Nghệ An: Hàng chục hộ dân sống chung với rác hơn 10 năm

(Dân trí) - Bãi rác cao ngút, ruồi, muỗi… bay mù mịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, dòng nước thải đen ngòm chảy ra đường, sang khu dân cư. Còn những gia đình bên cạnh vang lên những tiếng ho sặc sụa của những cụ già và trẻ nhỏ.



Đã hơn 10 năm nay, người dân hai khối Sa Nam và khối Xuân Khoa (thuộc thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) đang phải chịu cảnh sống chung với rác thải.

Rác thải nằm ở giữa, xung quanh là những hộ gia đình, mỗi ngày nhìn đống rác mà ngán ngẩm không biết kêu ai.

Theo phản ánh của người dân, PV Dân trí đã đến thực nghiệm và ghi nhận tại nơi tập kết rác thải ở chợ Sa Nam (Nam Đàn, Nghệ An). Được biết, trước đây là nơi buôn bán lợn nhưng sau này Ủy ban nhân dân thị trấn Nam Đàn đã quy hoạch chuyển sang làm nơi tập kết rác thải. Hằng ngày, rác sẽ được chuyển đi, thế nhưng bãi rác nơi đây được tấp kết đang chất cao ngút, mùi hôi thối và nước bẩn tràn khắp nơi.

Bác Trần Văn Trung (khối Sa Nam) phàn nàn: “Qua các đợt tiếp xúc cử tri, dân của hai khối phản ánh rất nhiều, cán bộ lắng nghe ý kiến của dân rồi để đó chứ không giải quyết dứt điểm”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (khối Xuân Khoa) bức xúc: “Chồng tôi đi bộ đội, chỉ có mẹ con ở nhà, tôi đã nhiều lần lên Ủy ban nhân dân thị trấn phản ánh thực tế bãi nhưng cũng không có trả lời. Từ khi bãi rác xuất hiện, sức khỏe tôi đã bị giảm sút, giờ tôi bị viêm xoang, viêm phổi mãn tính. Mỗi khi xe đến xúc rác thì nước thải bẩn đó chảy tràn vào nhà, ruồi bọ bay vào đậu khắp trong nhà, thời gian lâu như thế thì làm sao gia đình tôi chịu được, giờ con tôi cũng bị ảnh hưởng rồi, mùa hè thì ai sống nổi với cái mùi rác này chứ”.

Bãi rác tạm, bây giờ trở thành bãi rác lâu dài, dân đang nóng lòng di dời.
Bãi rác tạm, bây giờ trở thành bãi rác lâu dài, dân đang nóng lòng di dời.

“Trời nắng thì hôi thối, trời mưa thì nước thải của rác chảy lênh láng, con tôi giờ bị bệnh đường hô hấp, có ai hiểu cho chúng tôi đây”, chị Trần Thị Thành Vinh (hối Xuân Khoa) bức xúc.

Theo ghi nhận của PV, thì chị Hoa và chị Vinh là hai hộ gia đình sát cạnh bên nơi tập kết rác, còn đối diện là gia đình của ông Trần Văn Thành và ông Trần Văn Lai. Hai ông đã bị bệnh, có thuyên giảm nhưng kể từ khi nơi đây trở thành nơi tập kết rác thải thì bệnh tình của hai ông trở lại và nặng thêm. Ông Lai giờ đã nằm một chỗ.

Anh Võ Giang Châu (khối Sa Nam) cáu gắt: “Sát dân sinh thế này mà làm nơi bỏ rác, mỗi khi xe chuyển đi thì chúng tôi phải đóng cửa rồi sang nhà người thân ở tạm”.

Thời gian qua, người dân và tiểu thương chợ Sa Nam đã đồng loạt lên Ủy ban nhân dân thị trấn để kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Bà Phan Thị Điền (70 tuổi, khối Xuân Khoa, Nam Đàn) than thở: “Tuổi cao, sức yếu mà sống bên bãi rác thế này thì tôi cũng chết sớm thôi, trời mưa thì nước chảy ra đường về hướng đền vua Mai, người đi thắp hương ngang qua cứ kêu ca mãi, ngồi ăn bát cơm cũng không nuốt nổi”.

Theo người dân, bãi rác tồn tại khá lâu, người dân đã phản ánh chính quyền và truyền hình huyện, có đề xuất chuyển đi nơi khác… Trong bãi rác này không đơn thuần là rác sinh hoạt, mà có cả gà, lợn, chó chết cũng được vứt bừa bãi.

