Chuyện buồn ở xã nông thôn mới - Bài 3:
“Cơn bão sưu cao thuế nặng” hành dân: Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An chỉ đạo làm rõ
(Dân trí) - Hiện UBND huyện Nghi Lộc đã nhận được sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về vụ việc báo phản ánh tình trạng “sưu cao thuế nặng” tại xã Nghi Thái.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo vào cuộc
Liên quan đến loạt bài “Chuyện buồn ở xã nông thôn mới” - xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bắt người dân ở đây oằn mình gánh nhiều loại quỹ cao, chiều 21/8, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho PV Dân trí biết, hiện huyện đã nhận được chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về vấn đề trên.
Ông Dũng nói: “Chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo theo tinh thần của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về vấn đề báo chí phản ánh tại xã Nghi Thái. Hiện huyện đã thành lập một đoàn không chỉ kiểm tra riêng địa bàn xã Nghi Thái mà là tổng kiểm tra toàn huyện”.
Hộ anh Dũng vợ chết, còn đứa con nhỏ và anh bị tật nhưng những khoản thu có năm đóng lên gần 900 ngàn đồng.
Sự việc xảy ra tại xã Nghi Thái khi những khoản quỹ thu quá nhiều thì anh thấy thế nào?- PV hỏi.
“Về vấn đề này chúng tôi phải kiểm tra đã thì mới trả lời được chính thống”, ông Dũng nói.
Theo đó, sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về tình trạng người dân xã Nghi Thái phải gánh hàng loạt quỹ khiến người dân bức xúc, thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra để xử lý vấn đề báo phản ánh.
Phó phòng Tài chính cũng bất ngờ về những khoản thu
Theo tìm hiểu của chúng tôi xã Nghi Thái đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014 trong đó có những công trình được xây hoành tráng nhiều tỷ đồng như nhà văn hóa cộng đồng xã.
Dù cán đích NTM sớm nhưng xã này rời vào cảnh nợ các nhà thầu hàng chục tỷ đồng. Thiếu tiền trả nợ xã này đã nghĩ ra “sáng kiến” bắt người dân phải đóng nhiều loại quỹ phí để có nguồn trả nợ.
Ông Nguyễn Thanh Hải (ngồi giữa) - Phó phòng Tài chính Kế hoạch huyện Nghị Lộc tỏ ra khá bất ngờ về những khoản thu của xã Nghi Thái khi được PV đề cập đến.
Liên quan đến vấn đề người dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, một năm phải đóng hơn 20 loại quỹ phí và các khoản thu khác nhau - PV Báo điện tử Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Hải - Phó phòng Tài chính Kế hoạch huyện Nghị Lộc.
Tại buổi làm việc, ông Hải tỏ ra khá rất bất ngờ, “choáng” trước sự việc xã Nghi Thái thu nhiều khoản quỹ phí của người dân.
“Giờ huyện mới nắm được thông tin, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra làm rõ việc thu các loại quỹ phí tại xã Nghi Thái. Cụ thể sẽ làm rõ các vấn đề như cơ sở pháp lý của việc đưa ra khoản thu trên. Sau khi thu về việc chi các khoản thu trên cụ thể như thế nào để có kết luận cho người dân rõ”, ông Hải, nói.
Bà Thủy tâm sự hoàn cảnh bệnh tật của vợ chồng anh Tình, chị Tâm khi phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị bệnh ung thư quái ác.
Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà - xóm trưởng xóm Thái Học (xã Nghi Thái) cho báo chí biết, những ngày qua ông cũng đã đọc báo phản ánh về tình trạng thu tại xóm cũng như xã mình.
Nói về những khoản do xóm đề ra thu, ông Hà cho biết, những khoản thu này đều được dân bàn bạc, còn xóm chỉ như "trọng tài" thu tiền để trả giúp công việc xóm mà thôi.
Khi PV hỏi về khoản thu tiền "Chế độ gián tiếp cán bộ" mà người dân hiểu là đóng tiền để "trả lương", "nuôi" cán bộ xóm, ông Hà cho biết mỗi năm xóm thu khoản này được từ 22-23 triệu đồng.
Căn nhà tồi tàn của gia đình anh Dũng vốn tàn tật từ nhỏ, vợ anh lại bị chết đuối, hàng tháng anh được trợ cấp 800 ngàn, nhưng phải đóng khá nhiều loại quỹ.
Ông Hà giải thích, do cán bộ ở xóm Thái Học có khoảng 20 người thường xuyên phải đảm nhiệm nhiều công việc. Tuy nhiên, chỉ 8 người trong số đó được nhận trợ cấp từ cấp trên với hơn 1 triệu đồng/1 tháng.
Còn lại 12 cán bộ không có phụ cấp nên xóm đã thu tiền này để hỗ trợ thêm cho cán bộ làm việc không có hỗ trợ và phụ cấp thêm cho các cán bộ khác.
Bà Nguyễn Thị Linh (xóm Thái Học) sống 1 mình nhưng vẫn phải đóng hơn 500 nghìn đồng tiền các loại quỹ, phí. Bà Linh cho biết, thời gian trước nếu ai chưa đóng tiền thì suốt ngày bị đọc tên trên loa phóng thanh của xóm.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cũng cho báo chí biết, trong số các khoản thu quỹ nói trên tại một số xóm thì có một số khoản thu do huyện chỉ đạo; một số khoản do xã lập đề án thu và còn lại các khoản khác do xóm bàn bạc với người dân để thu.
Xã chỉ được thu 3 khoản gồm: Đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng 200 nghìn đồng/1 nhân khẩu. Ngoài ra còn có 2 loại quỹ “Văn hóa xã hội” và “Quỹ phụng dưỡng người cao tuổi” thu theo hộ.
Còn các quỹ an ninh quốc phòng, bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa...đều có trong văn bản hướng dẫn của huyện. Ông Phương cho biết việc thu các khoản này không đạt nhiều, mỗi năm chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng và hiện tại chỉ mới đạt được 38,4%.
Về khoản thu của xóm, ông Phương cho biết hàng năm trong các kỳ đại hội, cán bộ xóm sẽ đưa ra những dự toán thu chi của năm trước đại hội. Sau đó sẽ để dân biểu quyết và vận hành.
Cũng theo ông Phương, trong đề án thu có quy định rõ các đối tượng được miễn giảm như đối tượng bảo trợ xã hội, người già trên 60 tuổi và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Trong khi đang nợ nông thôn mới, thì xã xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng lớn với nhiều tỷ đồng nhưng lại không mang lại hiệu quả?
Thế nhưng, khi PV dẫn ra bằng chứng về một số đối tượng xã hội tàn tật vẫn không được miễn giảm tiền thì ông Phương cho biết do xóm chưa quyết toán lên xã nên ông không nắm được.
Nói về vấn đề người dân phản ánh việc không đóng đầy đủ sẽ bị từ chối khi lên xã giao dịch, ông Phương thừa nhận chuyện này có thật nhưng chỉ là giao dịch về việc vay ngân hàng và chứng từ đất đai. Còn các giao dịch khác không từ chối.
Xã Nghi Thái đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Tuy nhiên, hiện xã này vẫn còn nợ khoảng 10 tỉ đồng tiền nợ quá trình làm nông thôn mới.
Những hộ dân ở xã Nghi Thái chủ yếu làm nông dân nên cuộc sống vẫn còn bấp bênh, khó khăn. Vì thế nên khi xã, xóm đề ra hàng chục khoản thu, người dân vẫn thấy “rùng mình” bởi nhiều khoản cao và có phần bất hợp lý.
Hàng ngàn hộ dân ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, từ nhiều năm nay phải oằn mình ra gánh nhiều loại quỹ phí. Cụ thể năm 2016, người dân xóm này phải đóng 23-24 loại quỹ, phí, các khoản thu khác nhau. Trong đó, xã đứng ra thu 14 loại quỹ phí gồm: quỹ thú y; quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng; quỹ vì người nghèo + Da cam, quỹ văn hóa – xã hội; quỹ môi trường; quỹ phụng dưỡng tuổi già; quỹ quốc phòng an ninh; quỹ phòng chống bão lụt; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ bảo trợ trẻ em; quỹ đất.
Bên cạnh đó, các xóm đứng ra thu 9 loại quỹ, phí và các khoản thu: quỹ dân sinh kinh tế; quỹ khuyến học; quỹ an ninh xóm; quỹ giao thông thủy lợi; thu xây dựng cơ sở hạ tầng; thu gián tiếp; bảo vệ...
Nguyễn Duy