Thu hồi đất vô lý, dân kiện chính quyền ra tòa:
Nghệ An: Đất đang sử dụng ổn định, bỗng bị thu hồi vô lý!
(Dân trí) - Mảnh đất sử dụng ổn định và đã được giao cho gia đình từ năm 1989, ông Phúc bỗng dưng nhận được những kết luận Thanh tra quá trình sử dụng đất. Sau đó, hơn 5.000 m2 đất được đưa vào diện thu hồi mà chính chủ sở hữu không biết, khiến gia đình ông phải đội đơn cầu cứu khắp nơi, đến bước đường cùng ông buộc phải khởi kiện chính Chủ tịch tỉnh ra tòa để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.
Thửa đất đang được gia đình ông Phúc sử dụng ổn định, bỗng dưng nhận được những quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng. Không chấp thuận với phương án giải phóng mặt bằng ông Phúc đã làm đơn khiếu nại…
Cơ cực những ngày khai hoang đất ở bãi tha ma
Trong đơn thư gửi tới Báo điện tử Dân trí của ông Nguyễn Tân Phúc (SN 1971, trú tại khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) trình bày về việc gia đình ông bị chính quyền địa phương thu hồi hơn 5.357m2 đất trái quy định pháp luật. Việc thu hồi đất trái thẩm quyền đã vô tình đưa gia đình ông vào cảnh khốn cùng, buộc ông đội đơn đi khắp các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Theo trình bày của ông Nguyễn Tân Phúc, vào năm 1988 ông ra vùng Đồng Hồ, thị trấn Nam Đàn để khai hoang, sản xuất cho đến tận hôm nay. “Thời điểm này, khu vực đất của tôi chỉ là một bãi tha ma, thấp trũng không ai dòm ngó đến. Toàn bộ khu vực này đều là đất hoang, nhiều người khi thấy tôi làm nhà ở đây còn ái ngại, lo cho gia đình tôi. Có người còn nói tôi là người dở hơi, làm những chỗ phi lý, mất công sức, lại không được gì ...
Nhưng vượt qua tất cả, gia đình tôi đã khai hoang, phục hóa, tôn tạo để sử dụng... sản xuất gạch ngói, theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước. Và vùng đất cằn cỗi này tôi đã biến thành một vùng biết đẻ ra sản phẩm phục vụ cho xã hội", ông Phúc chia sẻ.
Thời điểm này ông, có ký với phía HTX Đồng Tiến một hợp đồng kinh tế để sản xuất gạch ngói. Tuy nhiên, sau đó phía HTX Đồng Tiến đã không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng. Một mình ông Phúc phải xây dựng lò gạch, vay mượn kinh phí sản xuất. Đồng thời chuyển sang mô hình kinh tế VAC, để phù hợp hơn với thực tế. Phía HTX lại trở thành đối tác để cung cấp nguyên liệu (đất) phục vụ quá trình sản xuất gạch cho gia đình ông.
Đất hoang, vùng “bãi tha ma” mà những người dân trong thị trấn vẫn “ớn lạnh” mỗi khi nhắc đến, từ ngày lò sản xuất gạch của ông Phúc bắt đầu nổi lửa như trở mình theo từng ngày tháng. Đất bắt đầu “đẻ” ra sản phẩm phục vụ cho người dân trên địa bàn.
Tháng 10 năm 1989, gia đình ông Phúc được UBND huyện Nam Đàn giao đất cho dân làm nhà ở. Quyết định do ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn thời điểm đó ký với nội dung: Cho phép ông Nguyễn Tân Phúc sử dụng 7.750m2 đất hoang tại khu vực phía đông sân vận động.
Trong đó, diện tích đất ở là 200m2, đất vườn liền kề là 7.550m2. Vị trí đất được nêu rõ: Phía Bắc giáp với ngân hàng, bưu điện, dược phẩm; phía Nam giáp với vùng đất hoang hóa; phía Đông giáp với đất nông nghiệp; phía Tây giáp với sân vận động. Thời hạn sử dụng “lâu dài”.
Khi được giao đất ông Nguyễn Tân Phúc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và hưởng những quyền lợi do luật đất đai quy định và Quyết định số 27/QĐ/UB ngày 4/1/1989 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh quy định.
Sau khi được chính quyền địa phương cấp đất, ông Phúc yên tâm sản xuất và tôn tạo, làm tăng giá trị mảnh đất mà mình đang sử dụng. Đồng thời ông còn khai hoang, tôn tạo thêm một số diện tích đất hoang liền kề với thửa đất mà mình đang sử dụng.
“Là người nông dân nên chúng tôi thấy đất bị bỏ hoang thì tiếc rẻ, nên vừa làm thì vừa khai hoang thêm. Phần diện tích đất sau khi lấy để làm gạch ngói tôi tôn tạo thành ao nuôi cá, đồng thời xây bờ rào, tường bao để bảo vệ ... Vậy mà đùng một cái họ vào thanh tra, rồi đẩy gia đình tôi đến cảnh như ngày hôm nay”, ông Phúc ngao ngán.
Nhiều lần được đền bù đất khi bị thu hồi
Với phần diện tích đất được cấp gia đình ông Nguyễn Tân Phúc sử dụng ổn định từ đó, không có bất kỳ tranh chấp với hộ gia đình, cá nhân nào. Đồng thời cũng không vi phạm quy định về pháp luật đất đai để bị phía chính quyền địa phương xử phạt.
Trên mảnh đất này, từ năm 1989 - 1990 vì điều kiện còn nhiều khó khăn nên gia đình ông phải sinh sống trong một căn nhà tranh. Đến năm 1992 gia đình ông mới có điều kiện để cải tạo xây dựng nhà kiên cố, ngôi nhà tiếp tục được gia đình ông tôn tạo vào năm 1998, 2003
Năm 1993, khi công trình Trường THPT Nam Đàn 1 được xây dựng, một phần diện tích đất của gia đình ông Phúc bị thu hồi. Thời điểm này gia đình ông Phúc được đền bù thỏa đáng về tài sản trên đất và diện tích đất bị thu hồi. Tiếp tục đến năm 2007, phần diện tích đất của gia đình ông Phúc vướng vào công trình xây dựng đường điện 0,35 KV, phía chính quyền địa phương cũng đã thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính liên quan, gia đình ông Phúc được hưởng những quyền lợi liên quan đến phần không lưu qua đất nhà mình.
Như vậy, thông qua việc thu hồi đất, đền bù đất, phần không lưu bị ảnh hưởng thì chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành liên quan khi thực hiện các dự án, qua xác minh đã công nhận mảnh đất trên là thuộc quyền quản lý hợp pháp của gia đình ông Phúc.
Trong báo cáo của ông Võ Quang Kính - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn thời kỳ từ năm 1985 - 1994 về nguồn gốc đất của gia đình ông Nguyễn Tân Phúc cũng nêu rõ: Cá nhân ông Kính là người sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nam Đàn, đồng thời có quá trình công tác, giữ chức vụ Chủ tịch UBND thị trấn trong 9 năm nên hơn ai hết ông hiểu rõ nguồn gốc đất vùng Đồng Hồ.
“Vùng đất mà gia đình anh Phúc đang ở trước đó là bãi tha ma, còn phía dưới Đồng Hồ là vùng hoang hóa, hàng năm đều bị ngập úng không sản xuất được. Vì lý do đó cho nên chính quyền địa phương và tổ hợp Đồng Tiến giải quyết cho anh Phúc làm lò gạch, tận dụng đất ở vùng sâu đốt gạch. Sau này anh Phúc có công cải tạo thành ao nuôi cá cho đến bây giờ...”, trong bản báo cáo của nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn nêu rõ.
Tuy nhiên mới đây, phần đất hơn 5.000m2 đất của hộ gia đình ông Phúc bỗng dưng bị đưa vào diện thu hồi. Còn phía chính quyền địa phương chỉ lập phương án đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất mà thôi.
Những quyền lợi liên quan đến thửa đất trên của gia đình ông Phúc lại bị “lãng quên” khiến gia đình ông rơi vào cảnh khiếu kiện kéo dài...
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy