Ngăn chặn nạn tham nhũng ở cơ sở

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm và bức xúc về việc một số địa phương đã bớt xén và sử dụng sai mục đích tiền hỗ trợ của Chính phủ đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết vừa qua.

Một số "quan" địa phương do nắm bắt được tâm lý của người dân thôn quê là thật thà và ít hiểu biết về chính sách. Họ đã tự cho mình cái quyền "tối thượng" là muốn chia thế nào cũng được, làm thế nào cũng xong, gây ra những hệ luỵ đáng buồn.Và xung quang việc chia tiền , gạo này có nhiều chuyện khá bi hài.

 

Mẹ con chị H vốn có gia cảnh nghèo. Nếu chiểu theo tiêu chuẩn thì lần này mẹ con chị được nhận 400 ngàn. Thế nhưng, thực nhận chỉ được 50 ngàn và 6 kg gạo. Chị nhận xong về nhà nghe mọi người nói chuyện mới vỡ lẽ. Thế là sấp ngửa, chị nhanh chóng đến Hội trường thôn, nơi đang tập trung nhiều người chờ đến lượt mình. Chẳng nói chẳng rằng, chị ôm ngay bao gạo và sẵn cái liềm trên tay chị cắt ngay nửa bao gạo, theo như mọi người nói là chị có thể nhận thêm bằng chừng đó, trước sự ngỡ ngàng và sau đó là những tràng cười của dân làng, sự bất ngờ của cán bộ thôn.

Ở một dịa phương khác là thôn Thống Nhất, xã An Ninh ( Quảng Ninh- Quảng Bình ), cán bộ thôn lại có cách làm khác: Khi chia tiền cho dân xong, họ đã tự ý trích lại đến 80% và bảo là để " Xây cổng làng"  ?!! Rồi có nơi lại trừ vào tiền dân còn nợ HTX…Có đến 1001 kiểu sử dụng tiền hết sức tuỳ tiện như vậy.


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Còn nhớ, sau cơn bão số 9 năm 2008. Quảng Bình là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cưu mang đùm bọc theo truyền thống " Lá lành đùm lá rách" của nhân dân các tỉnh bạn; sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các vị sư sãi trong các chùa chiền…Họ đã đến Quảng Bình mang theo tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia cùng những mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng , khi các xã lập danh sách những người được nhận quà, thì người ta mới vỡ lẽ rằng, nhiều người không bị thiệt hại gì, thậm chí là người khá giả cũng nằm trong danh sách được trợ cấp. Bởi họ là người nhà, là bà con thân thích với chủ tịch xã, trưởng thôn…Điển hình là các xã Cảnh Hoá, Quảng Minh.

 

Không riêng gì ở Quảng Bình, các tỉnh như Quảng Nam, Thanh Hoá, Hà Tĩnh…hiện tượng xà xẻo tiền cứu trợ , sử dụng sai mục đích những nguồn kinh phí này diễn ra khá phổ biến, ngày càng lan rộng và tính chất càng nghiêm trọng hơn. Điều đó đã đi ngược lại với ý nghĩa của việc làm này. Bởi trong lúc kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, việc xuất 2500 tỷ đồng giúp người nghèo đón tết là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ. Hơn nữa, họ- những quan tham ấy- đã làm mất niềm tin của người dân, của những nhà hảo tâm, mỗi khi có cuộc vận động lớn do Nhà nước, UBMTTQ Việt Nam phát động. Đó là lý do tại sao mỗi khi có đợt quyên góp vì mục đích nhân đạo,đây đó lại có tiếng xì xào " không biết có đến tận tay người dân nghèo hay không?"

 

Vâng ! Một việc làm thiếu ý thức, nói đúng ra là lòng tham của một số người có trách nhiệm đã gây ra những hệ quả khôn lường. Và nếu không kịp thời ngăn chặn từ khi còn ở dạng manh nha, thì đến một lúc nào đó sẽ trở thành căn bệnh nan y. Lúc đó e rằng chữa trị sẽ khó khăn và không mấy hiệu quả.

 

Đinh Xuân Tiễn <xuantien65@gmail.com>
Khu phố 3, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình


LTS Dân trí - Mọi sự tham nhũng đều đáng lên án và bài trừ tận gốc. Càng cần lên án mạnh mẽ và xử lý thật nghiêm minh đối những kẻ tham nhũng, ăn chặn phần cứu trợ đối với người nghèo trong dịp Tết vừa qua hoặc đối với đồng bào gặp hoạn nạn do bão lũ tàn phá.

Hiện tượng tham nhũng vô lương tâm ấy xảy ra ở địa phương nào thì Đảng bộ và chính quyền ở địa phương ấy phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo và quản lý của mình.

Xây dựng Đảng bộ cũng như chính quyền ở cơ sở vững mạnh, thật sự là của dân, do dân và vì dân thì sẽ bài trừ được tận gốc những hiện tượng tham nhũng rất đáng lên án nói trên.