Từ việc đấu giá xe máy vi phạm: Nên chăng bỏ hình thức tạm giữ xe?
(Dân trí) - Từ việc Công an huyện Hóc Môn, TPHCM tổ chức bán đấu giá gần 1.000 xe máy vi phạm, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng mức xử phạt, xử phạt tại chỗ và bỏ hình thức tạm giữ xe vi phạm.
Tính đến thời điểm tháng 6/2022, TPHCM thu giữ khoảng 90.000 xe máy, ôtô vi phạm, chứa tại các kho chứa tang vật. Tình trạng này cũng đang rất phổ biến tại các tỉnh thành phố lớn khác.
Số lượng lớn xe bị thu giữ nhưng chủ xe không đến nhận hoặc là các tang vật bị tịch thu đã làm phát sinh nhiều chi phí khác như chi phí thuê kho, phòng cháy chữa cháy, các chi phí khác để duy trì... Thời gian qua cũng đã xảy ra các vụ cháy nổ ở các bãi giữ xe tang vật.
Việc bắt giữ và xử lý xe vi phạm đã trở thành một bài toán khó mà hiện nay chưa có cách giải quyết tối ưu. Việc thu giữ xe theo đúng quy định sẽ góp phần đảm bảo an toàn, răn đe người tham gia giao thông nhưng lại phát sinh nhiều khó khăn trong việc quản lý, xử lý xe vi phạm sau này.
Xe thanh lý còn rẻ hơn cả... sắt vụn
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Khải Bảo (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa có thông báo đấu giá 2 lô xe bao gồm 954 xe mô tô gắn máy hai bánh. Đây là số phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ tại huyện Hóc Môn (TPHCM) nhưng không có người nhận và bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Giá khởi điểm hai lô xe trên là hơn 479 triệu đồng (trong đó lô 1 với 495 xe hai bánh có giá khởi điểm hơn 247 triệu đồng, lô 2 với 459 xe là hơn 231 triệu đồng). Như vậy, giá khởi điểm bình quân mỗi xe máy chỉ hơn 500.000 đồng.
Bình luận về vấn đề này, nhiều ý kiến độc giả Dân trí cho rằng đây là một sự lãng phí vô cùng lớn, bởi trong những bãi xe như thế này chỉ có xe máy "cà tàng", xe lôi, xe gắn máy, xe ba bánh là phương tiện mưu sinh của người nghèo bị thu giữ chứ hiếm hoi có chiếc xe ô tô nào trong bãi xe này, nhất là xe con. Cũng có ý kiến cho rằng cần có quy định thời hạn để giải quyết các vi phạm đó, hoặc thay đổi quy định chỉ xử phạt chứ không tạm giữ phương tiện để không tránh gây lãng phí tiền bạc của nhân dân.
Độc giả Hoàng Cương Vương viết: "Có lẽ nên thay đổi quy định về tạm giữ phương tiện vi phạm kiểu này để đỡ tốn chi phí, gây lãng phí ngân sách. Cứ quy định xe vi phạm sau 30 ngày mà các bên không đến giải quyết là cho tiêu hủy đối với xe không xác định được chính chủ hoặc xe lậu, xe chính chủ thì thông báo 30 ngày tiếp theo không đến nữa thì tổ chức thanh lý. Theo tôi có nhiều cách để xử lý mà, để bãi xe như thế này quá tốn kém".
Độc giả Khanghan lại cho rằng, người tham gia giao thông có lỗi chứ phương tiện không có lỗi. Vì vậy, "việc giam giữ phương tiện là không cần thiết, sẽ làm hư hỏng lãng phí vật chất, tốn kém khi phải trông coi, gây cháy nổ nguy hiểm đến an ninh trật tự...".
"Thu xe máy đang sử dụng được của người dân cũng không phải là giải pháp hay, vì đó là kế sinh nhai của họ và gia đình họ. Nên phạt hành chính thôi để họ không tái phạm nữa thì tốt hơn. Còn không thì công an phải đảm bảo rằng xe khi đưa về kho cất giữ và đến lúc người dân lấy ra chất lượng ngang nhau. Chứ không được để ngoài trời hư hỏng hết vậy, trông xót quá", độc giả Pham Ngoc Hieu.
Khó thanh lý vì thủ tục quá rườm rà, phức tạp
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Khánh Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ.
Thứ nhất, tiền phạt xử lý vi phạm hành chính lớn hơn giá trị của phương tiện bị vi phạm. Tạm giữ phương tiện, tịch thu phương tiện vi phạm là hình thức xử phạt bổ sung liên quan đến một số lỗi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Lực lượng cảnh sát giao thông thường lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đồng thời thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tạm giữ phương tiện, tịch thu phương tiện vi phạm. Một số trường hợp, như xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; có thể bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xe ô tô.
Có thể thấy, hầu hết những người không đến nộp phạt là do xe đã cũ, giá trị thấp, hoặc thấp hơn so với số tiền bị phạt. Do mức phạt cao như vậy cộng thêm chi phí trông giữ phương tiện, cho nên, nhiều người vi phạm chấp nhận bỏ xe và không đi đóng phạt. Đây là nguyên nhân dẫn đến quá tải tại các bãi tạm giữ xe.
Thứ hai, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính dài.
Luật sư Khánh Hiếu cho rằng, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không quá 07 ngày, căn cứ theo điểm b khoản 64 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian tạm giữ người vi phạm có thể không có xe, không thể sản xuất, lao động và phải sử dụng phương tiện khác thay thế. Điều này làm người có xe bị tạm giữ xuất hiện ý định bỏ xe lại và thay thế xe mới.
Thứ ba, thủ tục liên quan đến đấu giá, thanh lý phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính quá rườm rà, phức tạp.
Theo quy định tại Điều 106 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Đồng thời, việc bán tài sản tịch thu sẽ được thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản. Quy trình trước khi bán đấu giá tài sản (theo khoản 3 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC ) và quy trình đấu giá tài sản (Điều 55 đến Điều 63 Luật đấu giá tài sản 2016) có thời gian xử lý phương tiện bị tịch thu thì thời hạn có thể đấu giá, thanh lý phương tiện phải mất 18 tháng.
Không những vậy, phải đảm bảo các quy định về xác minh, giám định vô chủ và khi đấu giá phải có sự đồng thuận của Bộ Công an. Cho nên, các phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính không thể xử lý và bị tồn đọng tại kho mà không có phương hướng giải quyết theo đúng quy định.
Ngoài ra việc bán đấu giá cũng không có người mua, bán nhiều lần mà không được vì phương tiện đã xuống cấp hư hỏng, sau thời gian dài lưu kho không sử dụng, không bảo dưỡng.
Nên thay đổi hình thức xử phạt!
Một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng nên nghiên cứu thay đổi hình thức xử lý hành vi phạm như tăng mức xử phạt, xử phạt tại chỗ và bỏ hình thức tạm giữ xe vi phạm. Với xe quá cũ nát, nên tịch thu luôn không cho lưu hành để tránh gây ô nhiễm môi trường và vi phạm luật giao thông đường bộ.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Công ty Luật VietLawyer cho rằng, việc bỏ hình thức xử phạt bổ sung về việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông là khó khăn. Bởi ý nghĩa của hình thức xử phạt trên là tránh tình trạng người vi phạm tái phạm và có yếu tố răn đe đối với người vi phạm.
Thay vào đó, người có trách nhiệm xử lý vi phạm giao thông nên linh hoạt trong việc xử phạt tại chỗ người vi phạm, chỉ tạm giữ xe trong các trường hợp cần thiết như: vi phạm về nồng độ cồn, đua xe trái phép, không có giấy tờ xe, bằng lái xe… những trường hợp khác có thể tạm giữ giấy tờ xe, giấy phép lái xe thay cho việc tạm giữ phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, nên giảm thời hạn tạm giữ xe để người vi phạm có thể đến nhận xe và đóng tiền phạt nhanh chóng. Đồng thời, các cơ quan liên quan tới việc tạm giữ xe có trách nhiệm thông báo liên tục cho người bị vi phạm về việc nhận xe.
Bên cạnh đó, cần có những nơi tạm giữ phương tiện đảm bảo che mưa, che nắng tốt để phương tiện bị tạm giữ không bị hư hỏng.
Luật sư Thanh Phương cũng cho rằng, nên chăng Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản để khách hàng có nhu cầu mua tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuận tiện khi theo dõi thông tin và nộp hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định. Điều này có thể rút ngắn thời gian đấu giá, thanh lý phương tiện vi phạm
Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp lý liên quan đến rút gọn thủ tục đấu giá đối với tài sản là phương tiện vi phạm. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng giải quyết vấn đề tồn đọng mà còn tăng giá trị sử dụng của các phương tiện đang đấu giá, bởi vì phương tiện dễ bị hư hỏng theo thời gian nếu không được sử dụng.