Nên tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

PV

(Dân trí) - Có thể nói, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trong những vấn đề vướng mắc, khó khăn lớn nhất trong triển khai các công trình, dự án, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ.

Nhiều dự án bị ách tắc, trì trệ nguyên nhân chủ yếu do vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được gộp chung và là một hợp phần của các công trình, dự án. Điều này đang gây khó khăn, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án do chưa làm xong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng!

Thông thường khi triển khai thực hiện các dự án hạ tầng về giao thông thì chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải phối hợp với chính quyền địa phương sở tại để thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do nhiệm vụ này khá phức tạp, cần nhiều thời gian để triển khai nên nếu gộp chung vào dự án, công trình thì việc triển khai rất khó khăn, kéo dài và hiệu quả không cao.

Nên tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập - 1

Dự án đường ven biển ở Bình Định chậm tiến độ do vướng đền bù giải tỏa (Ảnh minh họa: Doãn Công).

Mặt khác, việc phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công với chính quyền địa phương nhiều khi không nhịp nhàng, kém hiệu quả do thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhau, chủ yếu là trên tinh thần tự giác, phối hợp. Do đó, nơi nào có tính tự giác cao, phối hợp tốt thì dự án triển khai nhanh đảm bảo tiến độ, ngược lại thì đình trệ, kéo dài.

Đặc biệt khi có vướng mắc, khó khăn thường rất khó giải quyết hiệu quả, tháo gỡ nhanh mà thường đổ lỗi cho nhau, nhất là khi dự án không đúng tiến độ. Tình trạng này thường xảy ra ở các công trình, dự án do trung ương làm chủ đầu tư và triển khai ở các địa phương.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu nên tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng và giai đoạn đầu tư, thi công thành một dự án riêng thì việc triển khai các công trình, dự án sẽ nhanh chóng hơn.

Theo đó, các địa phương sẽ chủ động hơn và chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, có thể buộc phải giải phóng xong mặt bằng mới được cấp kinh phí thi công. Riêng đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công chỉ chú tâm vào việc triển khai đầu tư, thi công mà không phải lo, phải kiêm thêm công tác giải phóng mặt bằng vốn không phải là nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên của họ.

Đồng thời, nâng cao được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai các công trình, dự án việc đánh giá, quy trách nhiệm đối với từng đơn vị sẽ sát đúng, cụ thể hơn.

Ngoài ra, điều này còn góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân địa phương nơi triển khai các dự án, công trình. Bởi vì, thường thì nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công khi thi công xong các công trình, dự án họ sẽ chuyển đi và giao lại những vấn đề liên quan như bố trí đất đai để canh tác, sản xuất, sinh kế cho người dân... cho chính quyền địa phương giải quyết.

Trong khi nguồn lực địa phương có hạn và việc triển khai các dự án, công trình đã kết thúc, đã thực hiện việc quyết toán thì sẽ rất khó khăn cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến công trình, dự án. Ngược lại nếu tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng thì địa phương sẽ có cơ sở để tiếp tục giải quyết nếu còn những vấn đề tồn đọng liên quan.

Luật gia Phạm Văn Chung