Nghệ An: Con vay tiền, cha bị “gán nợ”!
(Dân trí) - Không phải xã viên nhưng bà Lê Thị Ngọc Bé vẫn được vay vốn tại HTX nông nghiệp Hưng Dũng bằng sổ cổ phần của xã viên. Khi bà Bé biến mất khỏi địa phương, số tiền nợ lại được “gán” cho ông Lê Bá Tấn - bố bà Bé. Trong khi đó, những người có tên vay nợ hoàn toàn không biết mình đang nợ HTX.
Con vay tiền, cha phải chịu trách nhiệm?
Theo trình bày của ông Lê Bá Tấn (SN 1937, phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An), năm 2013, con gái ông là Lê Thị Ngọc Bé mượn sổ cổ phần của vợ chồng ông và 5 xã viên HTX để vay tiền sản xuất chăn nuôi với số tiền 140 triệu đồng (mỗi sổ cổ phần của xã viên được vay 20 triệu). Do làm ăn thua lỗ, bà Bé không có khả năng trả nợ.
Ban quản trị HTX có đến vận động ông Tấn trả tiền lãi suất và đảo khế số tiền vay của con gái. Ông Tấn đồng ý trả tiền lãi đối với 140 triệu đồng con gái đã vay, đồng thời trả cả gốc lẫn lãi đối với 2 sổ cổ phần mang tên mình và vợ là Dương Thị Vỹ. Hiện, bà Lê Thị Ngọc Bé không có mặt ở địa phương, đi đâu ông Tấn và gia đình không rõ.
“Khoảng tháng 8/2015, HTX yêu cầu tôi phải thanh toán hết số tiền gốc và lãi con gái vay bằng sổ cổ phần của 5 xã viên còn lại (106 triệu đồng). Tôi có đơn xin chuyển cổ phần của vợ chồng tôi cho con nhưng không được HTX chấp nhận vì họ cho rằng tôi chưa trả hết số nợ đó. Họ còn tuyên bố vì tôi không trả hết nợ nên khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tôi (5 sào – pv) thì họ sẽ trừ số tiền 106 triệu đồng kia”, ông Tấn cho biết.
Theo ông Tấn, trong biên lai chi tiền đảo khế, tên người vay nợ là con gái ông, không phải là tên ông. Việc HTX nông nghiệp HTX buộc ông phải thanh toán số tiền mà ông không vay là vô lý.
Cho mượn CMND, “ôm” nợ 20 triệu
Ngoài 2 sổ cổ phần cha mẹ, bà Lê Thị Ngọc Bé còn vay bằng 5 sổ cổ phần của các xã viên Nguyễn Trung Vinh, Trần Thị Châu, Nguyễn Thị Lành (xã viên Đội 4), Chu Thị Hương và Vương Thị Kỳ (xã viên Đội 5). Hiện, sổ xã viên của ông Vinh, bà Châu, bà Lành, bà Hương vẫn đang vay nợ HTX mỗi sổ 20 triệu đồng. Số nợ mang tên bà Kỳ đã trả được 4,5 triệu đồng, hiện đang nợ 15,5 triệu đồng.
Bà Chu Thị Hương tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi chúng tôi đề cập đến khoản nợ 20 triệu mang tên bà tại HTX nông nghiệp Hưng Dũng. “Tôi không biết, tôi cũng không viết giấy đề nghị vay vốn nào cả. Hôm đó, gặp tôi giữa đường, chị Bé có nói là có suất vay 10 triệu ở HTX, tôi không có nhu cầu vay thì cho chị ấy vay. Tôi đồng ý nhưng giao hẹn chị Bé vay thì phải chịu trách nhiệm trả.
Mấy năm nay tôi vào Sài Gòn, cũng không rõ chị Bé đã trả chưa, cũng không thấy ai nói với tôi về số tiền này, kể cả khi tôi về dự đại hội xã viên và làm thủ tục chuyển thẻ xã viên HTX cho con trai vào năm ngoái”.
