Nghịch lý Giá - Lương

(Dân trí) - “Tôi không hiểu tại sao mỗi lần tăng lương là giá lại tăng 2 lần (khi có thông tin và khi chính thức tăng lương. Nếu giá tăng do điện, xăng tăng thì đành chấp nhận, còn lương tăng có mắc mớ gì tới giá đâu mà nó cũng tăng?” - Trần Văn Phúc: df09tt@gmail.com.

Giá cả tăng lên từng giờ nhưng đồng lương công nhân viên chức vẫn giậm chân tại chỗ, khiến cuộc sống người dân bấp bênh và vì thế thông qua diễn đàn Dân trí họ muốn nói lên những vất vả, khó khăn đang phải đối mặt.
 
Nghịch lý Giá - Lương  - 1

(ảnh minh họa)

 

Lương giữ nguyên, đến 01/5/2011 mới được tăng chút ít. Nhưng thử xem đến nay vật giá đã tăng gấp nhiều lần số tiền lương dự kiến tăng cho CBCNV, lấy gì bù vào khoản chệnh lệch này. Vì vợ, vì con rất có thể một số người làm bậy do chuyện này. Các nhà quản lý tài ba của Nhà nước hãy sử dụng ngay tài ba của mình đi để CBCNV bớt khổ” - Nguyễn Huy Thao: mr.huythao@gmail.com.

 

Lương thì bước từng bước, giá cả thì đã chạy mất dạng. Lương thì phải họp, phải cân đối lên nhỏ giọt còn giá cả thì nhà nước không thể nào kiềm chế. Nông dân tuy cực khổ nhưng đời sống của họ còn thoáng hơn công chức rất nhiều. Họ trồng mớ rau ra chợ bán cũng tăng hơn trước, con cá bán ra cũng tăng. Lương của hai vợ chồng trẻ làm công chức nhà nước không bằng thu nhập của mẹ chồng tôi ở quê, mỗi tháng dựt dừa 300 đến 400 quả, giá dừa hiện nay cũng đã hơn ba triệu” - Yến nhi: saobang24q@yahoo.com.vn.

     

Giá xăng tăng, điện tăng, thì ắt hẳn các mặt hàng khác đều tăng theo vì không ngành nào sản xuất mà không liên quan đến hai anh này kể cả du lịch. Việc nhà nước quyết định tăng lương tối thiểu nhằm đối phó với tình trạng lạm phát như hiện nay nhưng không thấm vào đâu cả. Nông dân không có lương thì còn khổ hơn, đặc biệt là nông dân khu vực miền núi. Điều kiện làm nông không thuận lợi bằng đồng bằng và giá cả các mặt hàng đều cao hơn so với đồng bằng. Với tình trạng làm phát như hiện nay thì sẽ dẫn đến tình trạng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội càng tăng cao” - Đinh Tuấn Minh: dinhtuanminhqn87@gmail.com.

 

Vợ chồng tôi may mắn được làm công chức nhà nước sau 5 năm học tập tại những trường đại học có tiếng trong nước, nhưng than ôi ra trường sau 3 năm làm việc miệt mài và nghiên cứu được vài đề tài để góp phần công sức nhỏ nhoi cho xã hội, thì đến bây giờ tổng lương cả hai vợ chồng mới được 4 triệu không đủ trang trải chi phí trong nửa tháng giữa thành phố cái gì cũng trượt giá. Giờ tôi đành phải thôi nghiên cứu đề tài mà chuyển sang dịch tài liệu cho mấy anh công ty tư nhân, tháng cũng được thêm bằng tổng lương hai vợ chồng” - Nguyễn Dũng: Nguyenhoangdung@gmail.com.

 

Chính xác là 4 tháng rồi, bữa ăn của tôi chỉ có duy nhất 2 món là rau bắp cải luộc và thịt lợn kho. Trước đây thỉnh thoảng còn cải thiện món nọ món kia nhưng từ "dạo đó" thì chịu. Nhưng mà biết kêu ai bây giờ? Hệ thống quản lý "mềm" đâu có nghe thấy chúng ta than, đâu có nhìn thấy chúng ta khổ sở. Cũng gần như có nghe nhắc tới mấy từ “bảo vệ người tiêu dùng” của cái Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam bao giờ đâu. Chán quá!” -  Giang Minh: traitan_4everlove@yahoo.com.

 

Nói chung là càng lúc càng thấy sợ...tăng lương. Cứ tưởng tăng lương là sướng, nhưng là sướng bề ngoài còn bên trong thì thực ra lại càng khổ thêm. Nếu cứ tăng như các doanh nghiệp nước ngoài, có khi được tăng tầm 1 triệu/năm nhưng có ai biết đâu, thì tốt hơn. Đây Nhà nước chỉ tăng có 200 – 500 nghìn thôi, nhưng sau đợt này lương thực sự để chi tiêu có khi lại thành giảm 200 – 500 nghìn mất. Có lẽ từ sau nhà nước để tự các đơn vị của mình tăng lương cho nhân viên mà không thông báo ra xã hội thì mới thực sự là giúp cho nhân viên của mình” -  VX: nguyen_viet82@yahoo.com.

 

Ở đâu cũng thấy tiếng kêu than của người dân. Những người có trách nhiệm thay vì ra chính sách thích ứng thì có những lời giải thích hết sức hài hước. Giá điện chúng ta còn thấp hơn nước ngoài, liệu cái thấp hơn đó có đúng với mức sống của chúng ta không. Mức sống và thu nhập thấp hơn nhưng lại so sánh như vậy..." - cochu9@yahoo.com.

 

Vật giá như thế này thi không những công chức mà những người có thu nhập thấp đều khổ như nhau. Nông dân là những người thiệt thòi nhất, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời… trừ những khoản chi phí đầu tư cho sản xuất chẳng còn bao nhiêu hào. Lại gặp thời buổi vật giá lên trời, không biết họ sẽ chống chọi ra sao? - DungDakao: dungth09@gmail.com.
 
Thật đáng buồn khi đó là sự thật, người dân đang phải đối mặt mà đúng hơn là chống chọi với sự leo thang chóng mặt của giá cả khi đồng lương công chức không thể trang trải đủ cho cuộc sống của họ. Nếu như vậy đừng trách và đừng vội lên án tại sao có những công chức biến chất. Không ngụy biện nhưng đó cũng có thể vì cuộc sống của con em mình mà họ phải “nhắm mắt đưa tay”.
 
Không ít bạn đọc cũng có cùng quan điểm như vậy. “Buồn quá đi thôi! Người đời có câu “đói thì hay ăn vụng, túng thì làm liều”. Lạm phát cao sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng và tệ nạn xã hội phát triển” - Hoàng Tiến Tùng: hoangvan_tin@yahoo.com.

Lương của công nhân viên chức nhà nước và công nhân lao động phổ thông không đủ sống như vậy thì trách sao được nếu có điều kiện tham ô, hối lộ, vòi vĩnh, bắt chẹt gây khó dễ cho người khác. Để kiếm thêm thu nhập, để sinh tồn thì người có điều kiện sẽ làm thôi . Thương cho những người không có điều kiện... phát sinh tiêu cực để kiếm thêm tiền mà sống theo hoàn cảnh vật giá leo thang như thế này thì cũng đành chịu thiệt thòi và chờ cơ hội kiếm thêm” - Lương Tâm - lg@yahoo.com.vn.

----------

Nguyệt Thu (tổng hợp)