Ngành học sư phạm đang bị xếp “chiếu dưới”?

(Dân trí) - Nghề dạy học vốn được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, người giáo viên được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, “người gieo hạt cho tương lai”. Tuy nhiên, ngành học làm thầy đang bị xếp “chiếu dưới” so với nhiều ngành học khác. Vì sao như vậy?

Khi bàn về những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng cho rằng: Để xây dựng và phát triển ngành giáo dục, phải chọn được những người ưu tú nhất làm thầy cô giáo, chọn được những sinh viên giỏi nhất vào học ngành sư phạm.
 
Có thể khẳng định, chất lượng của đội ngũ giáo viên phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm của các trường đại học, cao đẳng. Để đào tạo được những sinh viên giỏi, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, các trường đại học, cao đẳng sư phạm cần thu hút được những người thực sự có “chất” theo học.

 

Tuy nhiên hiện nay, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, một bộ phận học sinh có học lực xếp loại giỏi ở các trường THPT đang có xu hướng “quay lưng” lại với ngành học sư phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng “đầu vào” của ngành đào tạo có vị trí quan trọng đặc biệt này.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nghề dạy học vốn được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, người giáo viên được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, “người gieo hạt cho tương lai”. Điều này chứng tỏ xã hội rất đề cao, coi trọng vai trò của người giáo viên.
 
Mặc dầu vậy, trong quan niệm của nhiều học sinh phổ thông hiện nay, những ngành học được xem là “hot” hiện nay là: Bách khoa, Tài chính, Ngân hàng, Bưu chính viễn thông, Giao thông, Xây dựng… Ngành sư phạm chỉ được xếp vào hàng”chiếu dưới”. Không nằm trong “tầm ngắm” của nhiều học sinh có học lực giỏi, tỉ lệ chọi không gay gắt, dẫn đến chất lượng “đầu vào” bị ảnh hưởng.

 

Trường đại học Vinh (trước đây là Trường ĐHSP Vinh) vẫn được biết đến là “lò” đào tạo sinh viên sư phạm khá uy tín của khu vực Bắc miền trung. Sinh viên sư phạm của trường cũng đã từng “tung cánh muôn phương” trên khắp mọi miền của cả nước. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, điểm chuẩn của trường cũng chỉ nằm ở mức “thường thường bậc trung”, nếu như không muốn nói la thấp so với các ngành học thuộc nhóm “chiếu trên”.

 

Trong mùa tuyển sinh năm 2008, mặc dầu chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều, tỉ lệ “chọi” không quá gay gắt, nhưng điểm chuẩn của nhiều ngành học sư phạm cũng chỉ ở mức “cận sàn”, tức chỉ sát với điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đề ra.
 
Điều này lại xảy ra đối với các ngành học thuộc khối A, B, vốn là các khối học thường có điểm chuẩn cao hơn các khối C, D. Chẳng hạn: ở ngành sư phạm Tin, số lượng tuyển là 29, điểm chuẩn là 13,5; ngành sư phạm Vật lý, số lượng tuyển là 39 điểm chuẩn là 14,0; ngành sư phạm Hóa học, số lượng tuyển là 39, điểm chuẩn là 17,0… Đây quả là điều rất đáng lưu tâm.

 

Những năm vừa qua, các khoa, ngành sư phạm được phép không thu học phí đối với sinh viên. Nhưng dường như chính sách ưu đãi này chỉ còn sức hấp dẫn với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà không còn đủ “lực” để “níu kéo”những sinh viên có học lực loại giỏi thi vào ngành sư phạm. Được biết, mới đây Bộ GD&ĐT đã có chủ trương từ năm học tới, sinh viên ngành sư phạm cũng sẽ phải đóng học phí như sinh viên các ngành học khác.
 
