Nên thông cảm và sẻ chia với CSGT
Đọc những bài viết về hành động cư xử của cảnh sát giao thông, tôi không khỏi chạnh lòng về thái độ giao tiếp của họ. Song nếu chỉ nhìn như thế thì hình như chưa công bằng đối với một đội ngũ có vai trò quan trọng trong cuộc sống bình yên hàng ngày.
Là một công dân bình thường như bao người khác, tôi vẫn đang hoà mình vào dòng người hối hả trên đường, tham gia vào giao thông đường phố và chứng kiến cảnh công an dẹp đường, và nhiều lúc tôi tự hỏi mình: nếu là công an, mình có đủ kiên trì và có bực mình không nhỉ?
Trời nắng chang chang, nhiệt độ 36 - 37oC, ngồi quạt máy trong phòng còn cảm thấy oi bức, thế mà họ đứng giữa lòng đường điều khiển từng dòng người qua lại, đột nhiên một người vượt lên, rồi một số người khác vượt theo, tạo thành một đoàn người cố tình vượt... gây tắc đường, lập tức công an đang điều chỉnh phía bên này lại vội vàng chạy sang. Cứ như thế, như thế, thử hỏi có người nào vui vẻ, nhẹ nhàng được không?
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Rồi những người bán hàng rong cũng vậy. Tiện đâu, dừng lại đấy. Con đường đã nhỏ nay thêm người mua hàng nữa nó chẳng thể nào "cựa mình" để tạo thêm một lối đi nhỏ ở giữa và tắc đường. Không có công an, người nọ nói người kia, người này mắng người khác, kẻ thì nhảy vào gây chuyện đánh nhau. Giao thông tê liệt. Công an lại phải đến can thiệp, điều tiết giao thông.
Vậy nếu những người tham gia giao thông và những người bán hàng rong kia có một chút ý thức thôi, chỉ cần một chút thôi thì làm sao các đồng chí công an kia lại cáu gắt, lại bực dọc như vậy, tạo nên một thói quen với hình ảnh không đẹp trong lòng người dân.
Nếu mỗi chúng ta thử đặt mình vào địa vị của người chiến sỹ công an sẽ phần nào thông cảm với những việc họ đang làm. Mặt khác, các đồng chí công an cũng nên tự xem xét bản thân để rút kinh nghiệm, khắc phục những khuyết điểm, tạo nên hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an vốn được dân tin, dân mến.
Do Nu Thuy
(donothuy@yahoo.com)
LTS Dân trí - Người xưa thường nói “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, ai cũng có cách ứng xử như vậy, chắc chúng ta không trút mọi nỗi bực dọc gặp phải trên đường cho lực lượng cảnh sát giao thông hoặc một đối tượng nào khác, còn mình thì hầu như vô can trong mọi chuyện! Đấy là cách nhìn nhận thiếu khách quan mà tác giả bài viết trên đây muốn tự nhắc nhở mình cùng mọi người: Hãy thông cảm hoàn cảnh làm việc của những người làm nhiệm vụ cảnh sát giao thông. Một mặt nên chân thành đóng góp ý kiến với họ về những thái độ không đúng, không nên. Nhưng mặt khác, phải thấy nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông là nhiệm vụ của mọi người tham gia giao thông.
Nếu ai cũng chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, chắc chắn sẽ giúp cho người làm nhiệm vụ cảnh sát trên đường giảm bớt mệt nhọc và sức ép tâm lý dễ nảy sinh ra cách ứng xử thô bạo, thiếu văn minh.
Hãy thông cảm và cùng chia sẻ trách nhiệm giữ gìn và bảo đảm trật tự giao thông mỗi khi đi trên đường. Phải chăng đấy là thái độ ứng xử văn minh?!