Nạn đánh bạc “ăn theo” đám cưới, đám ma

Đã từ lâu, hễ gia đình nhà ai có việc cưới xin, ma chay là con cháu họ hàng và dân làng lại tổ chức các “sới bạc” thâu đêm suốt sáng.

Nếu là đám cưới, thì sau buổi dựng rạp chơi đầu hôm thì ngay đêm ấy các sới bạc như: tổ tôm, xóc đĩa, tá lả… được trải ra kín sân, hội trường. Người già thì say hội với người già. Lớp trẻ lại say trò chơi sát phạt kiểu trẻ. Còn ở các đám tang, mặc dù người chết vừa nằm xuống, gia chủ còn đang bối rối, đau thương nhưng các đám bạc vẫn cứ được tổ chức theo… “truyền thống”! Sau khoảng 10 giờ đêm, khi tang lễ tạm dừng để người sống còn lấy sức ngày mai tiễn đưa người chết về nơi an nghỉ cũng là lúc các “sới” bạc bùng phát. Các con bạc túm năm, tụm ba vào chiếu để sát phạt nhau.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tệ nạn đánh bạc nơi đám ma, đám cưới hầu như xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Nhưng xem ra, ở các vùng nông thôn, nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ người ta chơi mê mải hơn, rầm rộ hơn. Tôi đã từng mấy lần đi dự đám ở Bắc Ninh; Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) thì thấy “phong trào” đánh bạc khiếp quá. Không chỉ đàn ông chơi, mà đàn bà con gái, thậm chí là cả các em nhỏ cũng say sưa bài bạc rất “nghệ”. Điều lạ mà tôi thấy là các “sới” tổ chức trong các đám người ta chơi thoải mái, tự do, công khai, thậm chí chơi cực to mà không hề bị chính quyền địa phương có ý kiến gì cả(?!).

 

Đem vấn đề này “thắc mắc” với một người bạn, quê Đình Bảng-Bắc Ninh nơi có “máu mặt” trong giới cờ bạc- thì được biết rằng: Nếu tổ chức đánh bạc không phải ở trong đám ma, đám cưới thì chắc chắn bị bắt, nhưng khi nhà có đám mà chơi thì chính quyền làm ngơ! Tại sao lại như vậy? khi chẳng có một điều luật nào quy định, vì đã đánh bạc thì dù ở đâu cũng đều là phạm pháp. Vâng, quả là “phép vua” xưa nay vẫn luôn thua “lệ làng” khi mà ở nhiều nơi, ngay cả trưởng, phó thôn, cán bộ xã phường cũng tham gia vào bài bạc nhân cơ hội các đám trong địa bàn. Thử hỏi như vậy họ còn nói được ai và bắt làm sao được ai?

 

Để nạn đánh bạc trong các đám cưới, đám ma không còn là “trào lưu” thì cán bộ  ở các địa phương cần chứng tỏ  là những người gương mẫu và kiên quyết trong vấn đề bài trừ tệ nạn “đỏ đen”. Việc các sới bạc họp trong các nhà đám công khai như vậy thì không thể vin vào lý do …không biết họ tổ chức chơi bạc, để mà giải tán hoặc bắt giữ!Cờ bạc là loại hình tệ nạn xã hội cần phải bị loại bỏ, chính vì vậy mà không có lý gì để nó có thể tồn tại, dù với hình thức nào và ở bất cứ đâu…

               H.Huy

                                                                                        (Đại Học Dược Hà Nội )

 

LTS Dân trí - Đánh cờ bạc thì ắt có kẻ thắng người thua; đã thua thì phải gỡ cho đến khi khánh kiệt tài sản, không còn gì để bán chác, cầm cố. Nhiều gia đình điêu đứng, tan nát cũng chỉ vì nạn cờ bạc. Chính trò chơi “đỏ đen” này làm tha hóa và bần cùng hóa con người.

 

Đấy thật sự là một loại tệ nạn xã hội cần phải loại trừ trong một xã hội lành mạnh. Không thể ỷ vào “cái thế” nhà có đám mà tha hồ tổ chức các “sới bạc” để sát phạt nhau. Dù chơi ít tiền cũng làm tốn phí thời gian, gây tổn hại sức khỏe, lúc được không bù lại lúc thua, kết cục chỉ đem lại sự mệt mỏi, chán nản.

 

Các cấp chính quyền ở cơ sở có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tệ nạn cờ bạc, nhất là các sới bạc “ăn theo” đám cưới đám ma. Đấy cũng là việc làm hết sức cần thiết nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cũng như cuộc sống yên bình của người dân ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm