Mùa mưa Ngâu vời vợi...
(Dân trí) - Tháng Bảy này anh bảo “cứ như thể mất mùa Ngâu” vì mưa xối xả trắng trời, ngập đất. Chẳng còn đâu cảnh năm nào đợi anh dưới làn mưa xiên xiên, rả rích, áp mặt vào gói hoa xinh xắn nhè nhẹ hít hà hương ngọc lan dịu ngọt như tình mẹ, nghĩa cha…
Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi… Tháng Ngâu năm nay lòng tôi buồn se sắt bởi mẹ kính yêu cũng đã theo cha ra đi, mang bao xót xa thương nhớ của chị em tôi về tận cuối trời. “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, giờ đây âm – dương cách trở, chị em tôi biết làm gì để báo hiếu được nữa…
Như thể mới ngày nào, cứ vào cữ tháng Bảy ta mưa sùi sụt, tối đến chị em tôi trứng gà trứng vịt lau nhau lại chành chọe tranh được nằm cạnh mẹ. Rồi mơ màng thiếp đi trong tiếng mưa rơi đều đều, buồn bã ngoài hiên, trong giọng sẽ sàng mẹ kể đi kể lại câu chuyện về chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ.
Ba tôi lúc trẻ thì đi bộ đội, phục viên rồi lại mải miết quanh năm suốt tháng rong ruổi khắp các nông trường. Chẳng phải Chức Nữ mà mẹ tôi gần như cả một đời chịu cảnh vợ chồng Ngâu. Ấy vậy mà chẳng bao giờ nghe mẹ thở than một tiếng, lúc nào cũng “nhất chồng, nhì con”…
Nhà hai đời độc đinh liên tiếp (ba tôi và cậu út đều là con trai một), âm thịnh dương suy. Phận dâu trưởng trăm công ngàn việc, mẹ còn kèm thêm nỗi lo chăn dắt đàn “vịt giời – bom nổ chậm” trong nhà.
Rảnh lúc nào mẹ lại lo dạy dỗ các kỹ năng nữ công gia chánh, bà cũng luôn rủ rỉ bên tai chúng tôi những lời dặn dò. Rằng thì là phận gái phải hiền lành, chăm chỉ, quán xuyến, vun vén… Đừng để rơi vào thân phận nhà Ngâu, mỗi năm Trời chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch giữa trắng trời, trắng đất nước mắt ngắn, nước mắt dài …
Rồi mẹ khẽ ngâm nga:
Tháng năm tháng sáu mưa dài
Bước sang tháng bảy tiết trời mưa Ngâu
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần.
Chẳng hiểu có phải cái kiếp của mẹ vận vào người con không, mà gần như mùa mưa Ngâu nào sau đó cũng để lại những dấu ấn suốt thời tuổi trẻ của tôi. Riết đến mức tôi mê tất cả những gì có có dính líu tới mưa Ngâu. Nhất là ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Thanh Tùng:
…. Ngày xưa đôi ta bên nhau
chiếc ô xoe tròn là bóng lá
Mong sao mưa thật lâu
để cho đôi lứa bên nhau
… Ngày nay đôi ta xa nhau
lá xanh trên cành thành lá úa
Từng giọt mưa ngâu rớt bên thềm
tình yêu đâu dễ lãng quên
… Chuyện tình yêu
như là những cơn mưa
trong đời đầy nắng gió
Để trên mi ai bây giờ
Mùng 7 vừa qua, lễ báo hiếu Vu lan đã tới.
Nhớ lại mấy năm trước được tòa soạn giao đi viết bài về lễ Vu lan, tôi còn phải điện về hỏi mẹ từng chi tiết làm lễ, rồi chạy xe về chở bà đi thực tế tại mấy chùa quen của mẹ. Và được nghe một Hòa thượng dạy rằng: Thiện tâm là chính tự lòng ta, nếu có tâm thiện thì chỉ một nén nhang, một nhành hoa đơn sơ dâng lên cũng được đức Phật từ bi chứng giám, phù hộ độ trì…
Sau này biết anh thạo các nghi thức cúng lễ nhà Phật, tôi thường hỏi thêm anh cách làm lễ sớm ra sao, cúng bái thế nào cho thật đúng. Dù là đàn ông con trai, nhưng vốn con nhà gia giáo Hà Nội gốc, anh được ông bà cha mẹ dạy dỗ khá kỹ về các phong tục truyền thống. Đặc biệt tay nghề nấu nướng, làm cỗ của anh chàng “mười ngón hoa tay cả mười” này thì quả là rất đáng nể.
Ngày ba tôi khuất núi, anh có mặt đầu tiên trong tiếng khóc lặng của cô bạn gái thủa học trò. Tới ngày mẹ tôi đi xa, anh cũng là một trong những người đến viếng sớm nhất. Ôi tình bạn thủa học trò xưa, cha mẹ ai cũng như mẹ cha chung cho bầy con nhỏ cùng lớp, cùng trường, cùng đi sơ tán.
Vu lan nay, mẹ cha đôi bên đều đã khuất núi… Chúng tôi chỉ có thể cùng sẻ chia nỗi buồn thương trong tiếng mưa sầm sập như thác đổ, và bầu trời thi thoảng lại như bị xé toạc ra bởi những tiếng sét inh tai và những tia chớp lửa ngoằn ngoèo hình xương cá…
Khi còn sống, ba mẹ tôi vẫn luôn dặn dò con cái không được phung phí nhất là với của ngọc thực kẻo “phải tội”, bởi trong cuộc sống này còn bao người nghèo khó, khốn khổ, chưa được ăn no, mặc ấm. Dù khá giả hay nghèo hèn, vẫn nhớ dành một góc trái tim cho việc thiện…
Dạ vâng, thưa ba, thưa mẹ! Mùa Vu lan này chúng còn chỉ dám biện mâm cúng đơn sơ. Thêm đôi dép mộc mạc, cặp quần áo giản dị, chiếc nón lá trắng tinh, chiếc mũ cát thủa sinh thời mẹ, cha thường thích đội…
Còn mâm cúng chúng sinh giúp những linh hồn đói khát vào cái ngày “Thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy" này, cũng toàn là những món quà quê mang đậm dấu ấn cuộc sống khi xưa của mảnh đất miền Trung quê mẹ, quê cha: khoai luộc, bỏng ngô, cháo trắng… và những xấp tiền xu cùng những xấp quần áo be bé, mỏng manh…
Mong sao những ước nguyện của chúng tôi – những lời nhắn gửi yêu thương hướng về ông bà, cha mẹ… vẫn có thể theo những dòng mưa xiên xiên tới được nơi rất xa, rất xa ấy…
Kiều Anh