Nghĩ suy qua một chuyến về thăm quê hương (Kỳ 2)
(Dân trí) - Tuy về thăm Tổ quốc chỉ có ba tuần, nhà giáo chuyên giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực xã hội học- tác giả Nguyễn Huỳnh Mai cũng đã có 1 cái nhìn nhạy cảm đối với những vấn đề đặt ra cho quá trình phát triển và hội nhập của nước nhà.
Đi từ Sài Gòn ra Hà Nội thấy bán buôn nhan nhản khắp nơi, nhất là bán buôn mà tôi gọi là thương mại nhỏ (hay thất nghiệp trá hình ?): một tủ với hai ba chục lon nước, vài loại bánh ... đã là một cửa hàng - thương mại sống còn chứ không phải thương mại kinh doanh. Cửa hàng lại phục vụ hầu như suốt ngày và đêm (các chuyên viên về giấc ngủ xem số giờ ngủ của dân như một chỉ số của chất lượng sống – dân ta trung bình ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm ?)
Rất nhiều cửa hàng dịch vụ – từ sửa
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Dịch vụ thôi chưa đủ. Muốn cho kinh tế thực sự phát triển, ta còn cần cho ra đời nhiều sản phẩm cụ thể qua những hình thức kinh tế bền vững hơn là kiểu buôn bán một sớm một chiều.
Tiếc là chúng tôi không có dịp thăm các khu công nghiệp. Chỉ biết qua báo chí là mức sống của công nhân các khu công nghiệp còn khó khăn.
Khoảng cách giàu -nghèo: vài thí dụ tượng trưng
Hình như trong ngôn từ cả ngoài phố và trong càc mối quan hệ giao tiếp nói chung, cách xưng hô cũng có sự phân biệt khác nhau : “Chị” hay “Anh” khi người đối diện làm lao động chân tay, còn “Ông” và “Bà” khi nói chuyện với những người giàu sang và có bằng cấp cao.
Chưa kể đến những bát phở thịt bò Kobé hay nhà hàng Long Đình, chúng tôi vào một quán café trong khuôn viên bảo tàng Lịch sử : hóa đơn cho một ly kem và một cốc cà phê đã là 240.000 đồng . Thảo nào xung quanh chúng tôi khách toàn là dân ăn mặc sang trọng. Còn nếu mua một một cây kem ngoài phố thì chỉ 7 - 10.000 đồng.
Lương tâm nghề nghiệp
Điển hình về lương tâm nghề nghiệp là chuyện một gia đình người bán mì ở Chợ Lớn, một gia đình từ ba thế hệ ông ngoại truyền, mẹ nối rồi con cái đi theo. Cả nhà đảm bảo tất cả các khâu sản xuất mì, nấu nước lèo chuẩn bị nguyên liệu, phục vụ thực khách cho đến việc lo bảo quản, vệ sinh. Họ không giàu nhưng ...sung sướng hạnh phúc khi nói về nghề nghiệp của họ. Ánh mắt họ ngời lên niềm tự hào của một công việc được thực hiện chu đáo.
Muốn có lương tâm nghề nghiệp thì trước nhất phải có ý thức về khái niệm nghề nghiệp của mình, biết mình đang làm gì, làm thế nào, làm cho ai, tại sao...
Xu hướng trọng ngoại cũng ... thịnh hành: cái “mác” Hàn Quốc, Mỹ ... được xem như là “thượng hạng”
Hiện nay đòi hỏi lương tâm nghề nghiệp cũng khó: lương không đủ sống, vật giá cái gì cũng đắt đỏ, môi trường bon chen, tranh lấn. Lương trung bình cũa những người chúng tôi gặp là khoảng trên dưới 3 triệu mỗi tháng, thế nhưng chỉ riêng tiền đóng góp cho một trẻ ở tiểu học cũng đã hơn 1 triệu. “Bươn chải”, "lo toan", “giật gấu vá vai” là câu nói thường xuyên của một số người chúng tôi đã gặp.
Mặc cảm tự ti và mặc cảm tự tôn
Một nghìn năm đánh giặc phương Bắc, gần một thế kỷ để thoát sự đô hộ của Pháp, ba mươi năm chống Mỹ ... Xưa và nay, người dân Việt Nam đều có nhiều lý do để hãnh diện về truyền thống của cha ông.
Thế nhưng mặc cảm tự tôn (tiếng Pháp complexe de supériorité hoặc khái niệm, theo xã hội học ethnocentrisme – có nghĩa là xem văn hóa mình là tốt nhất, còn các văn hóa khác là thua kém) là một phản ứng có thể làm ta mù quáng, xem cái gì của mình cũng “hơn người” và từ chối các nhận xét khác, kể cả những nhận xét tích cực.
Mặc cảm này thường hiện hữu ở nơi đại đa số người có địa vị xã hội. Một giáo sư đại học về khảo cổ từ chối không thấy những mất mát trong việc làm mới thay vì trùng tu di tích. Một thẩm phán bảo vệ hết mình việc tập trung hành pháp và tư pháp. Một nhạc sĩ lớn lên sau 1975 hết lòng ca tụng trào lưu tân nhạc hiện thời và bài bác nhạc thời trước ... Về báo chí, người đọc cảm thấy người viết năng nhấn mạnh những thành tựu hơn là viết về những thiếu sót...
Bên cạnh đó, xu hướng trọng ngoại cũng thịnh hành: những cái “mác” Hàn Quốc, Singapore, Mỹ ... được xem như là “thượng hạng” là “đẳng cấp” từ áo quần, khăn trải giường, đồ gia dụng, bánh ngọt, rượu, mỹ phẩm... Rốt cuộc là : phải cao như Tây, phải trắng như người Hàn Quốc, phải nhuộm tóc đủ màu ... Hết rồi những ca ngợi cho tà áo trắng giản dị của nữ sinh Gia Long, hay cho mái tóc thề của các cô trường Đồng Khánh thủa nào...
Đi ra nước ngoài cũng là giấc mơ của một số người trẻ tôi gặp: ra nước ngoài để học, để học thêm, để kiếm sống, để đổi đời... Tại sao như vậy nhỉ ? Cuộc sống của người tha hương đâu phải là cuộc sống ở thiên đường.
Tại sao phải so sánh? Tự tôn hay tự ti đều là mặc cảm cả, tức là ... có vấn đề. Tại sao ta không yên ổn sống với mình, bên cạnh người khác mà không bài ngoại hay vọng ngoại, tự ti hay tự tôn ?
Tạm kết luận
Vĩ mô hay vi mô, chuyện của xã hội hay chuyện của từng người. Ba tuần không cho phép chúng tôi biết hết hiện tình Việt Nam. Nhìn trở lại thời bao cấp cách đây hơn ba mươi năm, nước nhà đã đi những bước "bảy dặm". Đổi mới, mở cửa, kinh tế thị trường... đã mang lại nhiều thay đổi. Cái cần là phải tiếp tục cảnh giác với sự lạc quan một chiều để phúc lợi thật sự đến với mỗi người dân, nhất là cho những trẻ em hiện ở tuổi mầm non.
Tiềm năng của Việt Nam to lớn cả về tài nguyên thiên nhiên cũng như về khả năng nhân sự. Nhưng cần quản lý tốt để phát triển hài hòa và bền vững.
Chúng tôi trở về châu Âu, vẫn còn ấm tình người ở quê nhà, mặc dù trong lòng cũng còn trĩu nặng những lo lắng cho tương lai.
Nguyễn Huỳnh Mai
(Liège, Bỉ)