Nghi can vụ bắt cóc trẻ em có thể đối mặt với 10 năm tù

(Dân trí)- Chiều ngày 8/11, cháu bé bị mất tích mất 5 này qua đã được các chiến sỹ Phòng CSHS –Công an TP. Hà Nội trao tận tay mẹ cháu là chị Trần Thị Thơm. Vậy, nghi can bắt cóc cháu bé trên sẽ phạm tội danh và phải chịu hình phạt ra sao?

Nghi can vụ bắt cóc trẻ em có thể đối mặt với 10 năm tù - 1
Hàng nghìn người tụ tập nín thở chờ đợi giây phút bé sơ sinh được trao trả cho bố mẹ.

Phóng viên Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc này.

Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Việc nghi can Nguyễn Thị Lệ, 29 tuổi, tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, thừa nhận đã giả dạng nhân viên y tế để bắt cóc con trai của chị Thơm tại Bệnh viện Phụ sản. Qua lời khai ban đầu, Lệ đã ăn cắp quần áo Blouse tại tầng 1 nhà G, lẻn và vào phòng của sản phụ Thơm lừa bế bé trai vừa sinh của chị này, nói là đưa đi xét nghiệm. Cô ta thuê taxi bế đứa trẻ chở về mẹ đẻ ở Bắc Giang sau đó quay về nhà chồng ở Đông Anh.

Với những tình tiết ban đầu này, hành vi của Lệ đã thoả mãn dấu hiệu của: “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự. Hành vi của Lệ xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm của trẻ em, với phương thức thực hiện việc phạm tôi là lừa gạt và đây là một lỗi hoàn toàn cố ý, nói chung việc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, mục đích nào đều thoả mãn những cấu thành tội danh này.

Về hình phạt cụ thể, phải đợi kết quả điều tra từ phía Công an xem mục đích chiếm đoạt em bé của Lệ là gì, để nuôi dưỡng hay đưa ra nước ngoài, Lệ có thông đồng với ai để thực hiện hành vi phạm tội hay không…Khi đó chúng ta mới có thể xem xét và lượng hình được. Tuy nhiên, sẽ không có gì bất ngờ khi Lệ bị phạt tù mười năm (nằm ở khoản 1), đây là mức án tù trung bình thấp của tội danh và tình tiết của vụ án.

Việc Nguyễn Thị Lệ vì khó khăn trong việc có con dẫn đến quẫn trí mà thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể xem xét là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt chứ không phải là căn cứ để gỡ tội. Tội phạm mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là một trong những tội danh liên quan đến buôn bán người được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
 
Hiện nay, loại tội phạm này đang diễn ra rất phức tạp, gây ra sự hoang mang, lo ngại cho xã hội đã thu hút sự quân tâm đặc biệt, sự quan ngại sâu sắc của nhà nước và cộng đồng. Hàng năm, trên cả nước xảy ra từ 200 - 300 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em. Qua sự việc trên tôi cũng xin kiến nghị đến các Bệnh viện và cơ quan Công an trên cả nước tiến hành trao đổi thông tin, nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, hội thảo về chủ đề trên nhằm tránh tái diễn sự việc đáng tiếc này.
 
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
1.     Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2.     Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Vũ Văn Tiến - Thu Hà (ghi)