Động thái mới này của Bộ GD&ĐT khiến các khoa, ngành đào tạo sư phạm không khỏi quan ngại về chất lượng “đầu vào” của sinh viên. Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp ĐH năm học 2004 - 2005 đạt loại trung bình là 48,4%, năm học 2005 - 2006 là 52,1%. Tỉ lệ tương ứng ở hệ đào tạo Cao đẳng là 50,8% và 49.3%. Chất lượng “đầu vào” không cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng “đầu ra” của sinh viên.

 

Sở dĩ trong thời gian qua, nhiều học sinh THPT có học lực xếp loại giỏi không mấy “mặn mà” với ngành sư phạm trước hết là bởi cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường đã và đang trở nên khó khăn. Đây cũng là hệ quả của việc tuyển sinh tràn lan, thiếu sự tính toán, khảo sát của các trường ĐH, CĐ bấy lâu nay. Số lượng giáo viên hiện nay đã không còn trong tình trạng thiếu trầm trọng như nhiều năm trước.
 
Hiện tượng “bão hòa” về nhu cầu tuyển dụng giáo viên bắt nguồn từ việc “cung” vượt “cầu”. Tình trạng trên là khá phổ biến ở các vùng đồng bằng, nhất là vùng thành phố, thị xã. Sau 4 năm miệt mài học tập, ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học, nhiều sinh viên sư phạm cảm thấy hoang mang về tương lai của mình. Một bộ phận trong số này đã phải chuyển sang làm nghề khác.

 

Bên cạnh đó, mặc dù lao động sư phạm là loại hình lao động có nhiều nét đặc thù, nghề giáo viên vẫn được xem là “nghề cao quý nhất”, nhưng so với nhiều ngành nghề khác, chế độ lương bổng phụ cấp của giáo viên vẫn còn thấp. Đồng lương eo hẹp khiến nhiều giáo viên không yên tâm công tác, phải “chân trong, chân ngoài” vất vả mưu sinh. Điều này đã tác động không nhỏ đến sự định hướng của phụ huynh và việc chọn trường dự thi của học sinh, nhất là trong thời điểm hiện nay, việc chọn trường dự thi đối với những học sinh thực sự có năng lực đã trở nên thực dụng hơn.

 

Xác định được tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian tới, cần có những giải pháp tạo “sức hút” những sinh viên có học lực xếp loại giỏi ở các trường THPT nhằm nâng cao chất lượng “đầu vào” của các ngành đào tạo sinh viên sư phạm. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên học ngành sư phạm, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương và các chế độ phụ cấp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho giáo viên để họ yên tâm công tác.

 

Mặt khác, việc đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay không nên chỉ chạy theo số lượng. Ngành giáo dục cần phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại số lượng giáo viên hiện có, dự báo số lượng giáo viên cần bổ sung. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đào tạo cần tương đương với lượng giáo viên còn thiếu, sao cho “cung” bằng “cầu”. Cũng cần đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên theo hướng “mở” để sinh viên sư phạm sau khi ra trường, nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp. Đây không chỉ là cách để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm mà còn là động lực để mỗi sinh viên sư phạm yên tâm phấn đấu trong quá trình học tập của mình.

 

                                                            Bùi Minh Tuấn

 Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ảnh đúng thực trạng đáng lo hiện nay đối với ngành học sư phạm và đấy cũng là điều đặc biệt đáng quan tâm đối với tương lai của ngành giáo dục. Không có đội ngũ thầy giáo giỏi và giàu tâm huyết thì mọi đề án nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là những điều viển vông vẽ trên giấy mà chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

 

“Không Thầy đố mày làm nên”! Lời răn dạy ấy của người xưa không chỉ đúng cho từng cá nhân mà còn đúng đối với cả một dân tộc, một đất nước.

 

Vậy nên chúng ta phải ra sức xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi bằng cách tạo ra động lực cần thiết cho những học sinh giỏi muốn thi vào ngành sư phạm cũng như cho những giáo viên đang hành nghề thấy yên tâm và hứng thú với nghề “trồng người”.