Bạn đọc viết:

Ngày mới ở Cấm Sơn

(Dân trí) - Bình thường, mặt hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Ngoài nguồn lợi từ thuỷ sản dồi dào, hồ Cấm Sơn còn có cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Buổi chiều trên mặt hồ Cấm Sơn, khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những cư dân sống trên các hòn đảo lớn nhỏ này lại hối hả giăng lưới để đón bắt những luồng cá đi ăn đêm. So với cảnh sắc thiên nhiên rộng lớn bao la ở vùng lòng hồ Cấm Sơn thì hình ảnh con người thật nhỏ bé. Thế nhưng, sự cần mẫn, ý chí khát vọng vươn lên của con người nơi đây lại rất mạnh mẽ. Cậu bé Tị này ở thôn Mẫn, xã Cấm Sơn năm nay mới 12 tuổi, song với nghề giăng câu, chèo thuyền, Tị biết từ lúc lên 7 tuổi.

Khi màn đêm buông xuống, dưới mỗi nếp nhà nơi lòng hồ lại bập bùng ngọn lửa hồng cùng tiếng trẻ nô đùa râm ran, xoá tan sự hưu quạnh của núi rừng. Những con cá chép mới được đánh bắt từ lòng hồ vẫn còn tươi, giờ đây được chế biến thành những món ăn thơm ngon đãi khách.

Ngày mới ở Cấm Sơn - 1

Ngày mới ở Cấm Sơn với cảm giác yên bình.

Cấm Sơn giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Điện lưới quốc gia đã vươn tới nhiều đảo nhỏ trên hồ, tạo điều kiện cho cư dân lòng hồ tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giao lưu văn hoá với thế giới bên ngoài. Bà Nông Thị Học, bà nội của cậu bé Tị ở thôn Mẫn, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn nhớ lại: “Vợ chồng tôi ra đảo sinh sống khi con trai lớn mới lên 4 tuổi. Cuộc sống lúc ấy thật cơ cực. Hai vợ chồng đánh cá tôm rồi mang ra chợ cách nhà hàng chục cây số để bán đong gạo. Ngày nay, các con tôi không phải vất vả như trước nữa. Ruộng vườn nhiều, cá tôm đánh bắt được thì mang ngay ra chợ gần nhà bán, rất thuận tiện”.

Đặc thù của nghề chài lưới đánh bắt cá cơ bản là do những người đàn ông đảm nhiệm. Có lẽ vì thế, những người đàn ông nơi đây thường thức khuya, dậy sớm để đắm mình với sóng nước mênh mang. Họ đã được tôi luyện về nghề đánh bắt cá từ khi còn nhỏ.

Đêm nay, hai bố con anh Vi Văn Hạ, thôn Mẫn quyết định thả lưới mắt quỷ ở lạch nước mới để đón luồng cá tôm ngược dòng sau trận mưa ban chiều. Con trai anh Hạ đang là học sinh Trường THCS Cấm Sơn, nhưng được nghỉ hè, nên cũng lặn lội theo bố ra thuyền đánh cá. Tối nay, bố con anh Hạ sẽ ngủ lại trên thuyền để trông lưới cùng những rọ tôm giăng mắc xung quanh...

Một ngày mới trên hồ Cấm Sơn thường bắt đầu khá sớm bởi không khí nhộn nhịp của những con thuyền lướt nhẹ trên sóng đi giăng bắt cá tôm. Những con cá tôm tươi ngon này lại được người phụ nữ đưa lên bờ, rồi toả đi khăp các chợ trong vùng bán lấy tiền mua sắm những vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Bình minh trên hồ Cấm Sơn tuyệt đẹp, khi những tia nắng in bóng chạy dài trên mặt nước trong xanh. Cảnh sắc thật thanh bình khiến lòng người như được trải rộng ra.

Bình thường, mặt hồ Cấm Sơn rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m. Xung quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, hay nói một cách khác bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng và cây cao bóng cả. Với những điều kiện ấy, Cấm Sơn có tiềm năng trở thành nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng xóm của đồng bào dân tộc, hay đi chơi rừng v.v... Ông Nông Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai các lớp tập huấn cho bà con nông dân trong vùng hồ về kiến thức bảo vệ môi trường; đồng thời giúp bà con tiếp cận với hình thức làm du lịch cộng đồng, tăng nguồn thu cho gia đình”.

Ngoài nguồn lợi từ thuỷ sản dồi dào, hồ Cấm Sơn còn có cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, khám phá thiên nhiên kỳ thú. Cảnh sắc hồ Cấm Sơn cũng đã đi vào lời bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Phó Đức Phương: Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/Ai đắp đập/Ai phá núi? Cho hồ nước đầy là mặt gương soi? Non xanh mà nước biếc....

Nam Bình