Cấm con cái kết hôn, cha mẹ coi chừng vi phạm pháp luật!

(Dân trí) - Theo quy định của pháp luật, cha mẹ không có quyền ngăn cản, cấm đoán con cái kết hôn, tuy nhiên theo truyền thống thuần phong mỹ tục Việt Nam thì việc có sự đồng ý của gia đình cũng hết sức quan trọng. Vì vậy, để cuộc hôn nhân được trọn vẹn nhất thì hai bạn nên tìm ra lý do và thuyết phục bố mẹ bạn gái.

Ra mắt người yêu dịp Tết và xin cưới mà không được bố mẹ bạn gái cho phép. Việc đó có vi phạm pháp luật?

Tết đến xuân về là dịp sum họp đông đủ các thành viên trong gia đình. Nhiều bạn trẻ thường nhân dịp này đưa người yêu về ra mắt và xin phép tiến đến hôn nhân.

Và câu chuyện nhiều cặp đôi không được cha mẹ chấp nhận đã và đang xảy ra phổ biến trong xã hội hiện đại. Vậy, việc xin cưới mà không được bố mẹ cho phép có vi phạm pháp luật không? 

Đó cũng chính là nội dung câu hỏi mà bạn đọc gửi đến chuyên mục Tư vấn pháp luật để được nhờ hỗ trợ giải đáp.

Trước câu hỏi này, căn cứ vào quy định của pháp luật, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:

Trước hết, ta cần hiểu Quy định của pháp luật về Hôn nhân hợp pháp:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền nhân thân trong Hôn nhân và gia đình thì cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn…

Và để quan hệ hôn nhân được hợp pháp, được pháp luật công nhận thì nam, nữ phải đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

1. a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

2. b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

3. c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

4. d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Như vậy, về nguyên tắc, mỗi cá nhân nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì có quyền tự mình đăng ký, quyết định mà không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của gia đình.

Vậy cha mẹ cấm con cái kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định việc bố mẹ bạn gái phản đối không cho phép 2 bạn kết hôn là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Nếu hành vi nêu trên của cha mẹ đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Quy định của pháp luật là vậy, tuy nhiên, dù việc cấm đoán không ảnh hưởng nhưng theo truyền thống thuần phong mỹ tục Việt Nam thì việc có sự đồng ý của gia đình cũng hết sức quan trọng.

Vì vậy, để cuộc hôn nhân được trọn vẹn nhất thì hai bạn nên tìm ra lý do và thuyết phục bố mẹ bạn gái.

Xin cảm ơn Luật sư!

Khả Vân (thực hiện)