3 phút cùng luật sư:
Nên cân nhắc việc về quê ăn Tết: Hậu quả ra sao nếu làm lây lan dịch bệnh?
(Dân trí) - Nếu từ những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao về quê ăn Tết, "quà Tết" mà chúng ta mang về có khả năng chính là Covid-19 và vô tình vi phạm pháp luật khi chẳng may làm lây lan dịch bệnh.
Đối với những người con xa quê, ai cũng nung nấu trong lòng ước mong được trở về đoàn tụ với gia đình, ở cạnh người thân đón 1 cái Tết thật trọn vẹn. Nhưng với tình hình đại dịch Covid-19 đang có những chuyển biến phức tạp, việc về quê trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Giữa 2 lựa chọn, hoặc ở yên tại vị trí hiện tại và lên đường về về quê ăn Tết, đâu mới là lựa chọn phù hợp và đúng đắn trong hoàn cảnh hiện tại?
Theo góc nhìn của pháp luật, việc này sẽ được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Phan Vũ Tuấn để nghe anh chia sẻ về vấn đề này.
Thưa luật sư, với những chuyển biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc bất chấp về quê ăn Tết khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhiều hơn có vi phạm pháp luật không?
L.s Phan Vũ Tuấn: Hành vi vượt ra khỏi vòng kiểm soát của nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 10 trong Nghị định 176 của Chính phủ năm 2013, người trốn khỏi khu cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối hoặc trốn tránh các biện pháp cách ly để phòng chống dịch covid 19 hoàn toàn có thể bị phạt tiền từ 3 đến 10 triệu đồng
Trong 1 số trường hợp có thể khởi tố tội hình sự. Điển hình như gần đây đã có khởi tố vụ án về 1 người không tuân thủ biện pháp cách ly, làm ảnh hưởng đến hoạt động chống covid, gây ra 1 đợt dịch lây lan khá lớn. Vụ việc đó hiện đang được xử lý bởi cơ quan tòa án có thẩm quyền.
Không chỉ vi phạm pháp luật, những hành vi tương tự như vậy còn vượt qua giới hạn đạo đức khi làm ảnh hưởng đến những nỗ lực chống dịch của nhà nước và an toàn sức khỏe của cả cộng đồng.
Mở rộng hơn khi nói về việc về quê ăn Tết, những người Việt đang ở nước ngoài lại càng muốn về quê hơn và có khi sẽ tìm đủ mọi cách như vượt biên để về ăn Tết mà không bị vướng cách ly.
Đối với những người vượt biên ăn Tết, ngoài hành vi vi phạm pháp luật về việc chống lại các biện pháp cách ly họ còn vi phạm hành vi đi xuyên qua biên giới quốc gia.
Tại khoản 3 điều 7 nghị định 167 nghị định chính phủ 2013 có quy định cụ thể, hành vi đi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Ở góc độ cá nhân, luật sư chọn là ở lại hay về quê ăn Tết?
L.s Phan Vũ Tuấn: Lựa chọn của tôi là tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và nhà nước. Nhưng tôi cho rằng, tất cả chúng ta cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc về quê. Bởi khi về quê, chắc hẳn mọi người phải đến bến xe, bến tàu, hay đi trên các chuyến xe đò, máy bay… đây đều là những nơi rất đông người và không xác định được nguồn từ đâu.
Theo quan điểm chung của người Việt, nghỉ Tết là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Tôi cũng như các anh em làm trong ngành công tác pháp luật đều cố gắng bắt được chuyến xe, chuyến máy bay nhanh nhất để ngay lập tức với gia đình. Tôi tin rằng bất kỳ ai cũng mong muốn khoảng thời gian quý giá này được về quê, quây quần bên ba mẹ, anh chị em ăn bữa cơm giao thừa.
Sẽ rất khó khăn khi phải quyết định về quê hay ở lại. Nhưng tôi nghĩ, ở những thời điểm lịch sử nhất định, những hoàn cảnh nhất định, đôi khi phải nhìn những lợi ích ở góc độ khác. Nếu đang ở những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao, có khả năng "quà Tết" mà chúng ta mang về chính là dịch bệnh đáng sợ kia.
Không chỉ có gia đình mà cả xóm, cả làng, tất cả mọi người tại địa phương đều bị ảnh hưởng. Những nỗ lực, cố gắng của chính phủ và đất nước cũng sẽ bị ảnh hưởng chỉ bởi vì cảm xúc cá nhân.
Nếu cân nhắc thấu đáo, có lẽ quyết định phù hợp nhất lúc này là không nên về. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, hãy vượt qua cảm xúc cá nhân để hẹn lại Tết năm sau, chúng ta đoàn viên thật khỏe mạnh và bình an.