Rác chất đống, đủ chủng loại.
Rác chất đống, đủ chủng loại.

Bác Lê Anh Thế (55 tuổi, khối Sa Nam, Nam Đàn) than thở: “Người đi qua cũng phản ánh, không nói gì chúng tôi sống ở đây cả đời. Đã là thị trấn phải có văn hóa chứ không phải như thế này. Tương lai con, em còn đầu óc đâu mà ăn học được, sức khỏe thì ảnh hưởng rồi”.

Trong đơn kiến nghị của những hộ gia đình sống cạnh bãi rác chợ Sa Nam có viết: Ngày ngày mùi hôi thối của bãi rác cứ lùa vào nhà như những trận bão gió. Mỗi lần ăn cơm hay chưa ăn cũng phải lấy cái khăn, cái áo thật dày để ôm che miệng, đi làm vắng nhà thì thôi chứ về nhà lại chịu ngửi cái hơi bống nồng nặc của bãi rác. Nơi đây những năm tháng trước chưa có bãi rác, các gia đình chúng tôi sống vui vẻ, khỏe mạnh thế mà đến bây giờ, mười mấy năm sống chung với bãi rác, cuộc sống thật sự đã diễn ra như gia đình bà Hiền, ông Thành đã bị nhiễm chất độc rác thải nên bị teo cơ, khô phổi, các bé toàn bị viêm phổi, các bà trước đây không đau, không ốm, không biết viên thuốc là cái gì mà bây giờ viêm cổ họng phải nói là thuốc từng thùng. Tất cả bị hít nhiễm chất độc từ bãi rác mà gây đau cổ, khó thở gây đến các bệnh đau lưng, mỏi gối các khớp xương.

Trao đổi về vấn đề trên với ông Trần Ngọc Long - phụ trách công tác môi trường thị trấn Nam Đàn cho biết: “Địa điểm tập kết rác bây giờ, trước kia là sân chợ lợn nhưng giờ không có địa điểm nào khác, dân số lại đông nên mới tập kết tạm thời ở đó. Năm 2012, thì thuê hẳn một xe và một máy xúc, hủy tất cả các điểm tập kết tạm thời của các khối để tập kết ở chợ lợn. Ở đó là nơi tập kết rác của 5 khối, cộng thêm chợ Sa Nam là 6. Nhà dân ở sát đó nên bị ảnh hưởng là có, bây giờ làm thế nào không sử dụng điểm này thì đó là một bài toán khó và chúng tôi đã liên hệ với Công ty môi trường ở Vinh để hợp đồng vận chuyển rác. Dân phản ánh, tôi biết, ủy ban biết và quyết định hai ngày lấy một lần trừ khi mưa quá to, xe không vào được, người không ra bốc được”.

Giải thích vì sao rác tồn đọng lâu như vậy mà chưa xử lí, ông Long giải thích bâng quơ: “Những ngày Tết vừa qua lưu lượng người tham gia ở chợ rất đông nên lượng rác rất nhiều nên công ty môi trường chưa dọn kịp”.

Trong lúc người dân đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải thì chính quyền "ngụy biện" đang đợi Công ty môi trường tới dọn. Chính quyền hứa sẽ xử lý bãi rác này, thế nhưng đã hơn 10 năm nay người dân nơi đây chỉ biết đợi chờ và chịu đựng. Nơi tập kết rác tạm thời trở thành bãi rác lâu dài. Không biết lúc nào chính quyền thị trấn Nam Đàn mới giải quyết để người dân thoát khỏi cảnh “sống chung” với rác.

Một số hình ảnh bãi rác gây ô nhiễm môi trường tại khu vực thị trấn Nam Đàn:

Người dân tố bãi rác tạm.
Người dân tố bãi rác tạm.

Rác chất đống.
Rác chất đống.

Bãi rác nằm sát nhà dân.
Bãi rác nằm sát nhà dân.

Ngổn ngang rác.
Ngổn ngang rác.

Nắng lên, người dân đành múc nước để dập một số chỗ.
Nắng lên, người dân đành múc nước để dập một số chỗ.

Đã gần 10 năm nay người dân nơi đây hứng chịu cảnh ô nhiễm suốt ngày đêm.
Đã gần 10 năm nay người dân nơi đây hứng chịu cảnh ô nhiễm suốt ngày đêm.

Những xe đẩy đến để đó..
Những xe đẩy đến để đó..


Cảnh Huệ - Nguyễn Duy


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm