễm.

Đơn thư phản ánh gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng, không chỉ người dân ấp Tràng Cát, Suối Nhum (xã Hắc Dịch), ấp Thị Vải, Mỹ Tân, Phước Lập (xã Mỹ Xuân) huyện Tân Thành mà lãnh đạo của ba trường học gần nhà máy Đồng Tiến là trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ và trường mầm non Xuân Ngọc, trường mầm non Suối Nhum cũng đứng đơn kêu cứu.

Những xe thải phế liệu tập kết trong khu dân cư
Những xe thải phế liệu tập kết trong khu dân cư

Theo đơn phản ánh, từ năm 2010, nhà máy xây dựng và đưa vào hoạt động thêm dây chuyền luyện thép phế liệu gồm có 3 lò (2 lò nấu chẩy, 1 lò tinh luyện) với công suất 100 ngàn tấn/năm, đến năm 2013 là 250 ngàn tấn/năm. UBND tỉnh BR-VT đã cấp phép cho công ty Đồng Tiến xây dựng dây chuyền luyện mà không tổ chức khảo sát lấy ý kiến của nhân dân về tác động môi trường. Kể từ đó đến nay, nhà máy thường xuyên xả nước thải, khói bụi mù mịt chưa qua xử lý môi trường vào ban đêm, sáng sớm, chiều tối và lợi dụng lúc trời mưa để xả thải liên tục. Chất thải rắn (xỉ thép) được chôn lấp đầy các hồ nước xung quanh khuông viên nhà máy, thẩm thấu xuống đất, gây ô nhiễm đến nguồn nước ngầm.

“Nhân dân 5 ấp chúng tôi thường xuyên bị ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, mùi hôi nồng nặc ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, nhất là người già và trẻ em. Đặc biệt, trên địa bàn có 3 trường học gồm tiểu học Nguyễn Công Trứ có 19 lớp, cách nhà máy 800m, mầm non Xuân Ngọc có 6 lớp cách nhà máy 1800m, và mẫu giáo Suối Nhum có 4 lớp cách nhà máy 1000m. Các cháu thường xuyên hít phải khói bụi độc hại khi nhà máy xả thải, đồng thời ảnh hưởng đến hoa màu, cây trái gây thiệt hại về kinh tế và đời sống người dân”, đơn thư ghi rõ.

Cột khói đen kịt từ nhà máy thép Đồng Tiến do người dân quay lại
Cột khói đen kịt từ nhà máy thép Đồng Tiến do người dân quay lại

Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tại các kỳ tiếp xúc Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh. Thậm chí, người dân còn chung tiền lại để thuê người quay những thước phim cụ thể, sinh động nhất đối với quá trình xả thải gây ô nhiễm của nhà máy để làm chứng cứ thuyết phục nhưng sự việc rồi vẫn đâu vào đấy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BR-VT là địa phương sản xuất thép quy mô lớn nhất nước. Chính vì thế, địa phương này cũng chiếm đến 65% khối lượng bụi thép so với cả nước. Theo dự toán, đến năm 2015, BR-VT sẽ phát sinh 105.000 tấn bụi thép/năm. Với lượng bụi này, qua chế biến sẽ thu được 20.000 tấn kẽm nhưng lại có thể gây nhiễm độc hơn 30 triệu m3 nước, ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người. Bụi thép là nguồn chất thải nguy hại lớn nhất tại BR-VT đang gây ra tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, địa phương này lại chưa có nhà máy xử lý bụi thép mà tất cả nguồn thải nguy hại này được hợp đồng chuyển ra miền Bắc xử lý.

Công Quang

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm