Nghỉ việc do bão Talim có bị trừ lương hay không?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, việc người lao động nghỉ việc do bão có thể được xếp vào trường hợp ngừng việc. Mức lương ngừng việc do các bên thỏa thuận và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Với việc bão số 1 (tên quốc tế là Talim) đang tiến vào đất liền, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện đề nghị tập trung ứng phó với bão. Trong đó, một phần công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố liên quan cần kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

Với việc người dân có thể bị hạn chế ra đường trong thời gian bão đến, nhiều người sẽ phải nghỉ làm. Với trường hợp này, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, người lao động có bị trừ lương nếu nghỉ làm do bão hay không?

Nghỉ việc do bão Talim có bị trừ lương hay không? - 1

Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Talim trong những giờ tới trên khu vực Bắc Bộ (Ảnh: VNMDS).

Luật sư Hà Công Tâm (Chủ tịch Công ty Luật Onekey, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngừng việc là tình trạng người lao động phải tạm ngưng hoặc không được làm công việc được giao theo thỏa thuận trong hợp đồng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong số đó, có nguyên nhân do thiên tai và dịch bệnh.

Do đó, nếu bắt buộc phải nghỉ làm do bão đổ bộ, người lao động sẽ thuộc trường hợp ngừng việc. Khi đó, việc trả lương ngừng việc sẽ được tính căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, nếu ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác cùng đơn vị phải ngừng việc do lỗi của người này thì được trả mức lương do 2 bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc.

Cụ thể, nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận, không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Về mức lương tối thiểu vùng, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu đối với Vùng I (VD: Một số quận, huyện thuộc Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng; TP Hạ Long của Quảng Ninh...) theo tháng là 4,68 triệu đồng còn theo giờ là 22.500 đồng/giờ.

Đối với Vùng II (VD: Các huyện còn lại thuộc Hà Nội, Hải Phòng; TP Đồng Hới của Quảng Bình hay TP Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái thuộc Quảng Ninh...), mức lương tối thiểu vùng theo tháng là 4,16 triệu đồng còn theo giờ là 20.000 đồng/giờ.

Đối với các Vùng III và IV, mức lương tối thiểu vùng theo giờ và tháng lần lượt là 17.500 đồng, 16.500 đồng/giờ và 3,64 triệu, 3,25 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu phải ngừng việc do bão, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận tiền lương ngừng việc, tùy thuộc số ngày nghỉ. Căn cứ tính lương ngừng việc dựa theo quy định về lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.