Quảng Nam:

Ngang nhiên chống đối, hàng loạt bến bãi cát trái phép bất chấp lệnh dừng hoạt động

(Dân trí) - Mặc dù, chính quyền thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) ra “tối hậu thư” yêu cầu các chủ bến, bãi dừng mọi hoạt động kể từ ngày 6/5/2019, nhưng đến nay các bãi tập kết cát trái phép vẫn còn hoạt động.

Đầu tháng 5/2019, Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Điện Bàn đã kiểm tra lập biên bản 5 bến thủy nội địa hoạt động trái phép tại 2 xã Điện Phương và Điện Minh. Qua đó, chính quyền thị xã Điện Bàn ra “tối hậu thư” yêu cầu các chủ bến, bãi dừng mọi hoạt động kể từ ngày 6/5/2019.

Bến bãi cát sỏi hoạt động trái phép ở Quảng Nam

Các bãi cát vẫn hoạt động sau khi có lệnh cấm của thị xã Điện Bàn

Ngày 16/5, UBND thị xã Điện Bàn ban hành Thông báo kết luận về việc xử lý các bến, bãi không đủ điều kiện hoạt động và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn các xã Điện Minh và Điện Phương dựa trên cơ sở cuộc họp ngày 6/5/2019 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn.

Theo Thông báo này, ông Nguyễn Minh Hiếu kết luận: “Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam và Thị ủy Điện Bàn, UBND thị xã đã tăng cường các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực mua bán cát, sỏi trên địa bàn, đặc biệt tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, phối hợp với chính quyền địa phương đình chỉ các bến, bãi hoạt động không có giấy phép và không nằm trong quy hoạch, bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định.

Bến bãi cát sỏi hoạt động trái phép ở Quảng Nam

Các xe tải vẫn vào lấy cát thường xuyên trong những ngày qua

Tuy nhiên, vẫn còn một số bến, bãi trên địa bàn các xã Điện Minh, Điện Phương tổ chức đối phó với cơ quan chức năng lén lút hoạt động, sử dụng bến thủy nội địa không nằm trong quy hoạch để tập kết cát, sỏi trái phép.

Vì vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng này, từng bước sắp xếp bến, bãi trên địa bàn thị xã theo các vị trí được quy hoạch, UBND thị xã yêu cầu các ngành, địa phương và các chủ bến, bãi (gồm các hộ Nguyễn Bá Văn, Bùi Văn Kế, Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Nga, Trần Minh Tâm) dừng mọi hoạt động mua bán cát, sỏi tại các bãi tập kết của mình kể từ ngày 6/5/2019”.

Bến bãi cát sỏi hoạt động trái phép ở Quảng Nam

Các xe múc vẫn hoạt động tại các bãi này

Tuy nhiên, chính quyền thị xã Điện Bàn đã tạo hướng mở cho các chủ kinh doanh: “Để tạo điều kiện tạm thời, đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian chờ xây dựng địa điểm mới theo quy hoạch, đề nghị các chủ bến, bãi nêu trên nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh tại vị trí cũ thì tập hợp đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan như: Giấy phép kinh doanh, Giấy xác nhận bảo vệ môi trường, giấy tờ về đất đai… gửi về UBND xã, phường để tổ chức họp dân lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân trong khu vực”.

Lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng giao trách nhiệm cho Tổ liên ngành kiểm tra, Trạm kiểm soát liên ngành tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trên địa bàn dọc sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện; cử cán bộ trực tiếp theo dõi chặt chẽ hoạt động của các bến, bãi tập kết nêu trên.

Bến bãi cát sỏi hoạt động trái phép ở Quảng Nam

Khi có xe tải vào lấy cát, cửa tôn được đóng lại

Nếu Tổ liên ngành kiểm tra phát hiện các chủ bến, bãi vẫn tiếp tục hoạt động, sử dụng bến thủy nội địa để nhập cát trái phép hoặc mua cát không rõ nguồn gốc thì đề xuất UBND thị xã không được xem xét bố trí vào địa điểm quy hoạch mới và yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện”.

Thông báo là vậy nhưng theo quan sát của PV trong những ngày qua, các bến bãi này vẫn hoạt động bình thường. Trước đây, các bến, bãi cát này không có cửa nhưng nay tất cả đã có cửa bằng tôn. Khi có xe tải vào lấy cát, cửa tôn này được mở ra và đóng lại, sau khi cát được xúc đầy xe thì cửa được mở để xe chạy ra…

Vậy cát trong các bãi này ở đâu mà có trong khi chính quyền đã cấm các bến (các ghe cát vào cập bến này để múc cát lên nhưng đã bị cấm-PV), ông Phạm Ý (thôn Trung Phú 2, xã Điện Minh) khi trao đổi với PV thì khẳng định, cứ đêm đến là các chủ bãi này múc cát từ ghe lên bờ, đến sáng thì múc xong.

Việc làm này khiến nhiều hộ dân ở sát bãi cát rất bức xúc vì các bến bãi này hoạt động xuyên đêm làm mất giấc ngủ. Ông Phạm Ý cho biết, ông đã báo cáo với chính quyền nhưng chính quyền can thiệp chẳng vào đâu, gởi lên trên phản ảnh thì bị những hộ làm cát đe dọa.

“Tôi hy vọng họ hết phép là họ hết hoạt động nhưng họ vẫn cứ hoạt động, vì thế vừa rồi chúng tôi có làm đơn gởi vô tỉnh. Họ múc xuyên đêm khiến chúng tôi mất ngủ, đến sáng thì ghe về chỗ nghỉ, còn xe thì vô bãi lấy cát đi bán nên chúng tôi rất bức xúc. Ban ngày thì ô nhiễm môi trường chúng tôi còn chịu được, ban đêm không có giấc ngủ chúng tôi làm sao lao động”, ông Ý nói.

Cũng theo ông Ý, lãnh đạo xã Điện Minh cho biết nếu các bến bãi hoạt động thì “kêu” nhưng ông Ý không dám kêu thì sợ các chủ bãi cát biết sẽ đe dọa rồi “thủ tiêu” ông.

Không những gây ô nhiễm môi trường, ồn ào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà các bến bãi này có nguy cơ xảy ra xung đột giao thông do xe tải từ các bến, bãi này khi chạy ra đã lấn hoàn toàn vào làn đường ngược chiều bên trái.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Bường – Chủ tịch xã Điện Minh – cho hay, về chủ trương hiện nay đã có biên bản họp dân, dân cho các bãi này bán cát nhưng mua cát ở nơi khác về bán, không dùng bến thủy nội địa để đưa cát lên bãi nữa.

Theo ông Bường, địa phương cho các bãi này mua cát ở các nơi về bán trong lúc chờ thị xã Điện Bàn quy hoạch bãi cát ở xã Điện Phong và tập kết hết về đó.

Về vấn đề quản lý các ghe thuyền chở cát tập kết trái phép ở các bến này, ông Bường cho hay hiện nay có đội kiểm tra của thị xã Điện Bàn đóng chốt, nếu sai thì đội đó chịu trách nhiệm.

Công Bính