Vào khoảng cuối năm 2016, ông Nguyễn Trung Vinh cũng nhận được “trát” yêu cầu thanh toán khoản nợ 20 triệu của HTX nông nghiệp Hưng Dũng. “Tôi quá bất ngờ vì tôi không có nhu cầu vay, hoàn toàn không làm đơn xin vay vốn. Có 1 lần, chị Bé đến gặp tôi, mượn CMND để giải quyết công việc. Nghĩ quen biết, tôi đồng ý cho mượn và giao hẹn sau 24 giờ đồng hồ phải trả lại. Hôm sau chị Bé đã trả lại chứng minh thư cho tôi”, ông Vinh kể.
Khi được cho xem giấy đề nghị vay vốn có ghi tên mình kèm chữ ký ông Vinh khẳng định chữ viết và chữ kí trong này không phải của ông mà do người khác giả mạo.
“Tôi suýt ngất khi được thông báo mình nợ HTX 20 triệu chưa trả. Tôi không vay tiền, không làm hồ sơ, không trực tiếp nhận tiền hay ký xác nhận bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến khoản nợ này ngoại trừ việc cho chị Bé mượn CMND của mình”, bà Trần Thị Châu cho biết.
Ông Vinh, bà Châu cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của ban quản trị HTX trong việc thẩm định hồ sơ cho vay, cho vay sai đối tượng cũng như trách nhiệm hình sự của bà Lê Thị Ngọc Bé khi giả mạo chữ ký của người khác để làm hồ sơ vay vốn. Hiện, ông Vinh, bà Châu đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
HTX cho vay sai quy định
Ông Nguyễn Phúc Nam - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Dũng thừa nhận, bà Lê Thị Ngọc Bé không phải là xã viên HTX. Bà Bé cũng không đứng tên không đơn đề nghị vay vốn mà ở hàng “thừa kế nợ”. “Chúng tôi thừa nhận đã quá lỏng lẻo trong công tác quản lý tài chính, chưa làm đúng quy trình cho vay. Tất cả cũng do nể nang. Đây là bài học rất lớn cho chúng tôi”, ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, bà Lê Thị Ngọc Bé không thuộc đối tượng được cho vay nhưng có đơn xin vay vốn của các xã viên, lại có cả chứng minh thư của những người kia nên HTX “linh động” cho vay. Dù không phải là người đứng đơn vay nhưng chị Bé là người trực tiếp ký nhận tiền bằng tên của mình
Lý giải về việc Ban quản trị HTX “gán nợ” của bà Bé cho ông Lê Bá Tấn, ông Nam cho rằng, ông Tấn là người bảo lãnh nợ cho bà Bé nên phải chịu trách nhiệm thanh toán dù rằng việc bão lãnh nợ này chỉ là “nói miệng với nhau”.
Tại các biên lai chi tiền đảo khế, ông Tấn ký tên mình vào biên lai chi tiền của 2 sổ cổ phần của ông này và vợ; các biên lai chi tiền còn lại, chữ ký người nhận tiền là bà Lê Thị Ngọc Bé. Ban quản trị HXT khẳng định đây là chữ kí của ông Tấn kí hộ tên con. Vì vậy, ông Tấn vẫn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền mà bà Lê Thị Ngọc Bé đã vay.
“Trong sự việc này HTX cũng sai. Sai vì nể nang nhau, vì quản ký kinh tế lỏng lẻo. Nhưng đây là tiền của xã viên, của HTX nên phải đòi lại. Người vay tiền là bà Bé, nhưng ông Tấn là cha, lại đứng ra bảo lãnh nợ cho con thì ông Tấn cũng cần phải có trách nhiệm”, ông Nam nói.
Lý giải việc từ chối cho vợ chồng ông Tấn chuyển cổ phần (mỗi sổ cổ phần trị giá 6 triệu đồng) cho con, ông Nam cho hay việc này căn cứ vào quy định của Luật HTX và điều lệ HTX. Nếu cho ông Tấn chuyển cổ phần cho con sợ ông này chối bỏ trách nhiệm đối với số tiền nợ của bà Lê Thị Ngọc Bé.
Nếu ông Tấn vẫn kiên quyết không trả số tiền trên thì khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của ông Tấn, HTX sẽ cấn trừ tiền nợ này. “Khi đó, ông Tấn có kiện ra pháp luật thì ai sai người đó chịu”, ông Nam nói.
Hoàng Lam