Nghệ An: Công trình tiền tỷ “lãng phí” … dân khổ sở lội bùn
(Dân trí) - Trái ngược với hình ảnh những công trình hàng tỷ đồng xây dựng xong “đắp chiếu” chờ sử dụng tại xã 135 gây lãng phí tiền của Nhà nước là hình ảnh bà con nhân dân tại đây mỗi ngày phải khổ sở “lội bùn” trên những tuyến đường “huyết mạch” trong xã.
Công trình tiền tỷ xây xong để … “đắp chiếu”
Chưa hết “bàng hoàng” sau khi thực tế lặn lội đi xác minh tại từng hộ gia đình để làm rõ những “nghi vấn” liên quan đến quy trình lập hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do sản xuất giống lúa BC15. Chúng tôi lại nhận được nhiều thông tin, phán ánh gay gắt của bà con nhân dân tại đây về những công trình hàng tỷ, thậm chí những dự án với mức vốn đầu tư cả chục tỷ đồng khi xây xong lại không được đưa vào sử dụng tại xã Đồng Văn - Tân Kỳ (Nghệ An). Những “đại công trình” tại xã 135 đang nằm đắp chiếu phơi sương gây lãng phí tiền của của nhà nước. Khiến dư luận vô cùng bất bình.
Với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng nên dự án Khu công nghiệp nhỏ Đồng Văn được xem là một “đại dự án” từ khi nó được “kéo” về cái xã 135 này.
Dự kiến sau khi xây dựng Khu công nghiệp nhỏ Đồng Văn với tổng diện tích quy hoạch là 19 hecta sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Chủ yếu là khai thác khoáng sản và chế biến nông sản. Từ đó sẽ tạo công ăn việc làm giúp cải thiện đời sống của nhân dân địa phương. Nhưng sau khi san lấp mặt bằng, xây đựng hệ thống đường giao thông, mương thoát nước … thì “đại dự án” lại bỗng dưng “đột tử”.
“Mấy năm nay tôi thấy khu công nghiệp được làm đường, rồi xây mương thoát nước, máy móc vào san mặt bằng xong thì để đấy. Hình như không có doanh nghiệp vào đầu tư nên xã họ cũng đã trả lại đất cho bà con nhân dân rồi. Vậy là khu công nghiệp “chết thật”, một người dân sống gần khu vực “quy hoạch” khu công nghiệp nhỏ Đồng Văn chia sẻ.
Có mặt tại đây chúng tôi ghi nhận tình trạng xuống cấp trầm trọng của phần cơ sở hạ tầng trước đó đã được đầu tư xây dựng. Như hệ thống mương thoát nước, đường giao thông … đã hư hỏng rất nhiều.
Sau khi khu công nghiệp “chết” UBND xã cũng đã trả lại đất cho bà con để tiếp tục sản xuất. Nhưng hàng tỷ đồng đã được “đổ” vào đây đang dần “bốc hơi” theo thời gian. Gây lãng phí một cách nghiêm trọng?.
Bên cạnh “đại dự án” sau khi “nuốt” hàng tỷ đồng rồi “đột tử” là công trình chợ của xã Đồng Văn được đầu tư với tổng số vốn lên đến 1,6 tỷ đồng. Trong đó, công trình chợ là 1,4 tỷ đồng và 200 triệu đồng cho chi phí xây dựng các công trình phụ trợ khác.
Chợ Đồng Văn được khởi công từ năm 2010 và hoàn thành vào năm 2012. Đây cũng được xem là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế tại xã 135 khởi sắc hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 3 năm nay, chợ Đồng Văn vẫn nằm “đắp chiếu” chờ được sử dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đình chợ được xây dựng khang trang bên cạnh đó là hệ thống ốt bán hàng, ki ốt, quán gọn gàng ngăn nắp. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không thấy bất kỳ một tiểu thương, hộ kinh doanh nào vào buôn bán tại đây. Khi đến phiên họp thì chỉ có một số ít bà con nhân dân đem hàng hóa ra họp phía trước khu vực cổng chợ chứ không đưa vào bên trong.
“Chợ được xây xong mấy năm nay rồi mà có ai đến họp đâu. Cả đống tiền của Nhà nước đổ vào đó cũng bị lãng phí. Ở đây bà con thấy “phí” quá nên đưa trâu bò vào thả để cho có người sử dụng”, một người dân ở xóm Tân Đông sống gần khu vực chợ Đồng Văn bức xúc.
Trao đổi với phóng viên ông Phạm Công Lý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: “Công trình chợ xây xong thì tất cả các ki ốt phía trong đình cũng đã có người đăng ký kinh doanh. Nhưng đến thời điểm hiện tại chợ chưa phát huy hết hiệu quả là có nguyên nhân sâu sa khác. Hiện chợ mới và chợ cũ vẫn thay phiên nhau họp theo phương án xen kẽ. Chợ mới vẫn được họp 1 tháng 9 phiên”.
Dân khổ sở với những tuyến đường “huyết mạch” trải bùn
Trong khi những công trình được đầu tư hàng tỷ đồng tại xã 135 đã, đang không phát huy hiệu quả. Thì điều bức thiết nhất đối với bà con nhân dân tại đây là hệ thống đường giao thông lại đang không nhận được sự quan tâm đúng mức. Đa phần những tuyến giao thông “trọng điểm” trên địa bàn xã Đồng Văn đều xuống cấp một cách trầm trọng.
