Nan giải tìm lối đi cho cây vải

Mấy năm nay mỗi khi mùa vải đến thì điệp khúc “được mùa - mất giá” lại vang lên. Không ít người nông dân chỉ mong là vải sẽ không được mùa để quả vải của họ năm nắng mười sương tốn bao công sức, của cải mới bán được giá.

Khủng hoảng thừa lỗi do ai?

Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vải được mua tại vườn chỉ khoảng 2.000 đến 3.000 một kg nhưng vẫn không nhiều tư thương đến mua. Tại sao năm nào hiện trạng này cũng lặp đi lặp lại?

Đi tìm lời giải cho vấn đề này không phải là điều đơn giản.

Có nhiều ý kiến cho rằng công tác quy hoạch cây vải hiện nay chưa thực sự hợp lý nên dân đến khủng hoảng thừa. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Phượng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bắc Giang nơi hiện có hơn 39.000 ha vải thì hiện trạng “được mùa - mất giá” là do trước đây người nông dân thấy cây vải cho lợi nhuận cao mà người nông dân đã trồng ồ ạt bất chấp quy hoạch và  người nông dân chính là người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng thừa vải.

Cũng theo ông Phượng thì do tình trạng trồng vải ồ ạt những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phải đề ra chiến lược giảm diện tích trồng vải từ khoảng 39.000 ha xuống còn khoảng 35.000 ha. Phải chăng công tác quy hoạch cây vải cũng có vấn đề nên mới phải giảm diện tích trồng vải chứ đâu phải đơn thuần lỗi tại người nông dân. 

Loay hoay tìm lối đi cho cây vải

Nhiều năm nay người ta nói nhiều đến việc xây dựng các nhà máy chế biến vải. Tuy nhiên, nhiều nhà máy đã tư hàng tỷ đồng nhưng hết mùa vải lại chẳng biết làm gì. Có một thực tế là gần một nửa số lượng vải của Việt Nam được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng đây lại là thì trường bấp bênh nhất. Nếu lúc nào các tư thương Trung Quốc mua nhiều thì giá vải cao, ngược lại nếu họ mua ít thì giá vải rớt thảm hại.

Đã nhiều năm hiện trạng này lặp đi lặp lại, người nông dân điêu đứng vì vải rớt giá. Thế nhưng chưa thấy động tĩnh nào cho việc phát triển cây vải một cách bền vững từ các cơ quan chức năng hoặc nếu có thì cũng chẳng mang lại hiệu quả cho người nông dân. Xem ra lối đi cho cây vải trong những năm tới vẫn còn mờ mịt và năm nào vải ngọt cũng biến thành vải đắng.

Lối đi nào cho cây vải là chủ đề của chương trình 8h tối thứ 6, trực tiếp vào 20 giờ ngày 18/7/2008, trên VTV2. Quý vị và các bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình và gửi câu hỏi tại địa chỉ 8htoithu6@vtv.org.vn cho các vị khách mời trong chương trình.

Trịnh Quốc Đông