Nên mạnh dạn bỏ thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Nhiều báo đã nêu những ý kiến đánh giá trung thực, khách quan về kết quả thi tốt nghiệp THPT hai năm qua. Trên cơ sở đó mạnh dạn kiến nghị nên bỏ kỳ thi này vì không thực chất, chỉ gây tốn kém, lãng phí nhiều mặt. Phải chăng nên làm vậy?

Nên mạnh dạn bỏ thi tốt nghiệp THPT - 1
 
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp ở Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, Hải Phòng (ảnh: Nguyễn Hùng)
 
Đầu voi đuôi chuột

 

 Thực tế cho thấy, từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đưa ra cuộc vận động “hai không” trong ngành giáo dục thì kì thi tốt nghiệp THPT năm đó chỉ đạt tỷ lệ đỗ 66,7 % và đó là kết quả thực chất, phản ảnh đúng trình độ học sinh.

 

Nhưng đáng tiếc là sự nghiêm túc đó chỉ thực hiện được hai năm đầu. Còn những năm tiếp theo thì cuộc vận động này ngày càng lu mờ, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ngày càng cao,  và bây giờ tỉ lệ tốt nghiệp lên cao chót vót (trên 95%).

 

Chắc chắn đó không phải vì thầy dạy tốt hơn, trò học giỏi hơn (“vì vẫn thầy đó, phương pháp đó, học sinh vẫn như thế” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng), mà cuộc vận động “hai không” hầu như đã rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”! .

 

Quả thật cuộc vận động này gặp khó khăn không chỉ vì Bộ GD-ĐT thiếu quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc vận động “Hai không”,  mà còn do các địa phương chưa từ bỏ được căn bệnh sinh thành tích  trong giáo dục, không muốn thua kém các địa phương khác về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT.
 
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email:
thaolam@dantri.com.vn

Hơn nữa phụ huynh học sinh nào mà chẳng có nguyện vọng thiết tha cho con mình được tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách. Phải chăng những điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ làm cho Bộ GD-ĐT phải “nới tay” hơn trong cuộc vận động “Hai không”?

Nếu đúng như vậy thì tại sao chúng ta không bỏ kỳ thi tốt nghiệp đi và thay bằng việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT giống như chúng ta đã làm với cấp THCS?

 

Công bằng mà nói, xét tốt nghiệp hay thi tốt nghiệp cũng như nhau thôi, tỉ lệ đỗ bao nhiêu là do chúng ta? (trước đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp TH chỉ 66,7 % và nay là trên 95%, chắc chắn không phải là học sinh học giỏi hơn…như đã nói ở trên).

 

Tôi còn nhớ những năm đầu khi xét tốt nghiệp THCS, tỉ lệ đỗ  tốt nghiệp chỉ được khống chế trong 85% đến năm sau là 90% …và bây giờ là 96% trở lên. Không biết sau này sẽ là bao nhiêu.
 
Nên mạnh dạn bỏ thi tốt nghiệp THPT - 2
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm việc tại Nghệ An chuẩn bị cho ngày thi tốt nghiệp 2011. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Tiêu cực được che chắn

 

Nếu nói không dám cho thực hiện chủ trương xét tốt nghiệp THPT vì sợ tình trạng tiêu cực sẽ xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương. Nhưng thực tế đã cho thấy, việc giao cho các Sở GD-ĐT quyền tổ chức và quản lý (kể cả lực lượng giám sát cắm chốt ở các Hội đồng thi) như kỳ thi tốt nghiệp THPT  hai năm vừa qua (2010 và 2011), thì  tình hình tiêu cực vẫn là phổ biến nhưng được che chắn một cách kín đáo (cả trong khâu coi thi, chấm thi và thanh tra), vì địa phương nào cũng muốn có tỷ lệ học sinh đỗ cao.

 

Vì vậy, việc tổ chức thi tốt nghiệp thật ra chỉ gây ra sự lãng phí và tốn kém không cần thiết và có thể thay thế bằng việc xét kết quả học tập 3 năm học ở bậc THPT để cho tốt nghiệp. Chỉ cần thông qua kỳ thi đại học và cao đẳng tổ chức thực sự nghiêm túc, là có thể đánh giá đúng trình độ học vấn và sở trường của mỗi học sinh. Từ đó phân loại cho học tiếp ngành nghề và bậc học thích hợp với năng lực và năng khiếu của các em.

 

Hơn nữa, để hạn chế tiêu cực trong việc xem xét cho tốt nghiệp là căn cứ vào kết quả học tập thường xuyên, chứ không phải chỉ qua một kỳ thi mà sợ may rủi. Tiêu cực chỉ có thể thông qua các bài kiểm tra ở lớp rồi thầy giáo nâng điểm. Nhưng thay vì kiểm tra ở lớp, chúng ta có thể tổ chức kiểm tra tập trung ở tất cả các môn và tất cả các bài kiểm tra (bài kiểm tra 1 tiết trở lên) và tổ chức coi thi, chấm thi như thi học kì.

 

Làm như thế thì có muốn tiêu cực cũng không phải dễ chút nào, mà chi phí chỉ bằng khoảng một phần triệu (1/1000.000) so với tổ chức một kì thi quốc gia quy mô, rườm rà mà vô cũng tốn kém như hiện nay mà kết quả thu được không đúng thực chất.

 

Nếu kéo dài tình trạng này thì dù chưa thi vẫn có thể đoán trước kết quả tốt nghiệp THPT năm học tới (2011-2012) chắc chắn không dưới 95 %! Vậy thì có nên tiếp tục cách thi cử hình thức đó không?

 

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu cách tổ chức xét tốt nghiệp THPT thay vì hình thức thi như hiện nay, để cắt giảm một khoản chi phí ngân sách khổng lồ cho Nhà nước và cũng đỡ gây tốn kém, vất vả cho nhân dân.

 

Tất nhiên để đưa ra quyết sách mới, chúng ta cần nghiên cứu bàn bạc kĩ lưỡng và lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà sư phạm. Đồng thời kêu gọi các thầy giáo, cô giáo, nhà quản lí và các tầng lớp nhân dân góp ý. Sau đó đưa ra các bước thực hiện phù hợp với quy trình chặt chẽ, để bảo đảm sự chính xác trong việc xét tốt nghiệp phổ thông.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, việc xét tốt nghiệp THPT cũng chỉ là sự công nhận cho các em đã học hết chương trình và đạt mức trung bình trở lên. Còn việc đánh giá chính xác trình độ học vấn và sở trường của các em để phân loại theo ngành học và bậc học tiếp theo là kỳ thi đại học và cao đẳng.

 

Nguyễn Văn Thọ

Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An.

 

LTS Dân trí- Bài viết trên đây của một giáo viên đương chức. Nhiều ý kiến bạn đọc khác cũng đồng tình với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thay bằng cách căn cứ vào kết quả ba năm học THPT để xét tốt nghiệp.

 

Làm như vậy vừa đỡ tốn kém, lại có thể đạt kết quả chính xác nếu không nói là hơn thì cũng không thể thua kém cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hai năm vừa qua.

 

 Đây là chủ đề đang được dư luận xã hội quan tâm và thật sự đáng bàn một cách nghiêm túc. Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc, nhất là của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh học sinh.