Sau mỗi trận mưa toàn bộ những tuyến đường trên địa bàn xã Đồng Văn đều ngập bùn. Muốn di chuyến được trong những ngày “trời trở” người dân tại đây đều tự trang bị cho một đôi ủng cao vì bùn có lúc ngập quá cổ chân và đường rất trơn trượt. Khổ sở nhất là những em học sinh, mỗi lúc đến trường quần áo đồng phục đều bị lấm lem bùn đất.
Em Nguyễn Thị Lan một học sinh tại trường tiểu học Đồng Văn cho biết: “Đường đến trường cũng hơn 3km nhưng vì trời mưa bùn nhiều quá em không đi xe đạp được. Bố mẹ thì bận đi làm sớm nên ngày nào em cũng phải đi bộ như thế này đến trường. Có cái ủng rồi nên không bị bẩn như trước nữa. Nhiều hôm bị muộn học nhưng cô giáo không phạt vì biết là nhà xa mà đường không đi được. Có hôm cô bị ngã xe còn đi muộn nữa là chúng em”, Lan vui vẻ chia sẻ.
Nhìn những đứa trẻ dò dẫm từng bước trong lớp bùn nhão choẹt để đến trường trên con đường được xem “huyết mạch” của xã. May mắn thay hôm nay trời không đổ mưa như những ngày trước chứ không thì các em làm sao có thể tới lớp kịp giờ trên những tuyến đường như vậy.
“Các anh cứ nhìn đó là biết chứ chúng tôi có nói sai hay thêm bớt gì đâu. Dân ở đây khổ lắm, mùa mưa thì không ai muốn ra khỏi nhà trừ khi có việc quá cần thiết. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là bị ngã ngay. Trước kia đường trong xã đã được đổ đá rồi nhưng sau đó không biết sao xã lại đổ đất chồng lên như vậy”, anh Thái một người dân tại đây cho biết.
Để thuận tiện khi di chuyển trên các tuyến đường tại đây người dân đều chọn cho mình phương tiện phù hợp nhất là những chiếc xe trâu, xe bò. “Cứ đi xe trâu như tôi là an toàn nhất, không sợ bị ngã oành oạch như các bác đi xe máy. Có chậm một tý nhưng chắc chắn và an toàn”, anh Vinh một người dân đang “điều khiển” xe trâu để đến lên khu vực sản xuất của gia đình mình vui vẻ chia sẻ.
Trong buổi làm việc với Phóng viên, khi đề cập đến thực trạng khó khăn trong hệ thống giao thông tại xã. Ông Phạm Công Lý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết thêm: “Vấn đề giao thông tại đây luôn là một trong những ưu tiên được xã quan tâm. Mỗi năm xã đều trích hàng chục triệu đồng để đầu tư nâng cấp nhưng do ngân sách có hạn. Thêm vào đó là lượng xe tải lớn thường xuyên chạy trên các tuyến đường trong xã để thu mua nguyên liệu như sắn, mía … khiến đường xuống cấp trầm trọng. Nếu để đầu tư xây dựng đường theo chương trình nông thôn mới thì e là rất khó vì “lực” không đủ”.
Hơn ai hết ông Lý cũng như những cán bộ cốt cán tại xã Đồng Văn hiểu rằng. Hệ thống đường giao thông sẽ là một “nút thắt” quan trọng cần được tháo gỡ. Có tháo được “nút thắt” này thì nhân dân tại đây mới có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống vươn lên thoát được cái nghèo.
Nhưng lãnh đạo xã lại kêu khó vì vốn ngân sách ít, mỗi năm chỉ trích ra được 60 - 80 triệu đồng để “tằn tiện” mua đất đổ đường. Thì hàng tỷ đồng lại đang được đầu tư vào các dự án để rồi không phát huy hiệu quả hay bốc hơi dần theo thời gian, gây lãng phí thất thoát tiền của nhà nước. Dù biết rằng để những dự án như khu công nghiệp nhỏ Đồng Văn không phát huy được tác dụng. Không phải lỗi ở cá nhân ông Lý hay lãnh đạo xã Đồng Văn mà đó là cách nhìn nhận, đánh giá sai thực tế của nhiều cơ quan ban ngành khi cho dự án được triển khai.
Nhưng trước thực tế “trái khoáy” đã và đang diễn ra tại xã Đồng Văn khiến nhân dân tại đây vô cùng bất bình. Số tiền đang “bốc hơi” theo “đại dự án đã chết” trong đó cũng có một phần là tiền thuế của nhân dân tại đây đóng góp. Những ngày sống cùng với bà con, đến với tùng hộ gia đình chúng tôi mới phần nào hiểu hết được cái khó thực sự của bà con nhân dân tại đây. Nhưng với cách làm như hiện tại của lãnh đạo xã thì không biết đến bao giờ người dân mới bớt được cái khổ vươn lên thoát nghèo.
Thiết nghĩ UBND huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung cần xem xét làm rõ xử lý dứt điểm những tồn tại đã và đang diễn ra ở Đồng Văn một xã thuộc diện 135. Để ổn định tình hình đời sống nhân dân, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự an ninh địa phương.
Nguyễn Phê - Nguyễn Tình