Nên phạt cả ôtô, xe máy sử dụng còi quá âm lượng

(Dân trí) - Quyết định phạt nặng ôtô sử dụng còi quá âm lượng vừa được công bố đã nhận được nhiều ủng hộ từ phía người dân. Thậm chí nhiều người còn đề xuất nên áp dụng với xe máy và cả phương tiện giao thông công cộng là xe bus.

Văn hóa... bấm còi xe
 
Văn hóa giao thông mà trong đó có văn hóa sử dụng còi xe đã rất phổ biến tại các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…

 

Đã có dịp công tác và thăm quan một số nước châu Á, điều tôi ấn tượng ở những nước mà tôi đặt chân đến là trật tự giao thông của họ rất quy củ và đặc biệt là nghiêm túc. Phải nói rằng, Thái Lan, Trung Quốc rất đông dân và lối sống, văn hóa sống của họ cũng tương tự như Việt Nam.

Nên phạt cả ôtô, xe máy sử dụng còi quá âm lượng - 1

Hãy tự ý thức trước khi sử dụng còi xe (Ảnh internet)

 

Cũng xe máy, ôtô, xe lam (hay còn gọi là xe túc túc)…cũng phóng nhanh đến nghẹt thở khi vào những đoạn đường được đi tự do, nhưng khi tham gia giao thông trong thành phố xe nào xe nấy đi đúng hàng lối, không chen lấn…

 

Trên đường từ sân bay Bangkok vào trung tâm thành phố, chúng tôi được hướng dẫn viên giới thiệu về “đất nước Chùa Vàng”. Đang thả hồn vào giọng nói ngọt ngào của chàng hướng dẫn viên người Sài Gòn, tôi giật mình vì xe phanh gấp. Đưa mắt hướng lên phía đầu xe, tôi thấy một chiếc xe ôtô đằng trước gặp sự cố, xe tôi buộc phải dừng lại.

 

Xe dừng được khoảng 5 phút, những người trong đoàn bắt đầu xì xầm: “Sao không bấm còi đi”, “bấm còi đi chứ”. Lúc đó hướng dẫn viên mới giải thích: "Ở Thái Lan bấm còi là điều tối kỵ, vì với họ bấm còi như một câu chửi thề, như một lời thách đố. Người Thái chỉ bấm còi trong những trường hợp cực kỳ khẩn cấp, và chỉ bấm một lần".

 

Dù người hướng dẫn viên đã nói vậy nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi, vì không thể một đất nước đông đúc như vậy lại có ý thức như thế được. Rồi bắt đầu tôi để ý trong những ngày lưu lại Thái Lan. Nhưng đúng như những gì đã nghe kể. Tôi không nghe thấy một tiếng còi nào trong hơn một tuần ở Thái, dù có những tình huống nếu là tôi cầm lái chắc cũng phải bấm rồi (dù tôi là người rất ghét bấm còi xe khi ở Việt Nam).

 

Mà không chỉ Thái Lan, Trung Quốc cũng vậy họ cũng không sử dụng còi một cách bừa bãi hay tự động chế thêm một cái còi to hơn để bấm sướng tay như ta.

 
 Ô nhiễm tiếng ồn
 

Còn nhớ đã có không ít vụ tai nạn thương tâm chỉ vì người tham gia giao thông bị giật mình vì tiếng còi xe quá lớn.

 

Vì thế, ngay khi có quy định về xử phạt những xe sử dụng còi quá âm lượng, lập tức đã nhận được ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân. Thậm chí có người còn cho rằng nên tịch thu còi xe vi phạm và cũng thực hiện quy định này với xe gắn máy.

 

“Rất đúng! Phải xử lý thật nghiêm các trường hợp sử dụng còi có âm lượng quá quy định! Hiện nay, rất nhiều phương tiện giao thông sử dụng còi có âm lượng quá to, đặc biệt là các loại xe tải gây ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông và gây ô nhiễm về tiếng ồn đối với môi trường sống gần đường giao thông” -  PhucKK: maihuyphuc@gmail.com  

 

Rất ủng hộ quy định này ! Tất cả các loại xe mà lắp còi âm lượng quá to, còi hơi, đề nghị phạt thật nặng” – force: sensor772006@gmail.com  

 

Đúng quá. Thực hiện được điều này thì thật là tốt. Vì khi đi ngoài đường tôi rất hay bị những tiếng còi của xe tải lớn làm giật mình, có hôm còn tí nữa là ngã vì giật mình. Đã có những tai nạn vì tiếng còi quá to làm người đi đường giật mình” - Tồ Còi:

 
Nên phạt cả ôtô, xe máy sử dụng còi quá âm lượng - 2
 
Xe bus cũng bị người dân "tố" thường sử dụng còi quá âm lượng. (Ảnh: blog.yume.vn)  

 

Ở Hà Nội tôi gặp rất nhiều tình trạng: xe tải, xe khách vào thành phố nhất là buổi tối, bấm còi với âm lượng lớn và liên tục, gây cho người đi đường cảm giác sợ hãi và bắt buộc phải chuyển hướng làn đường vào bên phải. Hôm qua, tôi đang đi tại khu vực cầu vượt Mỹ Đình, có một xe bus biển 33 từ Kim Mã về Mỹ Đình và đi Sơn Tây, đã sử dụng còi với âm lượng rất lớn và liên tục. Việc xử phạt theo tôi là rất đúng và cần thực hiện nghiêm” - Vũ Đại: huyvidic@yahoo.com  

 

Tôi nghĩ rằng việc sử dụng còi, không chỉ với ôtô mà cả xe máy, mô tô cũng cần phải đúng luật. Hiện tại, đi trên đường Hà Nội rất ồn ào vì tiếng còi ô tô xe máy quá to, kéo dài và rất hỗn loạn. Tiếng còi xe không đúng quy định (xe ô tô thường nhưng dùng còi của xe cứu thương, chữa cháy, còi hơi, bóp liên tục... Xe máy dùng còi như ô tô. Ban đêm cũng dùng còi rất to). CẤM LÀ ĐÚNG nhưng cần KIỂM TRA và PHẠT THƯỜNG XUYÊN” - Trần Quốc Ân: tranquoc.an@yahoo.com.vn  

 

Tôi tán thành việc phạt này, nhưng nên áp dụng đối với tất cả các loại xe kể cả xe bus và xe chở rác... Tôi thường xuyên lưu thông trên đường quốc lộ 3 trục đường Đông Anh. Tại đây các xe chuyên chở thường xuyên vi phạm giao thông, còi to khiến người đi đường giật mình hoảng sợ mà đường quốc lộ thì bé tý.

 

Ngay khu vực cầu Lộc Hà có biển đề: "Cầu yếu, yêu cầu lái xe chú ý, không cho xe vượt quá trọng tải lưu thông...". Nhưng mà như chỉ để trang trí thôi, chứ làm gì còn đường khác mà đi. Các xe kéo container, xe tải qua đấy là bình thường. Cũng cần phải xem lại các biển cảnh báo đã đặt đúng chỗ chưa? Và nếu cần thiết thì phải có biện pháp thật sự khi biển được dựng lên, nhằm tạo an toàn cho lái xe và người dân. Đừng để cbiển báo chỉ là cái biển báo, rồi khi hậu họa xảy ra... thì lại rằng là "chúng tôi đã đề biển cảnh báo người dân (?!)" -  ha nhung: hanhung87tq@yahoo.com  

 

Tôi là môt sinh viên, thường ngày đi lại bằng xe máy. Tôi từng chứng kiến nhiều vụ  tai nạn thật khủng khiếp mà lý do là còi ô tô quá to, làm người tham gia giao thông giật mình... Từ lâu, nhiều người đã mua hoặc tự chế lại còi để kêu to hơn,  âm thanh nhức nhối hơn, buộc người khác phải tránh đường. Với mức phạt 2 - 3 triệu đồng thì tôi cảm thấy vẫn còn nhẹ” - Nguyễn hữu tiến: huutienhuong10@yahoo.com  

 

Theo tôi thì các cơ quan chức năng phạt là đúng, nhưng cần bổ sung thêm là tịch thu luôn còi” -  Duan: nguyen@nguyen.com.vn  

 

Tôi rất ủng hộ quyết định này. Nếu có thể mức phạt tăng lên cao hơn càng tốt. Tôi thấy có những người lái xe, với họ việc bấm còi là 1 thú vui. Có nhiều lần đi trên đường, những người lái xe bấm còi kêu 1 tràng dài làm người đi đường sợ dạt hết vào mép đường. Còn những người ngồi trên ôtô thì cười ha hả, thật lố bịch!”Rose:  

northern_star8x@yahoo.com  

 

Tôi rất đồng tình với với nghị định 33/2011 này của Chính phủ. Mặc dù qui định hơi muộn màng, nhưng nó sẽ từ từ giúp giảm bớt ô nhiễm tiếng ồn trong giao thông và hạn chế được những vụ tai nạn giao thông không đáng có. Nhưng theo tôi cần tăng mức phạt lên cao hơn và những cơ quan chức năng cần phải giám sát việc thực hiện đến cùng, để nghị định được thực thi một cách nghiêm túc. Đồng thời cần có thêm qui định về tiếng còi và tiếng nổ sau po của xe máy, vì tôi thấy có nhiều thanh niên bỏ bộ phận giảm thanh trong po xe máy và tổ chức đua xe, nẹt po, nghe thật hãi hùng” -Trần Thanh Việt: ctvnthiengan@gmail.com 
 
Nên phạt cả ôtô, xe máy sử dụng còi quá âm lượng - 3

"Còi khủng" thường được các xế xe ôtô lớn thích sử dụng. (Ảnh: blog.yume.vn)  

 :

Bên cạnh những ý kiến tán thành, cũng còn có không ít bạn đọc nghi ngờ về tính khả thi của quyết định này. Thậm chí họ còn dự đoán rằng việc phạt xe sử dụng còi quá âm lượng có lẽ cũng sẽ... đi vào quên lãng như việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng.

 

Tôi thấy đây là một nghị định rất hợp lòng dân. Nhưng tôi lo lắng rằng các lực lượng chức năng của chúng ta không biết có làm được theo đúng nghị định không?”  - phạm hạnh : hanhphmcongmanhslâ@yahoo.com.vn    

 

“Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến vấn đề giao thông thì điều quan trọng không phải là phạt bao nhiêu, mà là thi hành luật đó như thế nào. Bởi chắc chắn việc phạt xe sử dụng còi quá âm lươngj chỉ theo cảm tính. Mà đã là cảm tính thì phạt cũng được, không phạt cũng được, chẳng ai giám sát.

 

Việc xe  tải đi vào giờ cấm còn không phạt được nữa là, huống chi là lỗi còi kêu to. Tôi e rằng việc sử phạt còi quá âm lượng này sẽ giống như việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng "3 năm xử phạt được 10 trường hợp" - Đô Minh Phi: minhphi@gmail.com 

 

Thoạt đọc thì thấy ủng hộ liền, nhưng không biết áp dụng vào thực tế thì thế nào nhỉ ? Bấm còi to ư ? chứng cứ đâu ? Quá âm luợng ư ? quá là bao nhiêu ? Nhiều nhiều những câu hỏi đại loại như vậy. Cứ ban hành mà biết chắc chẳng phạt được là bao, chắc lại giống như cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng qua 2 năm chỉ phạt được khoảng 10 người, mà phần lớn là ở Lào Cai thì phải” - nghi_ngo: dhthanghpwsc@yahoo.com 

 

Quy định thì đúng đấy, nhưng mà ngặt nỗi làm sao phân biệt được là còi xe có quá âm lượng không. Phải có chuẩn chứ nhỉ, không lẽ cứ nói khơi khơi là to thì phạt. Cái này cần phải rõ ràng 1 chút, không thì mấy chú CSGT lại được thể làm khó cánh tài xế” - Giang trần:  tran_g@yahoo.com  

 

“Quan trọng là thực thi luật thôi! Thực thi thế nào thì biết là vượt quá âm lượng, có phạt được ngay tại trận hay không hay lại phải tốn tiền của giám định xem thế nào là quá quy định!” - Đức Kiên: kien21112009@gmail.com  

 

Lấy gì để đo mức âm lượng của còi và lấy ai để phạt? Trên khắp các nẻo đường không phải chỗ nào cũng có CSGT túc trực để xử lý. Cánh tài xế thấy bóng CSGT là đi rất nghiêm chỉnh và chậm rãi. Nhưng chỗ không có CSGT đứng thì chạy như hung thần, bấm còi inh ỏi với mức cường độ quá ngưỡng nghe. Vừa chạy tốc độ cao vừa bấm còi liên tục. Tôi chứng kiến nhiều bác tài còn bấm còi thành nhịp theo một giai điệu riêng. Vậy đâu là một chuẩn mực để thực hiện và thực hiện việc theo dõi dùng còi to như thế nào?” -nguyen thanh nam: vuabietyeu2000@yahoo.com  

 

Thực tế ở nước ta cho thấy: việc đưa ra luật đã khó, nhưng để thực hiện và thi hành đúng luật còn gian nan gấp bội phần. Nhưng để chung tay vì một đất nước không ô nhiễm tiếng ồn, một đất nước văn minh, mỗi người dân chúng ta hãy tự  nâng cao ý thức của mình.

 

Bách Linh