Nên chăng hạn chế tạm giữ phương tiện giao thông?

Việc tạm giữ phương tiện giao thông chỉ nên thực thi trong phạm vi hạn hẹp. Còn lại, trong một số trường hợp nhất định, có thể cho đặt tiền thế chân.

Việc hỏa hoạn tại bãi tạm giữ phương tiện giao thông đã không ít lần xảy ra. Mới nhất là vụ cháy bãi xe tang vật, xe vi phạm giao thông tại TP Thủ Đức do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM quản lý. Trước đó, ngày 22-5, cháy tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm thuộc Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Nên chăng hạn chế tạm giữ phương tiện giao thông? - 1

Hiện trường vụ cháy bãi giữ xe vi phạm ngoài trời của Công an phường Tân An (Ảnh cắt từ clip).

Qua những vụ việc này cho thấy việc tạm giữ phương tiện giao thông chỉ nên thực thi trong phạm vi hạn hẹp, như tang vật trộm cướp, xe không biển số - giấy tờ hợp lệ, không bảo đảm các yếu tố an toàn, xe quá khổ quá tải... nhưng bằng mọi cách nên giải tỏa sớm nhất có thể, nhằm giảm tối đa những thiệt hại không đáng có. Còn lại, trong một số trường hợp nhất định, có thể cho đặt tiền thế chân (nhiều nước đã thực hiện) nhằm giảm áp lực kho bãi và những thiệt hại phát sinh, cũng như tạo điều kiện cho phương tiện tiếp tục hoạt động nhằm đem lại lợi ích cho xã hội.

Ở thời buổi tấc đất tấc vàng, dành diện tích đất để giam giữ phương tiện cũng sẽ làm mất đi cơ hội sinh lợi khác. Chưa kể còn nhiều vấn đề liên quan khác như tiền thuê mặt bằng, công trông giữ, hỏa hoạn cháy nổ, hư hỏng, mất mát...

Trở lại vụ cháy bãi xe tang vật vừa qua, hàng ngàn phương tiện bị thiêu rụi là thiệt hại không nhỏ về vật chất nhưng cái lớn hơn là ô nhiễm môi trường và vấn đề quản lý tang vật. Trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ.

Mong là từ vụ cháy này, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh các vụ việc tương tự trong tương lai, trong đó có việc tìm giải pháp hợp lý để hạn chế tối đa việc tạm giữ phương tiện giao thông.

Theo nld.com.vn