Nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả: Phục hồi điều tra!

(Dân trí) - Liên quan đến nghi án “giải cứu phân bón rởm” có liên quan đến 2 cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, ngày 28/3, theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định phục hồi điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo đó, 2 cán bộ có liên quan vụ án thuộc Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng (nay là Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) là ông Châu Hoài Phương (Phó Chi cục trưởng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 7).

Nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả: Phục hồi điều tra! - 1

Trụ sở Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng trước đây.

Theo hồ sơ, vào tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Châu Hoài Phương làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra việc kinh doanh phân bón tại DNTN Hồ Mỹ Nhiên (phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Quá trình kiểm tra phát hiện lô phân bón khoảng 150 bao các loại không có hồ sơ công bố hợp quy, nên đã tiến hành lấy 3 mẫu đưa đi kiểm nghiệm để đánh giá kết quả.

Kết quả 2 lần kiểm nghiệm cả 3 mẫu phân bón đều không đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì. Đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại lần 3 và kết quả đạt. Khi có kết quả đạt, Đoàn kiểm tra mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp toàn bộ số phân bón nói trên để bán ra thị trường.

Vụ việc sau đó được chuyển sang cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) để xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Đầu tháng 6/2017, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả 2 bị tạm giam 7 tháng thì cho tại ngoại hầu tra.

Suốt quá trình bị điều tra, 2 bị can nêu trên đều kêu oan. Bị can Phương dẫn quy định tại khoản 6, Điều 9 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa: “Người sản xuất có quyền khiếu nại kết luận của Đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Với quy định này, ông Phương cho rằng việc giám định lần 3 là theo yêu cầu hợp pháp của công ty sản xuất.

Về tính hợp pháp của kết quả thử nghiệm lần 3, CQĐT khẳng định Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN không có quy định việc thử nghiệm lần 3, nên việc thử nghiệm lần 3 là không phù hợp. Do đó, các thông tin tài liệu liên quan đến việc thử nghiệm lần 3 và kết quả thử nghiệm lần 3 đều được coi là bất hợp pháp.

Cụ thể, Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN tại khoản d, Điều 9 thể hiện: “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng”.

Một cán bộ điều tra phân tích: Trong quá trình giải quyết vụ việc, chủ DNTN Hồ Mỹ Nhiên đã ủy quyền cho công ty sản xuất 3 loại phân bón không có hồ sơ công bố hợp quy bị niêm phong tại doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên. Việc ủy quyền này là để thay mặt cho chủ doanh nghiệp làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành. Như vậy, sau khi được ủy quyền, đại diện nhà sản xuất chỉ được phép thực hiện quyền với tư cách của chủ doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên, không được phép thực hiện quyền với tư cách của nhà sản xuất. Thế nhưng, người đơn vị này lại thực hiện quyền với tư cách nhà sản xuất, gửi công văn đề nghị Đoàn kiểm tra “xem xét cho lấy mẫu và kiểm tra lại”.

Như vậy, nhà sản xuất đang thực hiện ủy quyền với tư cách là người bán hàng, nhưng lại đi khiếu nại với tư cách của nhà sản xuất, đây là việc thực hiện trái nội dung được ủy quyền. Thế nhưng, Đoàn kiểm tra liên ngành vẫn chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của nhà sản xuất, đồng ý cho tiến hành thử nghiệm mẫu phân bón lần 3.

“Điều cần lưu ý ở đây là không được đánh tráo khái niệm giữa “khiếu nại kết quả thử nghiệm” với “khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra”, đây là 2 nội dung hoàn toàn khác nhau và được pháp luật điều chỉnh khác nhau. Việc khiếu nại kết quả thử nghiệm phân bón được điều chỉnh bởi khoản 3, Điều 20, Thông tư 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; còn việc khiếu nại kết luận của Đoàn kiểm tra được điều chỉnh bởi khoản 6, Điều 9, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa”, cán bộ cơ quan ANĐT nhấn mạnh.

Ngày 22/8/2018, khi đưa vụ án này ra xét xử, TAND TP Sóc Trăng đã trả hồ sơ để đề nghị điều tra bổ sung về thiệt hại của vụ án. Quá trình điều tra bổ sung, do phải chờ kết quả trưng cầu giám định bổ sung, trong khi thời hạn điều tra theo quy định đã hết, nên ngày 29/9/2018, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với 2 bị can Phương và Thanh.

Sau khi có kết quả giám định bổ sung, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định phục hồi điều tra đối với 2 bị can trên. Hiện, công tác điều tra đang được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm