Muốn nghỉ việc vì quy định phạt khi quên mặc đồng phục

PV

(Dân trí) - Mặc đồng phục là yêu cầu bắt buộc của không ít cơ quan, công ty với nhân sự. Một số đơn vị đã đưa ra chế tài phạt với nhân sự không thực hiện nghiêm túc quy định này.

Thang máy vừa mở, Linh chạy vội đến máy chấm công. Cô thở phào khi màn hình nhỏ xíu của máy chấm công hiện chữ "chào mừng" vào đúng 8h30, phút cuối cùng trước khi bị tính đi muộn - đồng nghĩa với việc sẽ mất 1/4 ngày lương.

Nhưng niềm vui của Linh không kéo dài, vừa mở cửa phòng làm việc, nhìn những chiếc áo phông màu tím than khắp văn phòng, rồi nhìn xuống chiếc áo sơ mi trắng đang mặc, nụ cười của Linh tắt ngúm. Cô quên mất hôm nay là thứ 2, là ngày công ty cô yêu cầu mặc đồng phục, nếu ai không chấp hành sẽ phải nộp phạt 100 ngàn.

Thành thật mà nói, Linh thích công việc của mình, đồng nghiệp thân thiện, sếp trực tiếp tốt, chỉ có điều 3 tháng gần đây, từ việc làm áo đồng phục cho một chuyến du lịch công ty, giám đốc công ty quyết định lấy luôn chiếc áo đó làm đồng phục mặc thứ 2 hàng tuần. Linh bất mãn về chiếc áo nhưng không lẽ xin nghỉ việc chỉ vì phải mặc đồng phục mỗi tuần một ngày, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn như năm nay?

Mặc đồng phục đỡ phải nghĩ mặc gì, tiết kiệm tiền mua sắm

Trong một nhóm dành cho dân công sở, một ý kiến về việc bày tỏ quan điểm không muốn mặc đồng phục đi làm nhưng vẫn phải chấp hành để tránh bị phạt tiền như trường hợp của Linh, đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. 

Rất nhiều tài khoản đồng tình với việc mặc đồng phục đi làm, xem điều này thể hiện sự chuyên nghiệp, đỡ phải suy nghĩ mặc gì hay đồng phục giúp xóa nhòa khoảng cách, đỡ khiến cơ quan thành cuộc chiến thời trang. 

Muốn nghỉ việc vì quy định phạt khi quên mặc đồng phục - 1

Nhiều người cho biết việc mặc đồng phục đi làm giúp họ tiết kiệm thời gian mỗi sáng dành cho việc lựa chọn trang phục (Ảnh minh họa).

Tài khoản Hà Nguyễn nêu quan điểm: "Tôi thích suốt ngày mặc đồng phục văn phòng, đi làm chỉ cần chi tiền mua thêm đồ trang điểm nữa thôi".

Ý kiến của tài khoản Hà Nguyễn nhận được hàng chục lượt đồng tình. Với tài khoản Jia Thun, việc mặc đồng phục giúp người này đỡ suy nghĩ sáng mặc gì, có thêm thời gian ngủ.

Tài khoản Nguyễn Lương thì cho hay, cô đã có 2 đứa con rồi nên mặc đồng phục áo trắng cả tuần giúp cô có thêm thời gian chăm con, có thể tự đưa con đi học vào buổi sáng vốn bận rộn.

Tài khoản Kết Kết lại cho rằng việc mặc đồng phục góp phần thể hiện sự bình đẳng giữa các thành viên. "Dù bạn có là quản lý cấp cao hay công nhân, việc mặc đồng phục khiến chúng ta bình đẳng, không phân biệt, kỳ thị ai cao ai thấp. Về cá nhân, thấy tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc phết. Sáng không phải nghĩ xem nay mặc gì đi làm, không phải mua váy nọ, áo kia đỡ tốn tiền hẳn ấy".

Trần Phương: "Đồng phục chứ có gì đâu, nhiều công ty nước ngoài trong khu công nghiệp thì Tổng giám đốc cũng phải đồng phục nhé".

Tài khoản Tu Ngoc Nguyen: "Bên mình không có đồng phục, đi làm mặc như cái show thời trang, có mấy chị lại tị nạnh hơn thua nhau".

Nhiều ý kiến cho rằng bộ đồng phục thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty, tôn trọng quy định công ty, là điều cơ bản khi đi làm.

Tài khoản An An Nguyen: "Đồng phục thể hiện sự chuyên nghiệp và nhận diện thương hiệu của tổ chức".

Yến Ngọc: "Công ty mình mặc đồng phục từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 mặc tự do. Mình thấy không vấn đề gì hết".

Mặc đồng phục là giọt nước tràn ly để tìm việc mới

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc mặc đồng phục và chấp nhận bị phạt khi không mặc đồng phục, cũng có không ít người bày tỏ quan điểm không thích mặc vì nhiều lý do khác nhau. 

Tài khoản Vy Nguyen: "Nếu công việc phải tiếp xúc với khách hàng, việc mặc đồng phục để thể hiện sự chuyên nghiệp thì mình thấy ok. Còn nếu công việc không liên quan gì tới khách hàng thì mình thấy mặc hay không mặc cũng chả ảnh hưởng gì".

An An: "Mặc đồng phục chẳng sao nếu nó đẹp thì còn thích mặc, còn đằng này xấu còn bắt mặc. Mình mặc được 2 tuần thấy vải cọ vào người ngứa đỏ da, tay áo rộng nhưng chật phần nách áo, cử động khó chịu".

Muốn nghỉ việc vì quy định phạt khi quên mặc đồng phục - 2

Bàn về chuyện phạt tiền khi không mặc đồng phục cũng có những luồng ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa).

Trúc Giang: "Thà là đồng phục cả tuần toàn công ty chứ kiểu phát cho được 1 cái áo xong hứng lên yêu cầu mặc 1 ngày trong tuần thì nhiều khi quên là bình thường. Mình cũng từng làm ở một công ty mà sau khi đi team building về, họ yêu cầu lấy cái áo đó làm đồng phục và đưa vào quy định yêu cầu phải mặc, nếu không thì bị phạt, rất tào lao".

Tài khoản Viễn Hoa Hỏa cho rằng nếu không thích mặc đồng phục thì nên né từ khi bắt đầu tìm hiểu công việc và ứng tuyển: "Tôi rất không thích mặc đồng phục đi làm, nên khi biết công ty nào yêu cầu đồng phục là tôi không ứng tuyển. Còn nếu tôi đã chấp nhận vào công ty sẽ theo quy định công ty".

Là người yêu thời trang, việc mặc đồng phục dù chỉ 1 buổi/ tuần với Lê Bình cũng là điều không trông đợi. "Mình rất không thích đồng phục, nhưng quy định thì biết sao. Mình sẽ mặc để không bị đóng phạt nhưng mình sẽ chỉ mặc ở công ty thôi".

Bạn đọc Thư Linh khẳng định mình không thích mặc đồng phục, lý do không liên quan đến chuyện đồ xấu hay đẹp. "Mình không thích đồng phục từ xưa. Công việc và môi trường công ty mình không có quy định mặc và đây là thứ mới phát sinh một cách ngẫu hứng của sếp bộ phận.

Dù tiền này sẽ sung quỹ để tổ chức liên hoan cho bộ phận nhưng mình không thoải mái. Mình đang nộp hồ sơ tìm việc mới và mặc đồng phục chính là giọt nước tràn ly khiến mình đưa ra quyết định này. Có thể mọi người sẽ bảo mình hâm hay hãm, rằng không có mình công ty còn đầy người khác nhưng mình thấy phạt tiền vì không mặc đồng phục trong trường hợp của mình là vô lý và mình cũng có quyền chọn môi trường phù hợp mà".

Bàn về chuyện phạt tiền khi không mặc đồng phục cũng có những luồng ý kiến khác nhau.

Tài khoản Minh Thiện: "Việc phạt tiền vì không mặc đồng phục là nội quy mang tính nội bộ của cty, không nằm trong luật lao động, nó thuộc phạm trù nội bộ.

Việc nhân sự của một doanh nghiệp mặc đồng phục một hay nhiều ngày cố định trong tuần là hết sức bình thường, nó thể hiện rất nhiều lợi ích và ý nghĩa. Nếu bạn không thích, bạn có thể mang đồ cá nhân theo, tới nơi thì mặc đồng phục, lúc về thì thay ra lại. Thể chế của công ty, bạn phải tuân theo; nếu bạn bất tuân, bạn có quyền nghỉ việc".

Tài khoản Cao Minh Đức: "Nếu không có khoản phụ cấp chấp hành nội quy, thì đúng là không có quyền trừ lương/ phạt khi không mặc đồng phục. Nhưng nếu nội quy công ty có hình thức xử lý cảnh cáo/ nhắc nhở/ sa thải v.v... khi không mặc đồng phục, thì không chỉ dừng lại ở chỗ trừ lương hay không trừ lương thôi đâu".

Hải Đăng