Nghịch lý hạt muối

(Dân trí) - Hạt muối, củ khoai chẳng mấy khi được đặt lên hàng “top” thông tin. Vậy mà lần này bài “Chát mặn đời muối” đã khiến biết bao độc giả rơi nước mắt xót xa. Thương quá muối ơi! Thương quá diêm dân!

Quê tôi không ở vùng muối, nhưng trong ký ức tuổi thơ vẫn hằn nỗi sợ hãi khi lần đầu nhìn thấy lòng bàn chân lỗ chỗ những vết thủng đen thui của bác chị họ mẹ tôi từ Nghệ An ra ở nhờ chữa bệnh. Đáp lại câu hỏi của đứa cháu “người Hà thành gốc Nghệ”: - Con gì ăn chân bác à? bà cười buồn:  - Muối đó con. “Tội” của muối với diêm dân, sau này tôi mới biết, còn nhiều nhiều lắm mà có thể nói tóm lại trong một câu là những ai gắn bó với hạt muối đều khó thoát nghiệp đời cơ cực.
 
Đồng muối lên hình nhìn đẹp bao nhiêu, thơ mộng bao nhiêu thì cuộc đời của người làm muối khổ bấy nhiêu. Không ai sống mà chỉ ăn nhạt, nhưng cũng chẳng ai chỉ ăn muối mà sống được cả đời. Nghịch lý giữa tầm quan trọng của muối với giá bán cứ như câu hỏi mãi chưa có lời giải đáp thích đáng.
 
“Có lẽ vì muối là sản phẩm của thiên nhiên, con người chỉ việc khai thác mà gần như không cần bỏ bất cứ chi phí gì ngoài sức lao động.  Nhưng nhìn rộng ra chắc không phải vậy. Xã hội thực ra chưa quan tâm nhiều đến diêm dân. Mọi thứ tăng giá, tăng giá và tăng giá, chỉ có nước biển là không thể tăng được vì đơn giản nó là miễn phí. Nhưng để có được hạt muối trắng không thể không có công lao khó nhọc của người dân – bạn đọc Lục Dung,  email: huongdanmay@yahoo.com viết, đồng thời đề xuất:
 
  1/. Chính phủ cần đầu tư cho ngành muối về công nghệ, kho bãi... để sản xuất được muối có chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu phục vụ tất cả các nhu cầu về muối của các ngành: y tế, chế biến lương thực thực phẩm.
 
2/. Cấm nhập khẩu muối.
 
3/. Hỗ trợ giá muối như với gạo, cà phê, xăng dầu khi giá xuống thấp.
 
4/. Nên phân chia muối ra làm nhiều loại để đáp ứng nhiều thị phần khác nhau: muối ăn có pha iôt, muối vệ sinh hàng ngày, muối dùng cho các sản phẩm chế biến sẵn....
 
5/. Sử dụng các hình thức đóng gói sản phẩm hấp dẫn, tiện dụng cho khách hàng".
 
Từ góc độ một người con của cộng đồng diêm dân, bạn Trần Thị Ánh – email lovesucsongmoi@gmail.com viết nên những dòng tâm huyết từ tận đáy lòng:
 
“Tôi cũng là người con được sinh ra ngay trên mảnh đất Lạch Quèn. Tuổi thơ cuả tôi là những buổi sáng tinh mơ gánh nước cho đến tận trưa, và buổi chiều lúc mà cái nắng gay gắt nhất thì tôi cùng bố mẹ và các em phơi nắng ngoài đồng cho đến tận tối mịt. Bữa cơm tối của gia đình kết thúc sau 9 giờ tối, cả nhà đều mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, còn tôi ước mơ trở thành phiên dịch nên còn đèn sách đến 12 giờ đêm mới đi ngủ. Sáng mới 4 giờ đã bị bố mẹ gọi dậy gánh nước, nếu không sẽ không có nước mà dùng. Thế đấy tuổi thơ của tôi là những tháng ngày như thế. Giờ đây tôi là một đứa con xa quê hương được làm việc trong môi trường có điều hòa không khí, được tiếp xúc với những người hiện đại... Song nước mắt tôi lại lưng tròng mỗi khi nghĩ về cha mẹ, chắc giờ này đang phơi nắng vì chị em tôi đứa nào cũng xa nhà. Khi có chúng tôi bố mẹ đã vất vả rồi, giờ còn mỗi họ ở nhà công việc lại càng trăm phần vất vả để tiếp tục nuôi ba đứa em tôi ăn học. Hơn nữa giá muối thì càng rẻ, điện mất, nước không có dùng... Không biết đến lúc nào bố mẹ tôi nói riêng và người dân làm muối quê tôi nói chung mới hết khổ. Rất mong nhà nước quan tâm nhiều hơn đến ngành muối, để cải thiện đời sống diêm dân”.
 
Tâm sự của bạn Ánh cũng được nhiều bạn đọc khác sẻ chia với sự cảm thông cùng nỗi đau đáu muốn cùng chung sức tìm ra câu trả lời  sao cho thiết thực nhất.
 
“Tôi cũng là một người con của miền Trung. Tôi rất cảm động khi đọc bài viết này. Đang là sinh viên sống xa nhà, nhưng mỗi lần đọc tin tức quê nhà trong tôi lại trào dâng nỗi nhớ quê hương da diết. Thương những con người miền Trung quê tôi nhiều lắm, lam lũ cả đời, một nắng hai sương mà không sao khấm khá lên được. Người miền Trung trước hết hãy đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lấy nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Hãy luôn "đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về...." –  Bùi Viết Hoàng - email: Viethoangvfu@gmail.com.
 
“ Tôi sinh ra và lớn lên tại miền quê này, tôi hiểu cuộc sống của người làm muối vô cùng cực nhọc. Đọc trên mạng bài "Chát mặn đời muối", nhớ lại thời còn nhỏ tôi cũng đã vậy. Nhưng tôi nghĩ, do điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ thì đành phải cam chịu, giờ thời đại mới rồi sao vẫn vậy? Mong các giới chức ngành chức năng bớt chút thời gian tới tận nơi chứng kiến nỗi khổ của người làm muối quê tôi - Quỳnh Lưu. Xin cảm ơn” - Hồ Văn Hồng  - email:  nhoz_sieuway@ymail.com.
 
“Tôi cũng từng là một nông dân, nông dân chính hiệu. Quê tôi cũng nghèo lắm, cái chuyện khổ của người nông dân Việt Nam bút giấy nào tả xiết. Chúng ta lúc nào cũng kêu gọi đầu tư và nói rằng phải làm cho nông dân bớt khổ. Nhưng xin thưa rằng, người nông dân sẽ phải còn rất rất lâu nữa mới thoát ra khỏi cảnh khổ như hiện nay, vì:
 
Thứ nhất: định hướng, đường lối lãnh đạo thì có nhưng năng lực của cán bộ của chúng ta còn quá hạn chế so với yêu cầu.
 
Thứ hai: nhiều nơi người nông dân của chúng ta đang còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ngay như ở địa phương tôi đang công tác, nhiều người dân không chịu lao động mà chỉ chờ vào sự hỗ trơ của nhà nước.
 
Thứ ba: chúng ta cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để nông dân ổn định được đời sống.
 
Diêm dân ở Nghệ An mặn chát đời muối vì giá thấp, trong khi đó chúng ta vẫn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài, vì sao? Muốn người nông dân nói chung, diêm dân nói riêng cải thiện được đời sống, thì chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề đang tồn tại” – Thế Tiệp, đài truyền hình Lai Châu  - email:  minhtiepvov@gmail.com...
 

Không phải là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, đa số những người đồng cảm với vị chát của đời muối có lẽ cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài bày tỏ sự  đồng cảm vài mong muốn: “... cần lắm sự vào cuộc không chỉ ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, các chính sách kinh tế địa phương mà cả tầm vĩ mô để giúp đỡ người dân làm nghề muối, để những diêm dân có thể sống được với hạt muối vốn mặn chát như vị mồ hôi của họ” – như câu kết các tác giả đã viết trong bài  “Chát mặn đời muối”.