Bạn đọc viết:
Nên chăng để ngành công an cấp giấy phép lái xe và thực hiện đăng kiểm?
(Dân trí) - "Tôi cho rằng cần sớm xem xét, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để giao lực lượng Công an sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm - cấp giấy phép lưu hành xe cơ giới đường bộ Dân sự".
Ngày 14/2/2023 vừa qua, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ thảm khốc tại địa phận tỉnh Quảng Nam, khiến nhiều người thương vong. Mới đây ngày 2/3, cơ quan Cảnh sát Điều tra CA TP Cần Thơ lại bắt giam Giám đốc của 3 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, vì phạm pháp luật đã ám ảnh tôi, một kỹ sư bình thường.
Từ những sự việc trên, tôi thực sự băn khoăn, tại sao ngành Giao thông vận tải (GTVT) lại phải sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Dân sự? Nếu không phải là ngành này bị "ép duyên, râu ông nọ cắm cằm bà kia", hay cũng có thể nói cách khác là vô lý, trớ trêu.
Tôi cho rằng, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành GTVT khác hẳn với lực lượng Công an bảo vệ An ninh Chính trị và giữ gìn Trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đương nhiên có giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT). Thế nên, nếu TNGT tăng hay giảm, đều chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích hay khuyết điểm của lực lượng công an.
Và để tạo điều kiện cho họ thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT; Đảng và Chính phủ đã quan tâm biên chế cán bộ, chiến sỹ cùng các trang thiết bị hiện đại như cân tải trọng điện tử; máy đo tốc độ; máy kiểm tra khói xả xe cơ giới xách tay; máy đo nồng độ rượu, bia… Tuy nhiên việc sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm - cấp giấy phép lưu hành xe cơ giới đường bộ Dân sự lại không được giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an.
Sẽ có số ít người vẫn cho rằng nếu ngành công an thực hiện việc này thì khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi", họ chỉ cần tích cực tuần tra kiểm soát, hướng dẫn, điều khiển giao thông trên đường, là có thể bảo đảm ATGT. Trong khi theo tôi, công vụ này chỉ là một điều kiện đủ (thuộc phần ngọn), thiếu hẳn một điều kiện cần (thuộc phần gốc) là công việc sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm - cấp giấy phép lưu hành xe (cơ giới đường bộ).
Điều này cũng thật đơn giản, dễ hiểu là lực lượng Công an có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT, mà việc sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm -cấp giấy phép lưu hành xe, lại giao ngành GTVT, thì có khác nào một cơ quan phải chịu trách nhiệm doanh thu đêm diễn, hay live show ở nhà hát, mà việc bán vé lại giao cho một đơn vị khác?.
Thế nên trở lại chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an, tôi cho rằng cơ quan thẩm quyền cần sớm xem xét, sửa đổi điều 61, khoản 10 và điều 55, khoản 6 của Luật Giao thông đường bộ, giao lực lượng Công an sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm - cấp giấy phép lưu hành xe cơ giới đường bộ Dân sự.
Sẽ có người lập luận rằng nếu như vậy sẽ chẳng khả thi, vì số biên chế cán bộ nhân viên và hàng loạt cơ sở vật chất, Chính phủ đã đầu tư công cho ngành GTVT phục vụ phần việc này bị lãng phí, dôi dư sao được… Hoặc nếu ngành công an thực hiện nhiệm vụ này, liệu có tiêu cực như ngành GTVT? Ngoài ra còn việc sát hạch - cấp bằng lái tàu hỏa, tàu thủy và cả máy bay… chẳng lẽ lực lượng Công an có thể đảm nhiệm được hết sao?
Song tôi cho rằng, nếu phương án này được chấp thuận thì sẽ có cách giải quyết và được lý giải. Chẳng hạn các cơ sở vật chất đầu tư công cho ngành GTVT, để sát hạch - cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, đều bàn giao được cho lực lượng Công an. Hay lĩnh vực hàng không thật hiếm lắm mới xảy ra tai nạn máy bay, cho nên lĩnh vực này vẫn có đặc thù riêng.
Nguyễn Thành Lập