Nghệ An: Lùm xum việc cấm chôn người chết ở nghĩa trang
(Dân trí) - Do nghĩa trang đã đóng cửa vì quá tải, bất chấp lệnh cấm, người dân vẫn cứ vào chôn. Khi xã ra lệnh cấm chôn người chết thì hai luồng dư luận đang gây bức xúc giữa chính quyền và người dân.
Người dân vẫn vào đào, khoanh vùng để chôn cất.
Mặc dù nghĩa trang Cồn Thập Mẫu (Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) đã đóng cửa từ lâu, chính quyền xã ngăn cấm nhưng hiện tại người dân vẫn vào đây để chôn cất người chết khiến 1 số bộ phận người dân bức xúc bởi hệ lụy của nghĩa trang này gây ra.
Thời gian gần đây, người dân ở xóm Mỹ Hòa (xã Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) liên tục gửi đơn thư phản ánh lên chính quyền và các cơ quan báo chí nhờ giúp đỡ bởi tình trạng “lộn xộn” của người dân khi chôn cất người chết tại nghĩa trang Cồn Thập Mẫu (xã Thanh Lâm).
Theo phản ánh của người dân, nghĩa trang Cồn Thập Mẫu đã được xây dựng cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người chết được chôn vào đây nhiều khiến nghĩa trang quá tải và dẫn đến quá tải và nhiều hệ lụy kéo theo.
Đơn kiến nghị của người dân gửi lên cơ quan chức năng.
Đặc biệt, dù nghĩa trang này nằm thuộc phần đất quản lý của xã Thanh Lâm, tuy nhiên, những ngôi mộ chôn cất tại đây lại chủ yếu là của người dân ở xã Thanh Giang cạnh đó. Bên cạnh đó, nằm sát khu dân cư với hơn 58 hộ dân, 278 nhân khẩu đang từng ngày phải gánh chịu trực tiếp việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nên càng khiến dư luận và người dân địa phương bức xúc.
Ông Lê Văn Đỉnh (xóm Mỹ Hòa, xã Thanh Lâm) sống gần khu nghĩa trang này bức xúc: “Nghĩa trang mà đặt cách nhà dân chỉ 10m thì ai mà chịu được cơ chứ. Không chỉ chôn cất mới gây ô nhiễm môi trường mà khi người dân cải táng thì ván hòm, đồ khâm liệm vứt bừa bãi trên nghĩa trang. Nhiều hôm chúng tôi lại phải đi gom những thứ đó rồi đốt đi cho an toàn và không để ô nhiễm môi trường”.
UBND huyện Thanh Chương đã ra hai lần Công văn chỉ đạo, tuy nhiên tình trạng trên vẫn tái diễn.
Trước thực trạng nghĩa trang này gây ô nhiễm, có sự xáo trộn, năm 2008, những hộ dân nơi đây đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương đề nghị cấm, không cho chôn cất người chết tại đây để tránh tình trạng ô nhiễm xảy ra.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân và qua kiểm tra thấy thực trạng người dân nêu là đúng. Đầu năm 2009, UBND huyện Thanh Chương đã ra Công văn số 224/CV-UBND gửi UBND xã Thanh Lâm và UBND xã Thanh Giang phối hợp thực hiện tuyên truyền, kiểm tra không để cho người dân tiếp tục chôn cất tại nghĩa trang này.
Mặc dù lệnh đã cấm, tuy nhiên tình trạng này vẫn không được giải quyết triệt để. Mỗi khi có người mất, thì người dân nơi đây vẫn tiếp tục chôn tại nghĩa trang này cho nên đã gây nên nhiều bức xúc.
Trước tình hình đó, vào năm 2011, người dân xóm Mỹ Hòa tiếp tục gửi đơn thư lên các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết triệt để tình trạng trên. Nhận được kiến nghị của người dân, UBND huyện Thanh Chương tiếp tục ra Công văn số 526/UBND-TNMT gửi cho địa phương hai xã liên quan yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Nhưng người dân vẫn không chịu tuân thủ mà cố tình vi phạm để xây dựng mộ.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chính quyền xã Thanh Lâm đã treo biển cấm tại nghĩa trang. Đồng thời cùng phối hợp với chính quyền xã Thanh Giang tuyên truyền người dân trong xã không được đưa người mất tới mai táng tại nghĩa trang này nữa.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân một số xóm ở xã Thanh Giang vẫn tiếp tục chôn cất người mất ở nghĩa trang Cồn Thập Mẫu. Không những gây ô nhiễm môi trường mà còn lấn chiếm hành lang tỉnh lộ 533 đi qua khu vực này khiến dư luận thêm bức xúc, bất bình.
Ông Trần Thế Anh (xóm Mỹ Hòa, xã Thanh Lâm) than thở: “Nghĩa trang cách nhà dân chỉ khoảng 10m nên chúng tôi luôn sống trong sợ hãi, ô nhiễm đến môi trường sống. Đặc biệt ô nhiễm nguồn nước, nhiều giếng nước của bà con đã xuất hiện có váng màu vàng như váng mỡ. Biết là vậy, nhưng ở đây nước sạch chưa có không dùng nước giếng thì biết dùng nước ở đâu?”.
Một số người dân xóm Mỹ Hòa bức xúc kéo đến phản đối.
Nói về vấn đề này, ông Tưởng Quốc Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Giang, thừa nhận tình trạng trên là có thật và vẫn còn diễn ra. “Sau khi có Công văn của UBND huyện, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến người dân để mọi người biết không vi phạm. Hiện nay chúng tôi đã quy hoạch 2 nghĩa trang mới là Cồn Thông và Cồn Ong trong xã làm nơi chôn cất. Tuy nhiên, do khu vực nghĩa trang Cồn Thập Mẫu còn một số ngôi mộ dòng họ của người dân chúng tôi nên người dân đã vi phạm”, ông Thành nói.
"UBND xã luôn kiên quyết và nghiêm cấm không cho người dân vào khu nghĩa trang này chôn cất. “Sau khi có công văn cấm chôn cất tại nghĩa trang Cồn Thập Mẫu chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền xã Thanh Giang để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được chôn cất tại đây nữa” - ông Trần Xuân Huấn - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết.
Người dân xã khác đến lập mộ xây dựng...
Thì người dân sở tại phản đối cho rằng đã vi phạm và không được phép.
Ông Huấn cũng cho biết thêm: “Do đất nằm vùng giáp ranh giữa hai xã nên khó phân chia địa giới. Cùng với đó các hộ chôn cất vi phạm họ làm lúc nửa đêm và ngày nghỉ nên chính quyền không biết. Đến khi phát hiện thì mọi việc đã vỡ lở không thể bắt người dân dừng được mà chỉ lập biên bản vi phạm”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Đình Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Chúng tôi đã xem xét và ra Công văn cấm chôn cất người chết mới tại khu nghĩa trang này. Nếu chính quyền vẫn để người dân chôn cất là vi phạm, chính quyền xã yếu trong việc này. Những hộ vi phạm phải lập biên bản, thu giữ phương tiện vi phạm để giải quyết dứt điểm”.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng giải quyết tình trạng này, thì những người dân xóm Mỹ Hòa đang còn phải hứng nước mưa để sinh hoạt, bởi dòng nước ngầm ở đây đang ô nhiễm, bị đóng váng, màu vàng do ô nhiễm từ nghĩa trang này gây nên.