Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự!

(Dân trí) - Ngăn cản con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt cải tạo, thậm chí phạt tù nếu cố tình ngăn cản với các biện pháp uy hiếp, hành hạ...

Với sự tiến bộ của xã hội mà những định kiến khắt khe về hôn nhân đa số đã được xóa bỏ. Thế nhưng đâu đó vẫn còn nhiều gia đình mang tư tưởng cổ hủ và cấm đoán việc kết hôn của con cái vì nhiều lý do.

Việc ngăn cản con cái kết hôn có bị xem là vi phạm pháp luật không? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Cha mẹ ngăn cấm con kết hôn, liệu có vi phạm pháp luật?

1- Thưa luật sư, thế nào là hôn nhân hợp pháp và có những trường hợp nào không được kết hôn theo quy định của pháp luật?

Hôn nhân hợp pháp là hôn nhân đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:

- Ý chí: việc kết hôn hoàn toàn dựa vào việc nam nữ tự nguyện quyết định.

- Không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn được pháp luật quy định.

- Đối tượng kết hôn phải đủ điều kiện về độ tuổi: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Phải đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền. Nếu không đăng ký thì việc kết hôn sẽ không có giá trị pháp lý.

- Nếu vợ chồng đã ly hôn thì bắt buộc phải đăng ký kết hôn lại mới được coi là hôn nhân hợp pháp.

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 1

Những trường hợp cấm không được kết hôn:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, những trường hợp sau không được kết hôn: 

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

2- Nếu 2 người yêu nhau không vì phạm các trường hợp cấm nhưng vẫn bị cha mẹ ngăn cấm vì nhiều lý do như không môn đăng hộ đối thì hành vi cấm đoán của cha mẹ có bị xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì khung hình phạt cụ thể cho hành vi này là như thế nào?

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 2

Việc cha mẹ cản trở, cấm đoán hôn nhân của con cái trong trường hợp đã đủ điều kiện để kết hôn là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các hành vi tác động đến việc tự nguyện kết hôn như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, ... đều bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa: Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn. Như vậy, trong trường hợp cha mẹ thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị xem là cản trở kết hôn và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, cha mẹ có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 3

Ngoài ra, tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định xử phạt hình sự đối với hành vi này như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Như vậy, trong trường hợp cha mẹ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở kết hôn mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 4

3- Trường hợp bị cha mẹ cấm không được kết hôn với nhau nhưng con cái vẫn yêu thương và tha thiết muốn bên nhau thì có được quyền tự đăng ký kết hôn không thưa luật sư?

Theo khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn.

Đồng thời, theo nguyên tắc của luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc kết hôn dựa trên sự tự nguyện của con cái. Vì vậy, việc cha mẹ không đồng ý không phải là yếu tố quyết định việc có được đăng ký kết hôn của con cái hay không. Con cái có quyền tự đăng ký kết hôn nếu đủ điều kiện kết hôn và không thuộc trường hợp cấm theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. 

4- Ở góc độ cá nhân, luật sư nghĩ thế nào về việc cấm đoán hôn nhân của con cái?

Về nguyên tắc, việc đăng ký kết hôn không cần sự đồng ý của cha mẹ. Tuy nhiên, theo tập quán và văn hóa Việt Nam, việc kết hôn nếu có được sự đồng ý của cha mẹ và gia đình hai bên thì sẽ hạnh phúc, trọn vẹn và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cuộc sống hôn nhân sau này.

Vì vậy, theo quan điểm cá nhân thì việc kết hôn nên là sự tự nguyện của con cái và nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ, gia đình.

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 5

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên báo Dân Trí

Hiện nay, đời sống của người dân bắt đầu có những sự giao thoa nhất định với nhiều nguồn tư tưởng, văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, một số quan niệm mang tính chất phong kiến vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân như: kết hôn phải môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, ... Những tư tưởng này dường như không còn phù hợp với thời đại.

Việc được tiếp cận với nhiều nguồn tư tưởng, văn hóa mới khiến cho thế hệ trẻ có những cách sống hoàn toàn khác với thế hệ đi trước là cha mẹ của mình. Sự khác biệt về suy nghĩ, tư duy hay cách sống giữa hai thế hệ ngày càng lớn theo thời gian.

Vì vậy, cha mẹ sẽ rất khó nắm bắt được tâm lý của con cái cũng như không thể hiểu được con cái cần gì. Để có thể tìm được điểm chung giữa hai hệ tư tưởng, các bậc cha mẹ nên mở lòng để lắng nghe con cái của của mình nhiều hơn. 

Ngăn cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự! - 6

Nên thay vì ép buộc con trẻ phải làm theo ý của mình thì hãy nói lên suy nghĩ của mình để con cái có thể thấy được cách nhìn nhận, tư duy của thế hệ trước về vấn đề hôn nhân.

Qua đó, con cái sẽ có thêm những kiến thức, cơ sở hay có thêm một hệ quy chiếu để áp dụng vào chính vấn đề hôn nhân của mình. Rồi từ đó, con cái sẽ có những quyết định riêng phù hợp với bản thân và sẽ chịu trách nhiệm với những quyết định đó.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm