Nam Định:

"Nếu có dấu hiệu tội phạm, cần khởi tố điều tra vụ quỵt nợ tiền tỷ chấn động phố huyện"

(Dân trí) - "Nghi án quỵt nợ nhiều tỷ đồng giữa vợ chồng chủ một doanh nghiệp với người dân trên địa bàn huyện Xuân Trường (Nam Định) đã được chính lãnh đạo Công an huyện này nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy cơ quan công an cần khởi tố điều tra để xác định rõ việc có hay không tội phạm", luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Liên quan đến đơn kêu cứu của ông Bùi Viết Kham và bà Hoàng Thị Mơ (thường trú tại Tổ 17, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tố cáo bị gia đình ông Trần Thế Việt và bà Trần Thị Hồng (xóm 12, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), chủ doanh nghiệp tại địa phương lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hàng tỷ đồng, Thượng tá Nguyễn Đình Kiệm - Phó Trưởng công an huyện Xuân Trường Quan cho biết quan điểm cá nhân nhận định thấy rõ dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ việc.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh:
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh: ""Nếu có dấu hiệu tội phạm, cần khởi tố điều tra vụ quỵt nợ tiền tỷ chấn động phố huyện".

Để nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, PV Dân trí đã có trao đổi với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Diện cho rằng:  "Hành vi quỵt nợ nhiều tỷ đồng của ông bà Hồng Việt đối với gia đình ông Bùi Viết Kham tại Tổ 17, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của công dân, để bảo đảm pháp luật được thực thi cần phải được Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu vụ việc, thông tin từ các cơ quan truyền thông tôi cho rằng vụ việc đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự.

Xét tính chất nguy hiểm của hành vi “quỵt nợ” nhằm chiếm đoạt được tài sản của bị hại như thông tin đã đưa, trước hết đối tượng đã thể hiện sự gian dối bằng hình thức sử dụng thông tin, hình ảnh là một doanh nhân giầu có đang làm ăn rất phát đạt, làm chủ doanh nghiệp lớn có nhiều nhà máy và tài sản hàng chục tỷ đồng nhằm tạo niềm tin để bị hại không nghi ngờ mà giao tài sản".

Giấy tờ vay nợ trong nghi án lừa đảo.
Giấy tờ vay nợ trong nghi án lừa đảo.

Theo luật sư Diện, phía vay nợ đã đưa ra thông tin về việc sở hữu Nhà máy đóng giày da xuất khẩu tại huyện Xuân Trường, nhà máy sản xuất gỗ tại Km8 Đường Vụ Bản, Thành phố Nam Định. Sau đó, cố tình lợi dụng sự quen biết thân tình đối với bị hại, khi đã có được niềm tin, họ mới đặt vấn đề vay ông Kham với tổng số tiền lên đến hơn 7 tỷ đồng trong một khoảng thời gian ngắn. Vấn đề ở đây là việc sử dụng tiền vay với mục đích mua máy đóng giày cho nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu đồng thời với những hứa hẹn và cam kết trong thời hạn hai tháng sẽ thế chấp Nhà máy với Ngân hàng để trả lại tiền vay cho bị hại nhưng đến hạn phải thanh toán nợ thì Ông bà Hồng Việt đã tìm cách vòng vo, trì hoãn, lảng tránh thậm chí tỏ rõ thái độ trây ì, thiếu hợp tác khi chủ nợ yêu cầu.

"Những hành vi trên cho thấy phía vay nợ đang cố tình trốn tránh, trây ì không chịu trả các khoản nợ như đã cam kết với ông Kham và thường xuyên gian dối, tìm đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Sự việc đã rõ ràng, ngay phó trưởng công an huyện Xuân Trường cũng đã nhận định thấy rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên còn đợi họp liên ngành để kết luận, trên cơ sở quy định của pháp luật, xét về động cơ, mục đích và hành vi của phía vay nợ, tôi cho rằng vụ việc đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên trong trường hợp này thiết nghĩ không cần thiết phải họp liên ngành, bởi theo thẩm quyền, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định hoàn toàn có thể ra quyết định và đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn để tiến hành điều tra, truy tố trước pháp luật", luật sư Diện nói.

Thượng tá Nguy
Thượng tá Nguyễn Đình Kiệm - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuân Trường khẳng định có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ việc. (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Trước đó, như Dân trí thông tin, theo đơn tố cáo của ông Bùi Viết Kham thì tổng số tiền gia đình ông Trần Thế Việt bà Trần Thị Hồng đã “lừa đảo chiếm đoạt” của gia đình ông đã lên đến trên 7 tỷ đồng . Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Việt, bà Hồng vẫn nhất quyết không trả nợ. “Sau nhiều lần đi đòi nợ bất thành, gia đình tôi đã gửi đơn tố cáo tới Công an huyện Xuân Trường nhờ can thiệp nhưng đến nay, vẫn phía công an vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vụ việc", ông Kham cho biết.

Thượng tá Nguyễn Đình Kiệm - Phó Trưởng công an huyện Xuân Trường cho biết: Công an huyện Xuân Trường đã nhận được đơn của ông Bùi Viết Kham và hiện nay Cơ quan công an huyện cũng đang tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ sự việc.

Thượng tá Kiệm cho biết đây là vụ án phức tạp, có liên quan tới việc tố cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn trên 7 tỷ đồng trong khi người bị tố cáo lừa đảo là vợ chồng ông Việt bà Hồng không có thái độ hợp tác với cơ quan công an. Để làm rõ sự việc, Công an huyện Xuân Trường đang triển khai họp liên ngành thống nhất về vụ việc, nếu các ngành đồng thuận về xác định tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuân Trường sẽ chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Nam Định thụ lý.

Liên quan đến sự việc, Thanh tra Bộ Công an đã có công văn do Đại tá Phạm Lê Xuất - Phó Chánh thanh tra ký chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Viết Kham đến Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Trường xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Điều 139 BLHS 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đếnhai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế