Nên thăm dò ý kiến của chính học sinh
Em đang là một sinh viên và cũng trải qua kì thi tốt nghiệp chưa lâu, vì thế em là người cũng biết khá rõ việc thi tốt nghiệp ở các tỉnh diễn ra thế nào, có thật đáng tin cậy để làm căn cứ tuyển vào đại học hay không.
Ngay như kì thi tốt nghiệp vừa rồi, em có hỏi mấy em đi thi về thì đều nhận được câu trả lời là..."quay được". Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu kì thi THPT quốc gia diễn ra thì liệu có nghiêm túc được hay không? Học sinh (HS) ở các trung tâm giáo dục thường xuyênmà cũng đỗ tốt nghiệp vào loại cao thì cũng cần phải xem lại. Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý cấp trên nên lắng nghe ý kiến của “người trong cuộc” (các thày cô giáo - những người trực tiếp giảng dạy các em HS, các bậc phụ huynh). Hãy để cho họ tự quyết định đến vấn đề có ảnh hưởng lớn đến chính tương lai của con em họ, và đặc biệt là nên lắng nghe và thăm dò ý kiến của chính các em HS.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Còn việc tổ chức thi trắc nghiệm, liệu có nên áp dụng cho quá nhiều môn như vậy? Nó sẽ làm mất khả năng tư duy sáng tạo độc đáo cũng như năng lực diễn tả và biện luận của học sinh, đấy là nhược điểm đáng chú ý của phương pháp thi này so với thi tự luận. Tại sao chúng ta không phối hợp hai cách thi vói tỷ lệ 50-50 (một nửa trắc nghiệm, một nửa tự luận như một số trường đại học vẫn làm).
Trên đây là ý kiến đóng góp mạo muội và chân thành của chúng em, những người vừa trải qua chưa lâu các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, có điều kiện sát với tình hình thi cử hiện nay của nước ta.
Haminhngoc_nd@yahoo.com
LTS Dân trí - Có lẽ những người soạn thảo ra đề án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một chưa bao giờ nghĩ đến việc hỏi ý kiến của các học sinh, sinh viên về công việc hệ trọng này. Diễn đàn Dân trí cũng không trông đợi đối tượng tham gia thảo luận về vấn đề quan trọng này là những học sinh, sinh viên.
Nhưng qua bài viết trên đây thì thấy suy nghĩ như vậy là không đúng, bởi chính các em mới đích thực là “người trong cuộc”, trực tiếp thực hiện đề án cải cách thi cử và cũng là người gánh chịu hậu quả nếu cải cách đó là sai lầm. Cũng vì vậy, chính các em là những người quan tâm nhiều nhất và có tiếng nói cần được lắng nghe trong việc trả lời câu hỏi: có nên tổ chức ngay kỳ thi “2 trong 1” vào năm học 2009 hay chưa?
Đây chính là “kênh thông tin” cần được quan tâm khai thác tốt hơn bằng hình thức thăm dò ý kiến trước mỗi chủ trương cải cách giáo dục, trước mắt là cải cách thi cử, để đáp ứng đúng yêu cầu của đối tượng cần phục vụ được khẳng định là “nhân vật trung tâm” của quá trình giáo dục và đào tạo.