Nghệ An: Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”?

(Dân trí) - Để được hoạt động yên ổn trên địa bàn xã, các chủ máy gặt phải ký vào bản cam kết và đóng số tiền cho công an lên tới 2 triệu đồng. Vấn đề này đang diễn ra tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”?

Vụ mùa Hè Thu đang bước vào mùa gặt mới, cũng là lúc các chủ máy gặt bắt đầu hoạt động. Nhưng thật trớ trêu thay, để được gặt những bông lúa, thửa ruộng trên địa bàn thì họ bắt buộc phải đóng tiền “bảo kê” cho công an xã thì may ra mới được hoạt động.

Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt trên cánh đồng thuộc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) để ghi nhận và tìm hiểu sự việc. Ghi nhận trên cánh đồng của xã này có 25 máy đang gặt lúa trên cánh đồng thì đã có 24 máy đã đóng số tiền 2 triệu đồng cho công an xã này.

Nghệ An: Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”? - 1

Bản cam kết “việc sử dụng máy gặt” do chính công an xã đề bạt.

Bản cam kết “việc sử dụng máy gặt” do chính công an xã đề bạt.

Mua được cái máy gặt lúa với số tiền khá lớn, lại từ tỉnh bạn vào Nghệ An để đi gặt lúa thuê nhưng ông Nguyễn Đức Khoái (quê ở tỉnh Nam Định) đã phải đóng 2 triệu đồng.

“Khi tôi đưa máy về đây để gặt lúa cho bà con thì không hiểu sự việc gì đang xảy ra, chỉ biết công an xã ra tận ruộng lúa thu của tôi số tiền 2 triệu đồng mà không có lý do, không có hóa đơn hay một giấy tờ nào. Khi tôi hỏi thì được công an trả lời số tiền này là để “bao máy” hoạt động yên ổn trên địa bàn”, ông Khoái chia sẻ.

Để được gặt trên cánh đồng, thì mỗi máy gặt phải trả cho xã 2 triệu đồng.
Để được gặt trên cánh đồng, thì mỗi máy gặt phải trả cho xã 2 triệu đồng.

Còn anh P.V.D chủ máy gặt người trên địa bàn cho hay: “Bất kể máy trên địa bàn hay các máy gặt lúa nơi khác đến đều phải đóng tiền nếu muốn làm ăn. Còn không đóng tiền cho công an thì không được phép gặt ở đây”.

Cũng giống như anh Khoái anh T.A.L, ở thôn 4 xã Bắc Thành bức xúc: “Khổ lắm chú ơi! Năm trước thì bị bọn giang hồ thu tiền, năm ni thì bị công an xã thu, chúng tôi mua máy đi gặt kiếm tiền chứ phải đi ăn cướp mô mà công an bắt ký cam kết và thu tiền?”.

Thấy thu tiền phi lý, các chủ máy gặt bức xúc đề nghị PV làm rõ.
Thấy thu tiền phi lý, các chủ máy gặt bức xúc đề nghị PV làm rõ.

Để tìm hiểu thực hư về vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với chính quyền xã Bắc Thành.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Bằng - Trưởng công an xã cho biết: “Việc công an xã thu tiền các chủ máy gặt là có. Đến nay công an đã thu được 21 máy với số tiền là 42 (triệu đồng). Số tiền này đang được công an nắm giữ”.

Cơ quan nào chỉ đạo các anh thu tiền? - PV hỏi. Ông Bằng trả lời: “Chúng tôi chỉ làm theo lệnh của UBND xã, còn bản cam kết thì do chính tay tôi tự làm”.

Ông Lê Văn Thùy - PCT UBND xã Bắc Thành: Việc UBND chỉ đạo để cho công an thu tiền các chủ máy là nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trên địa bàn....
Ông Lê Văn Thùy - PCT UBND xã Bắc Thành: "Việc UBND chỉ đạo để cho công an thu tiền các chủ máy là nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trên địa bàn...".

Còn ông Lê Văn Thùy - Phó chủ tịch UBND xã này cho hay: “Việc UBND chỉ đạo để cho công an thu tiền các chủ máy là nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trên địa bàn. Vì vấn đề này rất phức tạp nếu xã không làm như thế thì không biết chuyện gì xảy ra nữa. Vì muốn đảm bảo cho bà con nông dân kịp mùa vụ nên xã đã huy động anh em công an ra tận đồng để can thiệp và thu tiền các chủ máy và bắt ký vào bản cam kết không để tình trạng hoạt động tràn lan”.

Cũng theo ông Thùy số tiền mà công an thu sẽ nạp vào ngân sách xã để sau này một phần “bồi dưỡng” cho anh em công an, một phần để xã tu sửa các con đường nội đồng do chính các máy gặt làm hư hỏng.

Ông Nguyễn Đức Bằng trưởng công an xã: Việc thu tiền là do UBND xã chỉ đạo.
Ông Nguyễn Đức Bằng trưởng công an xã: "Việc thu tiền là do UBND xã chỉ đạo".

“Chúng tôi muốn tốt cho bà con nhân dân ở đây nên mới làm thế chứ không có chuyện trục lợi ở đây”, ông Thùy nhấn mạnh.

Được biết, để gặt được một sào lúa, thì chủ máy lấy tiền công của người dân là 160 ngàn đồng/sào (vụ hè thu) và 180 ngàn đồng/sào (vụ đông xuân và ở những khu vực khó khăn hơn). Theo các chủ máy thì họ đều tuân thủ giá cả thị trường nhưng để hoạt động được thì chịu áp lực, nhiều vấn đề…

Máy gặt lúa phải đóng 2 triệu đồng đang gây bức xúc cho người dân ở xã Bắc Thành.
Máy gặt lúa phải đóng 2 triệu đồng đang gây bức xúc cho người dân ở xã Bắc Thành.

Cũng chính về thế, việc UBND xã Bắc Thành “chỉ đạo” công an xã này đi thu tiền “bảo kê” của những chủ máy gặt lúa đang làm cho họ bức xúc. “Chúng tôi muốn gửi gắm tình trạng này lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để can thiệp”, các chủ máy gặt lúa bức xúc gửi gắm PV chuyển lời tới cơ quan chức năng.

Việc công an thu tiền bất chính để “bảo kê” cho các máy gặt hoạt động đã gây bức xúc cho người dân, tình trạng này đến bao giờ mới kết thúc? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước vấn đề này đang là dấu hỏi lớn?. Câu trả lời chúng tôi xin gửi về UBND huyện Yên Thành.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nhóm PVĐT